Tài chính - Chứng khoán
Kênh đầu tư nào lên ngôi khi lạm phát tăng nóng
Hà Tâm - 17/03/2022 09:01
Dòng tiền trú ẩn gia tăng vào bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, phân hóa mạnh trên thị trường chứng khoán, dè dặt đổ vào vàng, tiền số, trong khi tiết kiệm ngân hàng vẫn giữ được chỗ đứng.
Trong bối cảnh lạm phát hiện nay, bất động sản được xem là kênh đầu tư ưa thích. Ảnh: Đức Thanh

Phòng thủ vào vàng hay bất động sản?

Lạm phát trên thế giới tăng mạnh cùng bão giá hàng hóa đang khiến nhà đầu tư thấp thỏm lo lắng, tìm kênh trú ẩn. Trên thế giới, nhiều nhà đầu tư rút khỏi kênh đầu tư rủi ro như tiền số, chứng khoán… và tìm đến các kênh đầu tư an toàn như vàng, trái phiếu, bảo hiểm, tiết kiệm.

Giá vàng trên thế giới đã tăng 10% từ đầu năm đến nay. Theo số liệu của Hội đồng Vàng thế giới, nhu cầu vàng vật chất đang ở mức cao nhất trong vòng 1 thập kỷ qua. Công ty Silver Bullion tại Singapore cho hay, doanh số bán vàng và bạc của công ty ông đã tăng 235% trong tuần đầu tiên sau khi Nga tấn công Ukraine và vẫn tiếp tục tăng mạnh.

Tuy vậy, ở Việt Nam, giá vàng chênh lệch quá lớn với giá thế giới, khiến nhà đầu tư vàng lỗ nặng trong giai đoạn vừa qua. Việc thiếu liên thông với thị trường thế giới khiến vàng trở thành kênh đầu tư rủi ro, không được nhiều nhà đầu tư ưa chuộng.

Trong khi đó, ở Việt Nam, dòng tiền dường như ưa thích trú ẩn vào bất động sản. TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2022, dòng tiền sẽ tiếp tục tăng mạnh vào bất động sản, bất chấp lạm phát tăng, chủ yếu vẫn là thị trường đầu cơ. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư lo lắng chốt lời chứng khoán và đổ tiền sang bất động sản.

Cùng chung nhận định này, ông Phạm Anh Khôi, Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ tài chính bất động sản (FINA) cũng cho rằng, bất động sản có mối tương quan với lạm phát, thường tăng giá theo lạm phát và được nhà đầu tư coi là kênh trú ẩn an toàn. Chưa kể, gói hỗ trợ kinh tế 350.000 tỷ đồng sắp được triển khai, trong đó có gần 114.000 tỷ đồng rót vào kết cấu hạ tầng càng hỗ trợ kênh đầu tư này tăng giá.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, bất động sản chỉ tăng tương quan với lạm phát trong bối cảnh lạm phát Việt Nam tiến dần tới lạm phát mục tiêu (4%). Nếu như lạm phát tăng vọt, vượt con số này, thì lãi suất cho vay sẽ tăng cao, từ đó tác động ngược tới thị trường bất động sản, bởi tỷ trọng vốn vay với nhà đầu tư bất động sản là khá lớn.

Một kênh đầu tư phòng thủ nữa được khá nhiều người quan tâm thời điểm này là trái phiếu doanh nghiệp. Với mức lãi suất cao gần gấp đôi lãi suất ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp đang được khá nhiều nhà đầu tư săn đón. Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), 2 tháng đầu năm nay, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra thị trường khoảng gần 26.000 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, theo các chuyên gia, nhà đầu tư nên chọn mua trái phiếu doanh nghiệp lãi suất thả nổi để hưởng lợi nhờ xu hướng tăng lãi suất, thay vì chọn trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất cố định.

Chứng khoán, tiền số: Triển vọng trái ngược

Theo ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh lạm phát gia tăng, chứng khoán là một trong những kênh đầu tư bị ảnh hưởng tiêu cực nhất.

Với mức lãi suất cao gần gấp đôi lãi suất ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp đang được khá nhiều nhà đầu tư săn đón.

Trên thực tế, thị trường chứng khoán đã đi ngang ở mốc 1.500 điểm suốt gần 5 tháng qua và giảm mạnh đầu tuần này. Gần đây, một số ngành như dầu, than, phân đạm, cảng biển, hóa chất… kéo Chỉ số VN-Index tăng mạnh, trong khi nhiều ngành khác đã giảm rất sâu.

“Tôi cho rằng, triển vọng thị trường chứng khoán trong quý II, quý III không tốt lắm, bởi ngay cả khi chiến tranh kết thúc, thì lạm phát vẫn rất cao, các nước sẽ tăng các biện pháp thắt chặt tiền tệ. Một khi các nước thắt chặt tiền tệ (như tăng lãi suất, thu hẹp bảng cân đối tài sản…), thì thị trường tài chính toàn cầu, trong đó có Việt Nam, sẽ bị ảnh hưởng xấu”, ông Khánh nhận định.

Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, ông Phan Dũng Khánh cho rằng, nên nắm giữ những tài sản và những mã cổ phiếu thuộc các ngành nhóm phòng thủ, ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát.

Chuyên gia này cũng đưa ra lời khuyên, nhà đầu tư nên tự động hóa tài chính để tối ưu hiệu quả kinh doanh, hưởng lãi kép. Chẳng hạn, với gửi tiết kiệm, nhà đầu tư có thể tự động gửi online lấy lãi mỗi khi có khoản thu nhập nào đó ở nhiều kỳ hạn và tự động gộp lãi của các khoản với nhau để có thể nhận lãi kép. Hiện nay, trên hệ thống online của nhiều định chế tài chính đã có khá nhiều công cụ đầu tư tự động hóa cho nhà đầu tư lựa chọn.

Riêng với thị trường tiền số, ông Khánh cho rằng, thị trường này sẽ còn bị ảnh hưởng xấu trong ngắn hạn. Về cơ bản thị trường sẽ tiếp tục đi ngang, tích lũy và sẽ có triển vọng sáng sủa hơn trong trung, dài hạn. Tuy vậy, với tiền số, sẽ có những dự án bị thanh lọc, biến mất, nên nhà đầu tư cần hết sức thận trọng.

Đặc biệt, trong bối cảnh lạm phát gia tăng, thị trường tài chính toàn cầu rủi ro, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, nhà đầu tư không nên sử dụng đòn bẩy, vay mượn. Bên cạnh đó, cần phải duy trì một lượng tiền mặt nhất định (khoảng 10%) để có thể kịp thời tận dụng các cơ hội cũng như tái cơ cấu danh mục đầu tư.

Tin liên quan
Tin khác