Bà Nguyễn Vân Anh, Tổng giám đốc Tập đoàn IEC. |
Bà có thể cho biết về việc phối hợp tổ chức Diễn đàn lần này với các cơ quan liên quan?
Tiếp nối thành công của Diễn đàn cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2018, Diễn đàn năm nay được tổ chức với mục đích tuyên truyền rộng rãi tới các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội về triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 cùng với Chương trình hành động của Chính phủ, Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0, Đề án chuyển đổi số quốc gia.
Ban Tổ chức mong muốn tạo dựng một diễn đàn chất lượng, thu hút đông đảo các chuyên gia công nghệ hàng đầu, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư tiềm năng, cùng các diễn giả uy tín trong nước và quốc tế cùng hội tụ và thảo luận các vấn đề trong cuộc CMCN 4.0 tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, đưa ra các khuyến nghị chính sách cho Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam trong khuyến khích, thúc đẩy chủ động tham gia CMCN 4.0.
Năm nay, Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục là cơ quan chủ trì và chỉ đạo chuyên môn cùng các bộ, ngành liên quan, các công tác tổ chức và hậu cần do Tập đoàn IEC chủ trì thực hiện với sự phối hợp của Hội Tự động hóa Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam. Xác nhận với Ban Tổ chức, cho đến nay đã có khoảng 100 đại biểu lãnh đạo là Thứ trưởng, Phó chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và tương đương trở lên tham dự Diễn đàn, 15 đại sứ, phó đại sứ và gần 120 diễn giả, chuyên gia quốc tế tham dự, trên 3.000 đại biểu đã xác nhận tham dự sau khi nhận được giấy mời. Có thể nói, sự kiện năm nay nhận được sự quan tâm rất lớn của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.
Hiện nay có rất nhiều sự kiện về công nghệ 4.0, chuyển đổi số được tổ chức trong nước, vậy đâu là điểm khác biệt của Industry 4.0 Summit 2019, thưa bà?
Thực hiện chỉ đạo của Ban Kinh tế Trung ương, mỗi lần tổ chức Industry Summit, Tập đoàn IEC đều tìm tòi để tạo ra những sự khác biệt, những điểm nhấn bên cạnh việc luôn bảo đảm chương trình có nội dung thực sự chất lượng.
Năm nay, điểm nhấn đầu tiên và quan trọng nhất của sự kiện là việc công bố và triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị (Nghị quyết 52-NQ/TW) về chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư của Việt Nam. Tại sự kiện, toàn thể các đại biểu sẽ được cung cấp sách tham khảo là kết quả nghiên cứu từ Đề án của Ban Kinh tế Trung ương phục vụ xây dựng Nghị quyết này. Cuốn sách này do đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án là chủ biên. Đây là tư liệu quý, rất có giá trị cho các địa phương, doanh nghiệp và đại biểu tham dự sự kiện.
Điểm nhấn tiếp theo là chúng tôi mời được khoảng 100 chuyên gia trong nước và quốc tế có uy tín để chia sẻ các kinh nghiệm về chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực cho Việt Nam. Và cuối cùng, để gia tăng thêm giá trị cho các địa phương, doanh nghiệp và đại biểu tham dự sự kiện, gần 100 doanh nghiệp hàng đầu tham gia triển lãm và thực hiện các hoạt động kết nối, xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp Việt Nam.
Diễn đàn làm thế nào để quy tụ được những chuyên gia công nghệ giàu kinh nghiệm trên thế giới?
Trước hết, phải nói là từ uy tín của các cơ quan chỉ đạo tổ chức sự kiện, sau đó là từ tiếng vang và uy tín của Industry Summit năm 2018. Ngoài ra, với kinh nghiệm và sự năng động, sáng tạo của đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp của Tập đoàn IEC, kết hợp với sự kết nối và hỗ trợ tuyệt vời của các đối tác trong nước và quốc tế, chúng tôi rất may mắn khi có được sự tham gia của đông đảo chuyên gia trong nước và quốc tế cho sự kiện quan trọng này.
Xin bà chia sẻ thêm về định hướng cho Diễn đàn trong thời gian tới?
Trên nền tảng thành công của Diễn đàn, chúng tôi sẽ định hướng phát triển Industry Summit thành một sự kiện có tầm cỡ khu vực ASEAN trong thời gian tới, gắn kết chặt chẽ và phục vụ đắc lực cho quá trình triển khai các chủ trương của Đảng, chiến lược và chính sách của Chính phủ Việt Nam.