Ngân hàng - Bảo hiểm
Kế sách chặn ông chủ tay không lũng đoạn ngân hàng
Hà Tâm - 24/05/2023 08:04
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dự định siết chặt các quy định về sở hữu ngân hàng của cá nhân hoặc nhóm cá nhân. Tuy nhiên, giải pháp này được cho là không có nhiều tác dụng với chống sở hữu chéo ngân hàng.

Luật bị vô hiệu từ những tập đoàn ma trận sân sau

Hàng loạt quy định theo hướng siết chặt sở hữu chéo ngân hàng đang được NHNN đề xuất sửa đổi trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Theo đó, đáng chú ý là tỷ lệ sở hữu tối đa của một cá nhân từ mức 5% vốn điều lệ ngân hàng sẽ giảm xuống còn 3%. Sở hữu của một cổ đông là tổ chức, giảm từ mức 15% hiện tại xuống còn 10%,  của nhóm cổ đông và người liên quan cũng được đề xuất giảm từ 20% xuống 15%.

Mục đích của NHNN khi bổ sung các quy định này là nhằm xử lý hiệu quả tình trạng sở hữu chéo, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, ngay cả khi các quy định này được thông qua, giới chuyên gia cho rằng, các tập đoàn sân sau vẫn dễ bề lũng đoạn ngân hàng thông qua hàng trăm công ty con để “lách” các quy định.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, trên thực tế, các quy định về ngăn sở hữu chéo và tăng tính đại chúng của một ngân hàng ở nước ta đã đáp ứng được thông lệ quốc tế. Tuy vậy, trên thực tế, các quy định này chưa đủ để ngăn sở hữu chéo ngân hàng. Nguyên nhân là khâu thanh tra giám sát ở Việt Nam còn quá yếu và cấu trúc sở hữu ngân hàng ở nước ta quá phức tạp.

“Ở các nước, tình trạng sở hữu chéo ngân hàng được kiểm soát khá tốt vì cấu trúc sở hữu minh bạch. Thứ nhất, các tập đoàn nước ngoài doanh thu hàng trăm tỷ USD, song cũng chỉ sở hữu vài ba công ty con, trong khi các tập đoàn của Việt Nam có tới hàng trăm công ty con (ví dụ Vạn Thịnh Phát có 762 công ty liên quan). Thứ hai, ở các nước không có chuyện liên kết sở hữu để thành nhóm sở hữu như ở Việt Nam. Ở nước ta, tình trạng này rất phổ biến: bố nắm 5% vốn, mẹ 5% vốn, rồi con cháu, họ hàng… tổng cộng lại chiếm 50-60% vốn ngân hàng. Thậm chí, có những cá nhân không nắm giữ cổ phần ngân hàng, song vẫn chi phối, lũng đoạn ngân hàng”, TS. Lê Xuân Nghĩa chỉ ra thực trạng.

Tình trạng các tập đoàn sân sau - đặc biệt là các tập đoàn bất động sản - sở hữu ngân hàng luôn là vấn đề nhức nhối của hệ thống ngân hàng nước ta trong thời hàng chục năm qua. 

Ông Phạm Xuân Hòe, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, mặc dù NHNN đã có quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần để chống sở hữu chéo, song thời gian qua, có tình trạng cá nhân không sở hữu cổ phần nào của ngân hàng song vẫn có thể chi phối ngân hàng.

“Sở hữu chéo như ma trận, biến ngân hàng thành kênh huy động vốn cho các đại gia thao túng thị trường. Đáng lo nhất là ma trận các công ty con được thành lập để mua lại trái phiếu ngân hàng tăng vốn cấp 2 - nguồn vốn để mua trái phiếu ngân hàng lại chính từ vốn vay ngân hàng đó - giúp ngân hàng tăng vốn ảo. Chính vì vậy, nhiều ngân hàng có bề ngoài rất đẹp, nhưng thực tế đang ủ bệnh, không biết là bục ra lúc nào”, ông Hòe nhận xét.

Mặc dù Luật Các tổ chức tín dụng đã có quy định về cho vay với người liên quan, tránh ông chủ vay tiền cho các công ty con. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng, các tập đoàn sân sau dễ dàng lách quy định “người liên quan” bằng việc thành lập hàng trăm công ty con để rút ruột ngân hàng.

Siết tỷ lệ sở hữu khó chống sở hữu chéo

Do cấu trúc sở hữu ngân hàng ở nước ta rối rắm, thiếu minh bạch, các chuyên gia cho rằng, việc NHNN dự định giảm tỷ lệ sở hữu của một cá nhân từ mức 5% hiện nay xuống còn 3% là không có nhiều ý nghĩa trong ngăn chặn sở hữu chéo. Thậm chí, việc siết chặt sẽ càng làm ma trận này trở nên luồn lách, khó nhận diện.  

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, “thắt” thêm tỷ lệ sở hữu không phải là biện pháp trọng yếu để ngăn sở hữu chéo. 

Thứ nhất, tỷ lệ sở hữu của cổ đông và nhóm cổ đông trong luật hiện nay đã là cập nhật, phù hợp thông lệ quốc tế. Thực tế, nếu cổ đông và nhóm cổ đông sở hữu không quá 20% vốn ngân hàng như quy định hiện nay, không ai có thể chi phối được quyền cấp tín dụng của ngân hàng. Song tại nhiều ngân hàng, nhóm cổ đông vẫn sở hữu quá 50% vốn ngân hàng, làm khuynh đảo ngân hàng.

