Chuyển động thị trường
KCN tại TP.HCM hút 425 triệu vốn FDI chỉ trong 3 tháng
Hữu Tuấn - 25/09/2015 14:25
Theo Báo cáo tình hình hoạt động các KCN Việt Nam của Savills Việt Nam, các KCN phía Nam đang hoạt động rất hiệu quả với lượng vốn FDI thu hút cao gấp 9 lần các KCN phía Bắc.

KCN trọng điểm phía Nam: Đất rộng, cơ chế thoáng

KCN trọng điểm phía Nam (SKEZ) bao gồm TP.HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu. SKEZ bao gồm 106 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích là 33.500ha. Các KCN này có lợi thế nằm gần đường quốc lộ, đường liên tỉnh, cảng biển, và cảng hàng không quốc tế.

Tp.HCM là trung tâm kinh tế của SKEZ nên nhận được số lượng dự án FDI lớn nhất. Chỉ tính riêng trong nửa đầu năm 2015, các doanh nghiệp Anh Quốc đầu tư nhiều nhất vào thành phố, chiếm 59% vốn FDI, theo sau là các nhà đầu tư đến từ quần đảo British Virgin (15%) và Hàn Quốc đứng thứ 3 (10%).

KCN Thốt Nốt Cần Thơ.

 

Trong Q1/2015, TP.HCM đã có 16 khu công nghiệp đang hoạt động với 2.300ha diện tích đất cho thuê. Địa phương này đã thu hút 425 triệu USD từ FDI, tăng 50% so với năm ngoái. TP.HCM đã công bố kế hoạch mở 7 khu công nghiệp mới, tổng diện tích khoảng 2.000ha để đón dòng vốn FDI trong ngành dệt may, dịch vụ và các ngành chế biến thực phẩm.

Trong những năm gần đây, Tp.HCM đã áp dụng chính sách thuế ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp mới hoạt động trong các ngành công nghệ cao và các ngành khoa học liên quan.

Để chào đón các nhà đầu tư nước ngoài, cơ sở hạ tầng của TP. HCM đã và đang phát triển nhanh chóng với nhiều dự án đang được tiến hành, như đường cao tốc Tp.HCM - Long Thành, tuyến metro số 1 và các đường vành đai của thành phố. Đầu năm 2016, hai tuyến đường trọng điểm sẽ khởi công xây dựng gồm tuyến đường vành đai 3 kết nối với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai và đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

KCN trọng điểm miền Bắc: nhiều dự án cơ khí, điện tử

KCN trọng điểm phía Bắc (NKEZ) bao gồm bảy tỉnh/thành, gồm có: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Ninh và Hải Dương. Có 46 khu công nghiệp trong NKEZ, với tổng diện tích hơn 12.100ha. Hầu hết các KCN nằm dọc theo Quốc lộ 5 (Hà Nội - Hải Phòng), đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài, Quốc lộ 2, và Quốc lộ 18 (Bắc Ninh - Móng Cái).

Có tổng số 12 KCN và khu công nghệ cao đang hoạt động tại Hà Nội với tổng diện tích đất 2.400ha và khoảng 1.500ha diện tích cho thuê. Tới tháng 4/2015, các khu công nghiệp Hà Nội đã thu hút 55,1 triệu USD vốn đầu tư, tăng 52% so với năm ngoái. Có tổng cộng 588 dự án vào các KCN Hà Nội bao gồm 312 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 4,85 tỷ USD  và 276 dự án đầu tư trong nước với hơn 530 USD vốn đăng ký.

 Các nước châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc và Hồng Kông tiếp tục là nhà đầu tư hàng đầu tại các KCN Hà Nội với các dự án tập trung vào kỹ thuật cơ khí, điện tử và các ngành công nghiệp hỗ trợ.

Ngày 20/6/2015, 22, 7km đầu tiên thuộc dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã thông xe. Việc hoàn thành dự án này (trên 100km) vào năm 2016 sẽ góp một phần quan trọng trong việc kết nối Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh cũng như các khu kinh tế trọng điểm phía Bắc (NKEZ) và cảng Hải Phòng.

Như vậy có thể thấy rằng, các KCN trọng điểm phía Nam có diện tích rộng hơn các KCN trọng điểm phía Bắc gần gấp 3 lần nhưng thu hút được lượng vốn FDI cao gấp hơn gấp 9 lần các KCN trọng điểm phía Bắc. Tuy nhiên, các KCN trọng điểm phía Bắc và phía Nam trong quý I/2015 đều thu hút vốn FDI tăng hơn 50% so với cùng kỳ.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vào tháng 7/ 2015, Việt Nam có 299 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 84.000 ha, trong đó tổng diện tích đất cho thuê là 56.000ha (66%). Diện tích đã được thuê là khoảng 26.000ha, bằng 46% tổng diện tích đất cho thuê.
Cụ thể, 212 KCN đang hoạt động với đất tự nhiên 60.000ha và 87 KCN với 24.000ha đất đang được giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Tin liên quan
Tin khác