Kenmark có chủ mới
Thông tin BIDV bán đấu giá thành công khối tài sản nghìn tỷ thực ra đã có từ cách đây ít tháng, nhưng ít được truyền thông nhắc tới. Cụ thể, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) đã bán đấu giá thành công toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất trong Khu công nghiệp (KCN) Việt Hòa - Kenmark, dự án mà BIDV là chủ nợ lớn nhất và đã nhiều lần rao bán mà không thành công.
Công ty TNHH KCN Kỹ thuật cao An Phát đã đổi tên KCN Việt Hòa - Kenmark thành KCN Kỹ thuật cao An Phát Complex |
Giá bán được chốt ở mức 756,45 tỷ đồng, đúng bằng mức giá khởi điểm của phiên đấu giá do Công ty cổ phần Đấu giá Thành An thực hiện vào cuối tháng 3/2018. Tuy nhiên, con số này thấp hơn mức rao bán gần 830 tỷ đồng mà BIDV đã nhiều lần công bố và cũng thấp hơn đáng kể khoản nợ 67,6 triệu USD (tương đương 1.500 tỷ đồng) mà chủ đầu tư Kenmark trước đó đã vay của BIDV (Chi nhánh Thành Đô) và SHB, Habubank. Trong số các chủ nợ của Kenmark, thì BIDV là chủ nợ lớn nhất, với 39,1 triệu USD.
Dẫu vậy, toàn bộ khối tài sản ngàn tỷ 10 năm “trơ gan cùng tuế nguyệt” cũng đã được bán thành công. BIDV đã có thể thở phào. Giờ đây, mọi kỳ vọng đang đặt vào Công ty TNHH KCN Kỹ thuật cao An Phát - đơn vị đã đấu giá thành công và trở thành nhà đầu tư mới của KCN Việt Hòa - Kenmark.
Công ty TNHH KCN Kỹ thuật cao An Phát mới được thành lập vào cuối tháng 10/2017 và do ông Phạm Hoàng Việt làm đại diện pháp luật, chức danh Tổng giám đốc, nhưng không phải là cái tên mới toanh. Đây chính là một thành viên của Công ty cổ phần Nhựa và Môi trường xanh An Phát (An Phát - mã chứng khoán là AAA), một trong những công ty đang có tốc độ phát triển nhanh chóng trong thời gian gần đây.
Thông tin cho biết, năm 2018, An Phát đặt mục tiêu đạt doanh thu 6.365 tỷ đồng và lãi rõng 332 tỷ đồng, tăng tương ứng 56% và 25% so với năm trước. Đặc biệt, trong mục tiêu dài hạn mà An Phát đặt ra đến năm 2025, dự kiến Công ty sẽ tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của ngành nhựa, mở ngành kinh doanh mới và chạm mốc doanh thu 24.023 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD), gấp 3,8 lần năm nay và lợi nhuận gấp 6,5 lần, đạt 2.156 tỷ đồng.
Trong bản tin nhà đầu tư quý II/2018, An Phát đã chính thức công bố việc tăng vốn góp tại Công ty TNHH KCN kỹ thuật cao An Phát từ 216 tỷ đồng, lên 875 tỷ đồng, chiếm 96,15% vốn điều lệ. Theo Nghị quyết HĐQT qua phương án tăng vốn vào ngày 15/6/2018, thì số vốn góp thêm (659 tỷ đồng) được huy động từ nguồn vốn phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu năm 2018.
Nhìn vào những con số này, có thể thấy tiềm lực khá lớn của chủ đầu tư mới của Dự án KCN Việt Hòa - Kenmark. Bởi thế, UBND tỉnh Hải Dương đang khấp khởi trông chờ vào các kế hoạch đầu tư, sản xuất - kinh doanh của An Phát trên mảnh đất vàng, ngay cạnh Quốc lộ 5, rất thuận tiện trong kinh doanh, đầu tư, nhưng đã bị bỏ hoang nhiều năm liền này.
Kỳ vọng hồi sinh
Chủ đã đổi, KCN Việt Hòa - Kenmark cũng được đổi tên thành KCN Kỹ thuật cao An Phát Complex. Và kế hoạch đầu tư, phát triển KCN này đã được An Phát gửi lên UBND tỉnh Hải Dương.
Cụ thể, theo kế hoạch, tại KCN này, An Phát sẽ tập trung đầu tư sản xuất sản phẩm nhựa kỹ thuật cao, thân thiện với môi trường, như nhựa ép phun kỹ thuật cao phục vụ cho ngành sản xuất ô tô, điện thoại di động, linh kiện điện tử, bao bì nhựa tự hủy, vật liệu xây dựng PVC công nghệ cao... và các hoạt động nghiên cứu và phát triển khác liên quan đến ngành nhựa.
An Phát cũng đã báo cáo UBND tỉnh Hải Dương rằng, các kế hoạch sản xuất trên của An Phát dự kiến tạo việc làm cho 3.000 - 5.000 lao động địa phương và đóng góp cho ngân sách tỉnh 200 - 300 tỷ đồng/năm.
Trước mắt, An Phát sẽ nhanh chóng hoàn thành việc cải tạo, đưa vào sử dụng một số nhà xưởng hiện hữu để bắt đầu sản xuất và đến giữa năm, sẽ cải tạo, sử dụng toàn bộ các công trình hạ tầng của Việt Hòa - Kenmark.
Như vậy, thay vì như chủ đầu tư cũ - đầu tư hạ tầng KCN để cho thuê lại, thu hút nhà đầu tư thứ cấp, thì An Phát lựa chọn biến khu đất đó thành một KCN của riêng mình, phục vụ cho chiến lược tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị ngành nhựa và tăng nhanh doanh số của mình, đồng thời mở rộng hệ thống các nhà máy hiện có (An Phát hiện tại có 2 nhà máy ở KCN Nam Sách, 5 nhà máy ở Cụm công nghiệp An Đồng, 3 nhà máy ở Yên Bái). Năm ngoái, An Phát có mặt tại một sự kiện quan trọng mà Samsung tổ chức nhằm tìm kiếm các nhà cung cấp. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư khi đó, chủ tịch Phạm An Dương đã không giấu giếm tham vọng trở thành nhà cung cấp cho Samsung.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra lúc này là, liệu các kế hoạch mà An Phát đặt ra có sớm trở thành hiện thực, để KCN Việt Hòa - Kenmark có thể hồi sinh?
Cũng cần nhắc lại rằng, được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2005, chủ đầu tư Dự án (là Kenmark, Đài Loan) đã cam kết dốc 500 triệu USD để biến khu đất ở Tứ Minh (Hải Dương) thành một KCN quy mô lớn, bao gồm cả khu đô thị. Theo kế hoạch, giai đoạn I, Kenmark sẽ đầu tư khoảng 98 triệu USD và trên thực tế đã giải ngân được 44 triệu USD.
Tuy nhiên, tới năm 2010, chủ đầu tư bất ngờ bỏ về nước, Dự án ngừng triển khai và bỏ hoang từ đó tới nay. Câu chuyện còn tai tiếng ở chỗ, để triển khai Dự án, chủ đầu tư đã vay nợ 67,6 triệu USD của ba ngân hàng Việt Nam. Một con số không hề nhỏ, do vậy, khi Kenmark về nước, các ngân hàng như ngồi trên đống lửa, tìm cách xử lý và đã nhiều lần rao bán.
Kết quả cuối cùng, như đã nói ở trên, là An Phát đã ẵm trọn khu đất này. Việt Hòa - Kenmark có thực sự hồi sinh hay không, phụ thuộc hoàn toàn vào An Phát.