Kiểm toán tiếp tục bám sát các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm; đánh giá được việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; các nghị quyết, chương trình hành động lớn của Chính phủ...
Ông Nguyễn Hữu Vạn, Tổng Kiểm toán Nhà nước |
Ngày mai, 30/3/2015, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chính thức công bố Kế hoạch kiểm toán năm 2015. Ông Nguyễn Hữu Vạn, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, năm 2015, KTNN sẽ tập trung kiểm toán hầu hết báo cáo quyết toán ngân sách năm 2014 của các bộ ngành, địa phương để xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán; đánh giá toàn diện công tác quản lý, điều hành thu, chi ngân sách, trong đó đi sâu kiểm toán việc quản lý, điều hành thu ngân sách và chi đầu tư xây dựng.
Bên cạnh kiểm toán ngân sách, năm 2015, KTNN sẽ lựa chọn những chuyên đề có phạm vi rộng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như Chương trình trái phiếu chính phủ; giáo dục, đào tạo và dạy nghề; khoa học công nghệ; đầu tư xây dựng; chương trình mục tiêu quốc gia; quản lý nợ công; tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
“KTNN sẽ tập trung kiểm toán tổng hợp công tác quản lý, điều hành chi đầu tư xât dựng của bộ ngành, địa phương trong năm 2014; kiểm toán dự án nhóm A, B, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, công trình quan trọng quốc gia được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA và vốn tín dụng nhà nước”, ông Vạn cho biết.
Đối với lĩnh vực doanh nghiệp, theo kế hoạch, năm 2015, KTNN tập trung đánh giá thực trạng tài chính năm 2014; tình hình thực hiện Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2011-2015; thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất và thị trường, giải quyết hàng tồn kho; quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản kết hợp bảo vệ môi trường; tình hình thực hiện cơ chế giá thị trường đối với các mặt hàng năng lượng và các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình.
Đối với tổ chức tài chính - ngân hàng, KTNN tập trung kiểm toán để đánh giá thực trạng tài chính năm 2014; việc điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ điều hành chính sách tiền tệ bảo đảm sự ổn định của thị trường tiền tệ, kiểm soát lạm phát; việc triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh gắn với kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng; công tác quản lý, xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, cơ cấu lại nợ; công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và công khai, minh bạch hoạt động của các tổ chức tín dụng…
Điểm đặc biệt trong kiểm toán trong lĩnh vực doanh nghiệp, tổ chức tài chính - ngân hàng năm 2015, theo ông Vạn, KTNN sẽ đánh giá việc thực hiện Quy chế giám sát tài chính, hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước, đặc biệt là trách nhiệm của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tài chính - ngân hàng.
Đồng ý với Kế hoạch kiểm toán năm 2015, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị tập trung lực lượng để kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014 và nên có Báo cáo đánh giá chính sách tài khóa từng năm trong tổng thể giai đoạn ngân sách 2011 - 2015.
Để nâng cao chất lượng kiểm toán, theo ông Hiển, khi kiểm toán việc sử dụng nguồn vốn vay ODA, nên loại bỏ những đối tượng kiểm toán đã được Bộ Tài chính kiểm tra ra khỏi kế hoạch và trong quá trình kiểm toán, cấn kết hợp 3 hình thức kiểm toán báo cáo tài chính, tuân thủ, hoạt động để đánh giá toàn diện công tác quản lý, điều hành thu, chi ngân sách; đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách về tiền lương, biên chế đối với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả kinh phí ngân sách nhà nước.
“Đối với doanh nghiệp nhà nước, cần tập trung kiểm toán đối với đơn vị kinh doanh thua lỗ, hiệu quả kinh doanh giảm mạnh trong những năm gần đây”, ông Hiển gợi ý.
Năm 2014, KTNN đặt kế hoạch kiểm toán 186 cuộc, đến trung tuần tháng 10/2014 về cơ bản triển khai toàn bộ 186 cuộc kiểm toán. Theo số liệu từ 59 báo cáo kiểm toán năm 2014 đã có kết luận thì KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính gần 4.555 tỷ đồng, trong đó, tăng thu hơn 1.310 tỷ đồng, giảm chi gần 796 tỷ đồng và xử lý khác khoảng 2.449 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Hữu Vạn, về cơ bản các bộ ngành và địa phương thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt dự toán theo quy định; mua sắm, trang bị và quản lý, sử dụng tài sản đúng đối tượng, thủ tục, mục đích, định mức, tiêu chuẩn, phục vụ thiết thực, hiệu quả cho công việc; công tác kiểm tra, giám sát công trình, dự án đầu tư được tăng cường.
Các doanh nghiệp nhà nước được kiểm toán về cơ bản bảo toàn và phát triển được vốn nhà nước, thực hiện tốt nhiệm vụ nhà nước giao, kinh doanh có lãi hoặc có chênh lệch thu lớn hơn chi, đảm bảo giá thành ở mức hợp lý, tập trung vốn cho ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính.
Mặc dù vậy, ông Vạn cũng cho biết, kết quả kiểm toán phát hiện nhiều tồn tại, hạn chế trong quản lý, chỉ đạo điều hành thu, chi ngân sách, sử dụng tiền và tài sản nhà nước từ khâu lập, phân giao, sử dụng và quyết toán ngân sách.
Vẫn còn tồn tại trong lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng; sai phạm trong lựa chọn nhà thầu, tổ chức đền bù, giải phóng mặt bằng, quản lý chất lượng công trình còn diễn ra tại một số bộ ngành, địa phương.
Tình trạng các doanh nghiệp nhà nước quản lý công nợ, hàng tồn kho và vốn nhà nước kém hiệu quả, gây lãng phí, tiềm ẩn rủi ro kinh doanh thua lỗ, mất vốn vẫn còn.
Mạnh Bôn