Ngày 09/02/2018, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM đã tổ chức buổi bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của EVN Genco 3 với tổng số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 267.051.900 cổ phần, tương ứng 12,8355% vốn điều lệ.
Đã có 336 nhà đầu tư tham gia đấu giá, trong đó có 02 nhà đầu tư tổ chức và 334 nhà đầu tư cá nhân. Giá đặt mua cao nhất là 34.000 đồng mỗi cổ phần, giá đặt mua thấp nhất là 24.600 đồng mỗi cổ phần, khối lượng đặt mua cao nhất là 2.500.000 cổ phần.
2 tổ chức nước ngoài cũng đã mua 3,36 triệu cổ phần
Kết quả đã bán được 7.451.400 cổ phần, với mức giá đấu thành công bình quân là 24.802 đồng/cổ phần. Tổng giá trị cổ phần trúng giá là 184,8 tỷ đồng.
Sau đợt IPO, EVN Genco 3 sẽ bán tiếp cho nhà đầu tư chiến lược 36% cổ phần (bao gồm cả nhà đầu tư trong và ngoài nước) và số lượng cổ phần phát hành lần đầu ra công chúng không bán hết. Với thực tế, số lượng cổ phần mà nhà đầu tư chiến lược đăng ký mua đã vượt quá mức 36% cho phép, việc lựa chọn đối tác cũng sẽ được thực hiện qua phương pháp đấu thầu giữa các nhà đầu tư.
Theo ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN, có bốn nhà đầu tư tầm cỡ thế giới từ Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Đông đang muốn đặt mua 36% cổ phần dành cho các nhà đầu tư chiến lược tại EVN Genco 3. “Nhà đầu tư chiến lược không phải chỉ muốn mua 36% mà mục tiêu của họ là mua trên 51% trong tương lai”, ông Tri nói.
Số tiền tối thiểu cần bỏ ra để sở hữu hơn 36% cổ phần Genco 3 lên tới 18.425 tỷ đồng.
Tại quyết định bán cổ phần của EVN Genco 3, Chính phủ cũng cho phép sau 2 năm cổ phần hoá, EVN có thể thoái hết vốn xuống mức tối thiểu nếu đàm phán xong với ngân hàng về tái cơ cấu khoản vay.
Trước đó, mức giá khởi điểm 24.600 đồng/cổ phiếu tại EVN Genco 3 được xem là quá cao, nhất là so với mức giá khởi điểm 14.400 đồng/cổ phiếu của Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) cũng hoạt động trong ngành điện.
Theo phân tích của các chuyên gia, giá khởi điểm của EVN Genco 3 tuy có cao, nhưng do cách xác định lại quy mô vốn điều lệ của EVN Genco 3 nên số tiền bán cổ phần thu về sẽ được giữ lại đa phần ở doanh nghiệp, trở thành vốn của doanh nghiệp, thay vì chuyển hết cho nhà nước.
Mặt khác, với tiềm lực thực tế và quy mô hoạt động của EVN Genco 3, nhà đầu tư chiến lược được nhắm tới là doanh nghiệp có thể đồng hành lâu dài trong hoạt động kinh doanh sản xuất điện và ở tầm quốc tế.