Sức khỏe doanh nghiệp
ITACO nặng gánh với Nhiệt điện Kiên Lương
Lâm Vũ - 30/09/2021 08:09
Những kiến nghị đưa lại Dự án Nhiệt điện Kiên Lương vào quy hoạch điện chưa có tín hiệu khả quan dẫn đến rủi ro suy giảm giá trị với các khoản đầu tư, phải thu liên quan tại ITACO.
Dự án Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương đã “đắp chiếu” nhiều năm. Ảnh: Lê Vân

Tài sản ngàn tỷ, lợi nhuận èo uột

Tính đến ngày 30/6/2021, quy mô tổng tài sản của Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITACO) đạt 13.363 tỷ đồng, giảm 134 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho lên đến 4.009 tỷ đồng, chiếm 30% cơ cấu tài sản, tập trung vào một số dự án như E.City Tân Đức, Khu công nghiệp Tân Đức, Khu công nghiệp Tân Tạo, Chung cư Tân Đức… Giá trị tồn kho lớn, các dự án kéo dài nhiều năm khiến dòng vốn tồn đọng, vấn đề giải phóng tồn kho bị đặt dấu hỏi.

Các khoản phải thu ngắn và dài hạn cũng chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu tài sản của ITACO, với tỷ lệ 30%, giá trị 4.017,6 tỷ đồng. Tình trạng các khoản phải thu lớn, thời gian thu dài ảnh hưởng đáng kể đến việc quay vòng vốn của ITACO  và tiềm ẩn rủi ro phát sinh nợ xấu trong tương lai.

Đối với khoản tiền mặt và tiền gửi các loại, số dư đến ngày 30/6/2021 chỉ 64,8 tỷ đồng, chiếm 0,48% tổng tài sản. Tình trạng số dư tiền mặt ít, nguồn lực dự trữ mỏng duy trì suốt nhiều năm là điểm khác biệt đáng kể trong cấu trúc tài chính của ITACO so với nhiều doanh nghiệp cùng lĩnh vực đầu tư khu công nghiệp.

Ở chiều ngược lại, ITACO có tỷ lệ đòn bẩy tài chính thấp, với nợ phải trả chỉ chiếm khoảng 18,9% cơ cấu nguồn vốn, trong đó nợ vay chỉ chiếm 1,3%, với 177,6 tỷ đồng, giúp áp lực trả lãi vay và tiền vay ở mức thấp. Tuy vậy, việc lượng tiền tích lũy ít ỏi, dòng vốn bị ứ đọng nhiều tại các khoản tồn kho và phải thu khiến Công ty sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm dòng vốn cho sản xuất - kinh doanh và tiếp tục đầu tư vào các dự án dở dang.

Tình trạng quy mô tài sản, nguồn vốn trên chục ngàn tỷ đồng nhưng lợi nhuận mỏng của ITACO đã kéo dài nhiều năm qua. Các chỉ số hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA), trên nguồn vốn chủ sở hữu (ROE) theo đó ở mức khá thấp. Năm 2019 - năm ITACO ghi nhận lợi nhuận sau thuế cao nhất kể từ năm 2011 với 206,3 tỷ đồng, ROE và ROA cũng chỉ 1,97% và 1,56%, thấp hơn nhiều so với bình quân các doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp khác.

Gánh nặng Nhiệt điện Kiên Lương

Năm 2008, Công ty cổ phần Năng lượng Tân Tạo (TEC, thành viên của ITACO) được giao làm chủ đầu tư Dự án Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương tại thị trấn Ba Hòn, huyện Kiên Lương. Dự án có quy mô 4.400 - 5.200 MW, tổng vốn đầu tư 6,7 tỷ USD, được kỳ vọng sẽ giúp ITACO có bước phát triển vượt bậc trong lĩnh vực năng lượng.

Tuy vậy, sau nhiều năm kể từ khi được chấp thuận nguyên tắc đến nay, Dự án vẫn trong cảnh “đắp chiếu”. Tháng 3/2016, Dự án không được đưa vào danh sách phê duyệt các dự án điện theo Quyết định 428/QĐ-TTg của Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Thậm chí, sau đó, tỉnh Kiên Giang đã kiến nghị thu hồi chủ trương đầu tư dự án này.

Trong báo cáo soát xét năm 2021, đơn vị kiểm toán của ITACO là Ernst&Young Việt Nam đã nêu ý kiến nhấn mạnh về khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển năng lượng Tân Tạo (TDEC) và Công ty cổ phần Năng lượng Tân Tạo 2 (TEC 2) với giá trị lần lượt 1.752,7 tỷ đồng và 417,7 tỷ đồng, cùng khoản phải thu 1.412,7 tỷ đồng với TEDC, TEC2 và TEC là các phát sinh liên quan đến quy trình phát triển Dự án Nhiệt điện Kiên Lương. Tổng giá trị các khoản mục này lên đến gần 3.583 tỷ đồng, tương đương hơn 1/4 tổng tài sản của ITACO đến ngày 30/6/2021. Ý kiến nhấn mạnh này liên tục được nêu trong báo cáo kiểm toán những năm gần đây.

Ban Tổng giám đốc ITACO cho biết, đã có các văn bản gửi Chính phủ và các cơ quan, ban ngành xin các phê duyệt cần thiết để đưa Dự án Nhiệt điện Kiên Lương vào Quy hoạch điện VIII và tin tưởng TEC có thể tiếp tục thực hiện Dự án. Đồng thời, ITACO ước tính giá trị thanh lý đất thuộc Dự án theo giá thị trường tại khu vực lân cận và đánh giá khả năng thu hồi công nợ phải thu và giá trị các khoản phải thu không bị suy giảm đến thời điểm lập báo cáo tài chính (ngày 30/6/2021).

Tuy vậy, với việc Dự án đã đình trệ nhiều năm và khả năng “hồi sinh” Dự án đang bị đặt dấu hỏi lớn, hoàn toàn có cơ sở để lo ngại về nguy cơ phát sinh tổn thất tài sản của ITACO liên quan đến các khoản phải thu, đầu tư vào các đơn vị liên quan đến dự án này.

Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2021 của ITACO cho biết, doanh thu thuần đạt 321,8 tỷ đồng, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận gộp cũng tăng mạnh 31,5%, đạt 153,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, các chi phí bán hàng, chi phí quản lý và chi phí thuế trong kỳ tăng mạnh và lỗ trong công ty liên kết gia tăng khiến lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 75 tỷ đồng, tăng gần 1 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Tin liên quan
Tin khác