Thứ hai, hiện nay, một số quốc gia chấp nhận mức độ sở hữu của một tổ chức với ngân hàng rất cao, bởi họ xác định “sở hữu không phải là vấn đề”, mà “giám sát cho vay mới là vấn đề”.

Ông chủ sở hữu 70% vốn ngân hàng mà chỉ đạo cho vay đúng thì vẫn không nguy hiểm bằng việc ông chủ sở hữu 5% vốn ngân hàng, nhưng lại cho vay sai nguyên tắc. Vì vậy, NHNN cần có cơ chế để giám sát hành vi cho vay sai trái, đồng thời tăng chế tài xử phạt. 

Theo các chuyên gia, hiện nay, rất nhiều ông chủ ngân hàng đồng thời là ông chủ của các tập đoàn bất động sản đang sở hữu hàng trăm công ty con. Thông qua mạng lưới công ty này, lãnh đạo ngân hàng - cũng là cổ đông lớn và là ông chủ sân sau - đã phê duyệt các gói tín dụng vượt quy định. Đồng thời, các công ty con mặc sức phát hành trái phiếu bán cho ngân hàng, rút ruột ngân hàng.

Nói cách khác, tỷ lệ sở hữu cổ phần chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Tỷ lệ sở hữu thực được che dấu trong lớp băng ngầm ma trận công ty con và hệ sinh thái chằng chịt. Cho đến nay, chưa có quy định nào để kiểm soát các tập đoàn có mối liên hệ mất thiết với ngân hàng.

Mấu chốt ở khâu thanh tra, giám sát

Quy định trong luật đã đạt thông lệ quốc tế, nhưng sở hữu chéo ngân hàng ở nước ta vẫn tồn tại dai dẳng, theo các chuyên gia là do khâu thanh tra, giám sát yếu và chế tài xử phạt chưa nghiêm.

“Cơ quan thanh tra giám sát của NHNN không có chức năng điều tra. Vì vậy, có thể họ biết một tập đoàn kinh tế thành lập hàng trăm công ty con là nhằm mục đích gì, nhưng họ không thể điều tra vì không có chức năng. Theo tôi, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cần cho phép cơ quan thanh tra, giám sát NHNN có chức năng điều tra ban đầu, khi đó họ mới có thể phát hiện ra bằng chứng và chuyển hồ sơ sang công an. Không chỉ Vạn Thịnh Phát, hiện có rất nhiều tập đoàn sân sau của ngân hàng sở hữu hàng chục, hàng trăm công ty con. NHNN cần phải có chức năng điều tra mới có thể sớm phát hiện, còn để khi ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, công an điều tra thì đã quá muộn để cứu”, TS. Lê Xuân Nghĩa bình luận.

Ngoài tăng quyền cho cơ quan thanh tra giám sát, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, Việt Nam cần tham khảo cách làm của các nước trong ngăn sở hữu chéo ngân hàng. Đơn cử, hiện nay một số nước cấm quyền biểu quyết nếu giữa ngân hàng và công ty con có quan hệ sở hữu chéo. Bên cạnh đó, một số nước phạt rất nặng nếu ngân hàng vi phạm các quy định về cho vay, mức phạt có thể lên tới hàng tỷ USD.

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH

Phải có quy định pháp luật đủ mạnh để giảm thiểu sở hữu chéo.

- TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế

Sở hữu chéo ở nước ta hiện nay không còn phổ biến như giai đoạn trước đây. Sau khi Luật Các tổ chức tín dụng được sửa đổi, NHNN siết mạnh thanh kiểm tra, sở hữu chéo đã giảm khá mạnh từ năm 2019. Hiện nay, sở hữu chéo chỉ còn tồn tại ở một số ngân hàng nhỏ, trung bình. Về cơ bản, những ngân hàng này đã được cơ quan giám sát nhận diện và khoanh vùng để xử lý.

Để giảm thiểu sở hữu chéo, đầu tiên là phải có các quy định pháp luật đủ mạnh. NHNN đang sửa Luật Các tổ chức tín dụng trong đó có cả một chương về giảm rủi ro liên quan tới sở hữu chéo. Như vậy, động thái chính sách của nhà điều hành là rất mạnh tay. Tuy nhiên, quá trình thực thi mới là vấn đề. Quá trình thực thi phải công khai, minh bạch thì chống sở hữu chéo mới có hiệu quả.

Cần tăng cường vai trò của lực lượng thanh tra, giám sát.

- Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI

Để chống sở hữu chéo cần phải tăng cường vai trò của lực lượng thanh tra giám sát NHNN. Theo tôi, nên cho phép cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng được điều tra, thậm chí điều tra hình sự một phần. Bởi nếu không được tăng quyền, cơ quan thanh tra ngân hàng rất khó phát hiện được sở hữu chéo. Muốn đề xuất cơ quan công an điều tra, cơ quan thanh tra ngân hàng phải có bằng chứng, họ không thể có bằng chứng nếu không có chức năng điều tra. Thực tế, ở nước ta, lực lượng kiểm lâm, hải quan… chúng ta cũng đã trao cho chức năng thực hiện một số nhiệm vụ điều tra từ lâu. Với ngân hàng, việc trao chức năng điều tra ban đầu theo tôi là rất phù hợp. Hiện nay, do không được phép, lực lượng thanh tra giám sát ngân hàng không thể yêu cầu các cá nhân không liên quan đến tổ chức tín dụng cung cấp thông tin, do đó rất khó nắm bắt tình hình.

Tin liên quan
Tin khác