Ngân hàng - Bảo hiểm
Kênh đầu tư tiền gửi có lấy lại sự hấp dẫn?
Vân Linh - 06/06/2024 08:32
Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm đã tăng sau một thời gian dài dò “đáy”, với mức cao nhất hiện nay trên 6%/năm ở kỳ hạn dài. Dự báo, với khả năng lãi suất tiền gửi tăng thêm 1% trong nửa cuối năm nay, liệu kênh tiết kiệm có lấy lại sự hấp dẫn?.
Mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng 0,5-1% trong thời gian tới. Ảnh: Đức Thanh

Lãi suất rục rịch tăng

Lãi suất huy động của hầu hết ngân hàng đang tăng trở lại, thậm chí có nơi tăng lãi suất tới gần 1%/năm so với trước đó. Tính đến đầu tháng 6/2024, mức cao nhất lên trên 6%/năm, chủ yếu dành cho kỳ hạn dài và tập trung ở khối ngân hàng tư nhân nhỏ.

Dù vậy, mặt bằng lãi suất tiết kiệm vẫn rất thấp so với trước, khi kỳ hạn 24-36 tháng, mức lãi suất chỉ nhỉnh 6%/năm. Nếu so với biến động của vàng với tốc độ tăng lên tới 20% kể từ đầu năm tới nay, kênh đầu tư tiền gửi được đánh giá là chưa hấp dẫn. Trong khi đó, kênh đầu tư bất động sản đang xuất hiện tín hiệu tích cực. Đáng chú ý, lãi suất cho vay mua nhà chỉ dao động 5-6%/năm trong năm đầu tiên, khiến các nhà đầu tư định hướng chuyển dòng tiền nhàn rỗi vào nơi tích sản có biên độ lợi nhuận tốt.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến hết quý I/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng gần 1,2%.

Bà Thiều Thị Nhật Lệ, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ UOB Asset Management Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh thị trường bất động sản bắt đầu có những dấu hiệu hồi phục, sự nhảy vọt của giá vàng trong thời gian qua, hay lãi suất nhiều khả năng tăng nhẹ trong thời gian tới, các kênh đầu tư này có thể thu hút thêm dòng vốn từ nhà đầu tư. Tuy nhiên, với các yếu tố hỗ trợ từ kinh tế vĩ mô cho sự tăng trường của thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn, cùng với nhu cầu đầu tư gia tăng của nhà đầu tư trong nước, thị trường chứng khoán tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn mà nhà đầu tư khó có thể bỏ qua.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 10/5, tăng trưởng tín dụng ở mức 1,95% so với thời điểm đầu năm. Ngành phấn đấu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến hết quý II/2024 ở mức 5- 6% theo chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.

Trước thực trạng tiền gửi dân cư chảy vào hệ thống ngân hàng chững lại, trong khi dư nợ tín dụng tại một số nhà băng dần sôi động, lãi suất tiết kiệm được dự báo tăng nhẹ trong thời gian tới, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng thêm khoảng 0,5 đến 1%, tuy nhiên, đà tăng lãi suất huy động sẽ khó tạo ra một cuộc chạy đua lãi suất tiền gửi của toàn thị trường.

Cạnh tranh tín dụng bằng lãi vay

Thực tế cho thấy, thời gian gần đây, tỷ giá chịu nhiều áp lực do cả yếu tố kinh tế cũng như một số tin đồn gây ảnh hưởng tới tâm lý, kỳ vọng thị trường. Tính đến thời điểm hiện tại, VND mất giá gần 5%, ngang bằng dự báo cả năm. Đây là yếu tố khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải đối phó nhiều nhất trong thời gian qua. Các nhà phân tích tài chính - kinh tế cũng đưa ra nhận định, việc NHNN tăng lãi suất kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá lên mức 4,5%/năm sẽ tác động làm giảm áp lực lên tỷ giá.

Theo Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú, quan điểm của NHNN là ổn định, chứ không phải cố định tỷ giá, tức là, tỷ giá lên xuống hài hòa, không để âm trạng thái ngoại tệ. Còn về hạ lãi suất, ông Tú đánh giá, lãi suất đang ở mức thấp nhất và nhiều chuyên gia đã phải lên tiếng cảnh báo lãi suất quá thấp sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.

Chính sách tỷ giá có quan hệ chặt chẽ với lãi suất và việc cố gắng duy trì lãi suất thấp như hiện nay không đồng nghĩa với việc hy sinh tỷ giá vì lãi suất. Đến thời điểm hiện tại, NHNN chưa đề cập việc tăng lãi suất điều hành.

Ngược lại, NHNN vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng (TCTD); các chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu thực hiện một số giải pháp về tín dụng và lãi suất. Trong đó, nhà điều hành đề nghị các TCTD tiếp tục nỗ lực giảm lãi suất cho vay 1-2% nhờ vào việc tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay.

Đồng thời, tín dụng hướng tới các động lực tăng trưởng truyền thống, các ngành mới nổi, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, nhà ở xã hội... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, cùng với đó, các TCTD cũng cần duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro, ổn định thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường.

Thêm vào đó, NHNN yêu cầu các TCTD tiếp tục triển khai giải pháp tăng trưởng tín dụng hiệu quả, đúng, trúng mục tiêu, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế, quyết tâm thực hiện giải pháp thiết thực, hiệu quả.

PSG-TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, để giảm áp lực tỷ giá, trong thời gian qua, nhà điều hành phải tăng hút tiền qua tín phiếu, nâng lãi suất lên, nhằm hạn chế việc rút vốn của khối ngoại cũng như hiện tượng đầu cơ tỷ giá.

“Nếu duy trì mức lãi suất quá thấp sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá và ổn định vĩ mô. Tỷ giá tăng, lạm phát sẽ quay trở lại, cùng với nhiều yếu tố khác, nên việc tăng lãi suất chắc chắn sẽ là xu hướng dài hạn. Trước mắt, do tăng trưởng kinh tế đang phục hồi, nhưng còn chậm, nên chủ trương Chính phủ và NHNN yêu cầu các ngân hàng nỗ lực giảm chi phí để giảm thêm 1-2% lãi suất cho vay, hỗ trợ, chia sẻ cùng khách hàng trong bối cảnh khó khăn. Do dó, khả năng chính sách tiền tệ tiếp tục duy trì nới lỏng để hỗ trợ kinh tế”, ông Huân nói.

Tin liên quan
Tin khác