Sức khỏe doanh nghiệp
Kế hoạch lỗ trăm tỷ, "ông trùm BOT" Tasco muốn phát hành cổ phiếu huy động 800 tỷ đồng
Kỳ Thành - 15/06/2021 11:21
Tasco đặt mục tiêu lỗ 100 tỷ đồng năm 2021, giảm mạnh so với khoản lỗ 235 tỷ đồng năm 2020. Mặc dù vậy, Tasco vẫn đặt tham vọng huy động thành công 800 tỷ đồng tăng vốn.

Phát hành cổ phần cao hơn thị giá

Ngày 19/6 tới đây, Công ty cổ phần Tasco (mã HUT) sẽ tổ chức kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 theo hình thức trực tuyến.

Trước thềm kỳ họp, HĐQT Tasco đã ra nghị quyết bổ sung nội dung chương trình, trong đó đáng chú ý nhất là Tờ trình về phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư.

Cụ thể, Tasco sẽ chào bán 80 triệu cổ phần với giá chào bán bằng mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phần, đồng nghĩa với việc Tasco kỳ vọng thu về 800 tỷ đồng từ đợt phát hành này. Nếu tăng vốn thành công, vốn điều lệ của Tasco sẽ tăng 3.486 tỷ đồng.

Cơ sở để Tasco đưa ra mức giá chào bán nói trên là dựa trên giá đóng cửa phiên 4/6 là 7.200 đồng/cổ phần và giá trị sổ sách tại ngày 31/3/2021 là 12.635 đồng/cổ phần.

Tasco dự kiến đợt phát hành này dành cho không quá 30 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, số cổ phần nói trên cũng bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm.

Toàn bộ số tiền thu được từ việc chào bán sẽ được sử dụng để bổ sung cho nguồn vốn hoạt động, kinh doanh của công ty. Tasco cũng đề nghị cổ đông ủy quyền cho HĐQT quyết định phương án sử dụng vốn chi tiết.

Về rủi ro pha loãng cổ phiếu, Chủ tịch HĐQT Tasco Phạm Quang Dũng cho rằng, việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ sẽ không ảnh hưởng kỹ thuật đến giá giao dịch trên thị trường. Đồng thời, cổ phiếu phát hành riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm, giá phát hành đang cao hơn giá thị trường hiện tại nên ít áp lực nguồn cung ra thị trường và do đó việc phát hành riêng lẻ đợt này ít ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.

Tuy nhiên, việc phát hành thêm cổ phiếu cho các đối tượng không phải là cổ đông hiện hữu cũng làm giảm tỷ lệ nắm giữ và quyền biểu quyết của cổ đông hiện hữu một tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ phát hành thêm.

Nguyên nhân thua lỗ của Tasco phần lớn do ảnh hưởng từ lỗ của dự án Thu phí không dừng VETC

Mục tiêu lỗ trăm tỷ đồng, tiền mặt dồi dào

Việc Tasco phát hành cổ phần tăng vốn cũng tương tự như các doanh nghiệp khác đang trong làn sóng phát hành cổ phiếu tăng vốn trên thị trường diễn ra từ đầu năm đến nay.

Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn của Tasco so với các doanh nghiệp phát hành tăng vốn khác là đưa ra một viễn cảnh kinh doanh năm 2021 mang gam màu xám.

Cụ thể, Tasco đặt kế hoạch tổng doanh thu năm 2021 là 900 tỷ đồng, bao gồm 50 tỷ đồng từ bất động sản, 550 tỷ đồng từ thu phí đường bộ và 300 tỷ đồng từ các lĩnh vực khác. Làm rõ hơn, Tasco cho biết, doanh thu chủ yếu đến từ việc bán sàn thương mại dự án Xuân Phương Residence, thu phí BOT Đông Hưng dự kiến từ tháng 7/2021 và dự án VETC.

Mặc dù các mảng đem lại doanh thu cho Tasco đều có sự tăng trưởng so với thực hiện năm 2020, nhưng Tasco tiếp tục đặt mục tiêu lỗ 100 tỷ đồng trong năm nay, giảm mạnh so với con số lỗ của năm 2020 là 235 tỷ đồng.

Tasco cũng lý giải nguyên nhân thua lỗ phần lớn do ảnh hưởng từ lỗ của dự án Thu phí không dừng VETC.

Quý I/2021, Tasco ghi nhận doanh thu 238,7 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Do doanh thu tài chính giảm mạnh 97%, đi kèm với các chi phí tài chính, chi phí bán hàng tăng mạnh, Tasco đã lỗ 23 tỷ đồng trong quý I/2021.

Theo số liệu trên Bảng cân đối kế toán tại thời điểm 31/3/2021, tổng tài sản của Tasco là 10.098 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 2.936 tỷ đồng, nợ 7.161 tỷ đồng.

Mặc dù nợ lớn, song bức tranh tài chính của Tasco cũng cho thấy sự lành mạnh, bởi chủ yếu là tài sản dàn hạn và được tài trợ bởi nguồn vốn vay dài hạn. Cụ thể, Tasco có 5.369 tỷ đồng nợ dài hạn tại các ngân hàng như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam…

Tasco cũng có lượng tiền mặt dư dả đạt giá trị 329 tỷ đồng tại thời điểm 31/3/2021. Đáng chú ý trong đó là 175 tỷ đồng tiền chủ phương tiện nộp vào tài khoản giao thông để sử dụng dịch vụ VETC, 31 tỷ đồng gửi ngân hàng với kỳ hạn dưới 3 tháng.

Ngoài ra, Tasco có 71,5 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn, 5 tỷ đồng đầu tư trái phiếu dài hạn, 2 khoản đầu tư vào Tổng công ty Thăng Long và BOT Hùng Thắng - Phú Thọ có tổng giá trị 322,4 tỷ đồng và không phải trích lập dự phòng.

Nguồn: BCTC quý I/2021 của Tasco

Đặc biệt, dựa vào khoản mục xây dựng cơ bản dở dang, có thể thấy Tasco đang có “của để dành” với khá nhiều dự án có giá trị thay đổi rất ít trong nhiều quý liên tiếp, như Dự án nhà ở cho cán bộ công nhân viên Bộ Ngoại giao, Khu chức năng đô thị Xuân Phương, Dự án nhà máy điện gió Yang Bắc...

Tin liên quan
Tin khác