Phòng xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài - Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) vừa xác nhận, đã nhận được thông tin về việc Uỷ ban Chống bán phá giá Indonesia (KADI) đăng công báo số 652/KADI/IX/2015 quyết định khởi xướng điều tra chống chống bán phá giá đối với sản phẩm giấy màng BOPP (Biaxially Orented Polypropylene) nhập khẩu từ Việt Nam và Thái Lan.
Nguyên đơn của vụ kiện là: PT TriasSantosaTbk và PT. Lotte Packaging
Theo đó, sản phẩm bị điều tra là giấy màng BOPP có mã HS: 3920.20.10 và 3920.20.90.
Sản phẩm bị điều tra là giấy màng BOPP có mã HS: 3920.20.10 và 3920.20.90 |
Trong thông báo phát đi, KADI cho biết đã nhận được đơn yêu cầu tiến hành điều tra chống bán phá giá với lý do KADI thấy có dấu hiệu hàng hóa bị bán phá giá và gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa đối với sản phẩm tương tự.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh, đây là vụ kiện chống bán phá giá thứ 2 của Indoensia đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trước đó vào năm 2012 là sản phẩm thép.
Đây không phải là lần đầu tiên sản phẩm giấy màng BOPP bị vướng điều tra chống bán phá giá. Vào tháng 7/2012, sản phẩm Giấy màng BOPP (Biaxially Orented Polypropylene Films) của Việt Nam, Mã HS 3920.20.200 và Mã AHTN 3920.20.00.20, loại màng nhựa làm từ hạt nhựa PP, dùng cho các nhãn hàng, bìa sách, tạp chí, bao bì mềm thực phẩm (mì gói, bánh kẹo, cà phê) đã bị Malaysia đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá, với giai đoạn điều tra: từ 01/1/2011 đến 31/12/2011.
Cụ thể, Malaysia khởi xướng điều tra sau khi công ty San Miguel Yamamura Plastic Films Sdn. Bhd. đưa đơn kiện.
Căn cứ vào việc so sánh giá trị thông thường của mặt hàng bị điều tra với giá được bán khi nhập khẩu vào Malaysia và tăng về số lượng nhập khẩu mặt hàng nêu trên, các nguyên đơn cho rằng ngành công nghiệp Malaysia đang bị thiệt hại do các hậu quả của hành vi bán phá giá, bán giá thấp, ép giá của các nhà xuất khẩu làm các nhà sản xuất nội địa sụt giảm thị phần, doanh thu, dòng tiền và lợi nhuận, và không có đầu tư mới cũng như khả năng tăng vốn
Sau đó, Bộ Công nghiệp và thương mại quốc tế Malaysia (MITI) đã áp thuế chống bán phá giá ở mức 10,41 - 21,43%, có hiệu lực từ ngày 24/12/2012 đến 22/4/2013 đối với sản phẩm này.
Như vậy, tính từ đầu năm 2015 đến nay, nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam liên tiếp bị điều tra chống bán phá giá, như thép cuộn cán nguội, sản phẩm thước dây xuất khẩu, săm lốp, sản phẩm thép hợp kim cán nóng.../.