Ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có lãi chiếm 65,1%, tăng 2,3 điểm so với năm trước. |
Thông tin này vừa được ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội đưa ra tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Công Thương, Đỗ Thắng Hải vừa diễn ra.
Trưởng đại diện JETRO Hà Nội cho biết, hàng năm, JETRO đều có cuộc khảo sát về tình hình hoạt động của doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư tại châu Á và châu Đại Dương, trong đó có Việt Nam.
Thông báo chính thức về kết quả cuộc khảo sát năm 2017 tại Việt Nam sẽ được JETRO thông tin vào ngày 06/02 tới đây.
Thời gian khảo sát được thực hiện từ 10/10 đến 10/11/2017, đối tượng là gần 12.000 doanh nghiệp Nhật Bản tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tại Việt Nam, có 1.345 doanh nghiệp Nhật Bản tham gia khảo sát, trong đó 652 doanh nghiệp đưa ra trả lời hợp lệ (chiếm 48,5%).
Theo ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, đây là một tỷ lệ khá cao. Nhờ những thông tin mà các doanh nghiệp cung cấp, JETRO đã có những số liệu, thông tin cụ thể để hiểu hơn về tình hình hoạt động, những khó khăn, nguyện vọng của các doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam cũng như các nước bản địa nói chung.
Ông Hironobu Kitagawa cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam "có lãi" chiếm 65,1%, tăng 2,3 điểm so với năm trước.
Lợi nhuận của gia công xuất khẩu (EPE) tương đối tốt. Khoảng 70% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có phương châm "mở rộng hoạt động", "đây là tỷ lệ cao so với các quốc gia khác, đồng thời khẳng định, Việt Nam tiếp tục là địa điểm đầu tư quan trọng.
Bên cạnh đó, khảo sát còn cho thấy, hơn một nửa số doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao về 3 yếu tố - quy mô thị trường, tính tăng trưởng; tình hình chính trị, xã hội ổn định; chi phí nhân công rẻ - của Việt Nam.
Tuy nhiên, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra những rủi ro trong môi trường đầu tư.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, kết quả khảo sát được thực hiện một cách tổng thể, khách quan, với cách làm khoa học và bài bản, kết quả khảo sát đã đem lại những thông tin thực sự hữu ích, đáng quý, giúp cho Chính phủ cũng như ngành Công Thương nhìn thẳng vào những vấn đề còn tồn tại, từ đó giúp cho việc hoạch định chính sách và ban hành chính sách hiệu quả và ngày càng sát thực tế hơn.
Vui mừng trước thông tin 70% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có phương châm "mở rộng hoạt động" và 65,1% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam "có lãi", Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, ngành Công Thương nói riêng và Chính phủ Việt Nam nói chung sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng tin tưởng và đầu tư mới hoặc tiếp tục đầu tư tại Việt Nam.