Đây là một trong những hoạt động nhằm cụ thể hoá và thực hiện nhận thức chung giữa Việt Nam – Trung Quốc trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, tăng cường hợp tác hữu nghị, mở rộng hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai bên.
Bà Trần Thị Hải Yến, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, bà Trần Thị Hải Yến, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng cho biết: Với định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, tập trung vào các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, tuần hoàn, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, cảng biển logistic và du lịch – thương mại, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng mong muốn chuyển tải thông điệp thu hút đầu tư và quảng bá môi trường đầu tư của thành phố tới các doanh nghiệp.
Tại hội nghị, Sở Kế hoạch và Đầu tư giới thiệu đến các nhà đầu tư môi trường đầu tư, kinh doanh và tổng quan kinh tế - xã hội, định hướng thu hút đầu tư của thành phố. Theo quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng hướng tới trở thành một trung tâm kết nối quốc tế, có dịch vụ logistics hiện đại; cảng Lạch Huyện và cảng Nam Đồ Sơn thành cụm cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực dịch vụ cảng biển và logistics. Thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, trong đó nghiên cứu Khu thương mại tự do với những cơ chế, chính sách đột phá, nổi trội đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới.
Các đại biểu tham dự Hội nghị kết nối đầu tư, kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc tại Hải Phòng năm 2024 |
Là địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. Phát triển mạnh kinh tế số, trước hết là ba trụ cột kinh tế: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại.
Xây dựng quần thể du lịch biển Cát Bà - Đồ Sơn có sức hấp dẫn cao; kết hợp với Vịnh Hạ Long trở thành trung tâm du lịch biển tầm cỡ quốc tế; hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố gắn với biển đảo, các di tích lịch sử, văn hóa; liên kết với các tỉnh Vùng đồng bằng sông Hồng, trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và thế giới. Phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là các giá trị của di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà.
Những năm gần đây, Hải Phòng luôn nằm trong top đầu các địa phương đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài và vốn thực hiện đạt tỷ lệ cao với gần 80% vốn đăng ký. Tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên toàn thành phố năm 2023 đạt 3,62 tỷ USD, gấp 1,74 lần so với cùng kỳ năm 2022, vượt 81,16% so với kế hoạch thu hút năm 2023, là địa phương đứng thứ hai toàn quốc về thu hút đầu tư.
Đến nay, trên địa bàn thành phố có 954 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư đăng ký 30,1 tỷ USD của các nhà đầu tư đến từ 39 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, có 394 dự án của nhà đầu tư Trung Quốc (bao gồm Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Đài Loan) với tổng số vốn đầu tư đăng ký 6,1 tỷ USD, đứng đầu về số dự án và đứng thứ hai về số vốn đầu tư. Các dự án Trung Quốc đầu tư chủ yếu trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp và bất động sản, kinh doanh thương mại dịch vụ, mua bán hàng hoá.
Các doanh nghiệp trao đổi tại Hội nghị |
Các doanh nghiệp Trung Quốc tại thành phố có đóng góp nhất định đối với kinh tế - xã hội thành phố, góp phần giải quyết việc làm và đào tạo tay nghề cho số lượng lớn lao động của thành phố. Qua nghe giới thiệu, các doanh nghiệp Trung Quốc đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam nói chung, Hải Phòng nói riêng. Qua đó, mong muốn có cơ hội đầu tư tại Việt Nam cũng như tại Hải Phòng.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp Trung Quốc đã trao đổi một số vấn đề quan tâm trong quá trình tìm hiểu, xúc tiến đầu tư như: chính sách về thuế, đất đai, tín dụng...; điều kiện về môi trường để đầu tư lĩnh vực thời trang tại Hải Phòng.
Tiếp thu các câu hỏi quan tâm của doanh nghiệp, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng một số đơn vị liên quan trao đổi, giải đáp làm rõ. Cũng trong khuôn khổ hội nghị, doanh nghiệp Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam trao đổi thông tin, tìm hiểu nhu cầu hợp tác, đầu tư.
“Thông qua Hội nghị ngày hôm nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư cam kết luôn ủng hộ sự hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp. Đồng thời, sẽ luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư nước ngoài, tạo mối quan hệ hợp tác đầu tư kinh doanh giữa các nhà đầu tư Trung Quốc với các doanh nghiệp tại Hải Phòng, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của thành phố”, bà Yến khẳng định.
Bàn kết nối bên lề hội nghị |
Trước đó, Thành phố Hải Phòng đã có liên tiếp các cuộc làm việc với Thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và Trung tâm Nghiên cứu Đặc khu Kinh tế Trung Quốc (Đại học Thâm Quyến).