Ngoài việc giữ đúng cam kết với Quốc hội về tiến độ, qua đó đóng góp đáng kể vào mục tiêu giải ngân hơn 95.000 tỷ đồng vốn đầu tư công mà Bộ Giao thông - Vận tải đặt ra trong năm 2023, việc đưa vào khai thác chính thức 2 dự án thành phần nói trên đã nâng tổng chiều dài đường cao tốc trục Bắc - Nam lên khoảng 1.050 km; góp phần nối thông tuyến đường bộ cao tốc từ Hà Nội đến Nghệ An dài 251 km, rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội về Nghệ An còn khoảng 3,5 giờ so với 5 giờ như trước đây.
Nếu tính cả phân đoạn cao tốc đã được hoàn thành trong giai đoạn trước là Chi Lăng (Lạng Sơn) - Bắc Giang - Hà Nội dài 112 km, thì tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được nối thông suốt từ Lạng Sơn tới Nghệ An có tổng chiều dài 363 km. Đây cũng là mạch cao tốc dài nhất, đi qua nhiều địa phương, kết nối nhiều khu vực kinh tế nhất Việt Nam hiện nay.
Như vậy, tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chỉ sau 3 năm, cả nước đã hoàn thành và đưa vào khai thác 649 km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên toàn quốc đến thời điểm hiện nay là 1.822 km.
Có hai nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu liên quan đến việc phát triển mạng đường cao tốc quốc gia đặt ra cho Bộ Giao thông - Vận tải trong 3 năm tới.
Một là, phải khẩn trương hoàn thành 3 dự án thành phần còn lại thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 nhằm nối thông toàn bộ trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Hai là, phải khẩn trương phối hợp với các tỉnh, thành phố có tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua để ưu tiên bố trí vốn và chủ động huy động nguồn lực đầu tư các tuyến đường của địa phương kết nối với tuyến đường cao tốc nhằm tạo ra không gian phát triển mới của địa phương, nhất là các khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ.
Thực tiễn chứng minh, đường bộ cao tốc được hình thành đã và đang tạo động lực quan trọng giúp các địa phương mở ra không gian phát triển mới về kinh tế - xã hội trên địa bàn; giúp hình thành nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch và là một trong những sản phẩm thu hút đầu tư hấp dẫn. Tuy vậy, vẫn còn một số tồn tại như việc kết nối giữa tuyến đường bộ cao tốc và hệ thống đường bộ trên địa bàn các địa phương còn hạn chế, chưa gắn kết giữa đường bộ cao tốc và các quy hoạch, chưa khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, các không gian phát triển mới để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, gây lãng phí lớn về nguồn lực phát triển…
Chính vì vậy, với các địa phương, yêu cầu đặt ra là phải chủ động nghiên cứu, cập nhật, hoàn thiện quy hoạch tỉnh; bổ sung kế hoạch sử dụng đất; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, bảo đảm sự gắn kết, liên thông, đồng bộ giữa tuyến đường bộ cao tốc và các tuyến đường của địa phương để tận dụng tối đa lợi thế do các tuyến đường bộ cao tốc mang lại. Đặc biệt, phải quan tâm quản lý chặt chẽ, bài bản, hiệu quả trong việc sử dụng, khai thác quỹ đất tại khu vực các nút giao và không gian phát triển mới gắn với các tuyến cao tốc. Trong đó, tập trung ưu tiên các dự án đường địa phương phục vụ sản xuất kinh doanh, tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, các dự án động lực, có tính lan tỏa cao, tạo nguồn thu lâu dài cho địa phương, tạo công ăn việc làm và sinh kế cho người dân địa phương.
Ngoài ra, cần hạn chế tối đa việc giao các vị trí thuận lợi để phát triển bất động sản nhà ở; khắc phục triệt để tình trạng phát triển manh mún, không đồng bộ; không để tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình triển khai theo đúng chỉ đạo tại Công điện số 769/CĐ-TTg, ngày 26/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Làm tốt những nội dung nói trên không những góp phần sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư, mà còn hình thành điểm tựa hạ tầng quan trọng, giúp các địa phương đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá, gia tăng sức cạnh tranh. Đây cũng là một trong những mục tiêu hàng đầu mà Quốc hội kỳ vọng khi bấm nút thông qua chủ trương đầu tư các đại dự án giao thông trọng điểm quốc gia.