Du lịch
“Kết nối xanh” để nhanh chóng phục hồi du lịch nội địa
Hồ Hạ - 07/10/2021 08:23
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ngành du lịch không thể chờ đợi, mà cần đẩy mạnh “kết nối xanh” để tái khởi động, phục hồi thị trường nội địa.
Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam.


Hiệp hội Du lịch Việt Nam vừa tổ chức Chương trình Khôi phục du lịch nội địa toàn quốc với chủ đề “Kết nối xanh du lịch Việt Nam”. Tuy nhiên, phương án chống dịch của các địa phương không hoàn toàn giống nhau, đường hàng không cũng chưa mở lại. Dường như, vẫn còn rất nhiều khó khăn để thực hiện chương trình này, thưa ông?

Ngành du lịch Việt Nam đang ở trong giai đoạn doanh thu chạm đáy của đáy. Đại dịch Covid-19 vẫn đang tác động, ảnh hưởng nặng nề đến ngành kinh tế xanh, nhưng chúng ta không thể tiếp tục chờ đợi, mà phải hành động ngay.

Khởi động lại thị trường du lịch nội địa trong lúc khó khăn, ngành du lịch nói chung và mỗi doanh nghiệp du lịch nói riêng mới biết được mình phải làm gì là phù hợp nhất và tìm ra được những điểm yếu chí mạng để khắc phục.

Khó khăn nhất hiện nay là chúng ta chưa hiểu rõ, chưa thống nhất khái niệm “an toàn” trong tất cả các khâu của hoạt động du lịch. Thế nào là du khách an toàn, điểm đến an toàn, cơ sở lưu trú an toàn, vận chuyển an toàn, nhà hàng an toàn… Do đó, nhiệm vụ cấp thiết hiện nay của ngành là phải có bộ tiêu chí du lịch an toàn cụ thể và phải sớm hoàn thiện qua thực tiễn.

Về nhận thức, nhiều địa phương rất tích cực triển khai các hoạt động du lịch và coi du lịch là một công cụ để khôi phục kinh tế, nhưng có một số địa phương lại quá lo sợ vấn đề an toàn, không ủng hộ khôi phục du lịch. Cho nên, vấn đề quan trọng hiện nay là phải hiểu khái niệm “vùng xanh” có thể chỉ là một khu di tích, một tuyến đường, một phường, một huyện, chứ không nhất thiết phải là một tỉnh. Nếu là “vùng xanh”, thì “du khách xanh” cũng sẽ được đi thăm.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam đang nỗ lực khôi phục du lịch nội địa trong bối cảnh còn nhiều khó khăn. Hiện nay, các đường bay nội địa vẫn tạm đóng, nhưng ngành hàng không đang trình các phương án để chuẩn bị mở lại đường bay nội địa. Thậm chí, các doanh nghiệp du lịch đã bàn với nhau sẽ tổ chức các tour thuê máy bay nguyên chuyến từ tỉnh này đến tỉnh kia trong thời gian tới. Các đơn vị cũng đã sẵn sàng đẩy mạnh loại hình du lịch caravan bằng xe tự lái và được rất nhiều du khách hưởng ứng. Như vậy, cả du khách và điểm đến đều cảm thấy an toàn với những đoàn khách nhỏ lẻ.

Chúng tôi hy vọng, khi Hiệp hội triển khai Chương trình Khôi phục du lịch nội địa toàn quốc, ngành du lịch sẽ rút được những kinh nghiệm cần thiết để điều chỉnh hoạt động phù hợp với tình hình mới là sống chung với Covid-19.

Thưa ông, Chương trình  sẽ được triển khai thí điểm ở những địa phương nào trước tiên?

Hiện nay, vấn đề khôi phục và phát triển du lịch nội địa phụ thuộc rất lớn vào các địa phương. Rất mừng là chúng tôi đã và đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều tỉnh, thành phố, như Lào Cai, Quảng Ninh, Lâm Đồng… Trước tiên, du lịch sẽ chỉ đến với những địa phương đã sẵn sàng đón du khách và hợp tác, đồng hành chặt chẽ với các doanh nghiệp du lịch. Bởi vấn đề an toàn không phải chỉ là trách nhiệm của một doanh nghiệp, mà là trách nhiệm của toàn xã hội.

Tại Lễ phát động Chương trình Khôi phục du lịch nội địa toàn quốc, có 25 hiệp hội du lịch, 11 sở du lịch tham dự, thể hiện rằng, Chương trình được hưởng ứng rất cao. Chúng tôi sẽ chọn lựa những địa phương có đủ điều kiện để thí điểm trong giai đoạn đầu; các địa phương chưa đủ điều kiện sẽ triển khai ở những đợt sau.

Du lịch đã “đóng băng” trong một khoảng thời gian dài, chắc chắn sẽ có những khoảng trống cần phải bù đắp lại khi phục hồi thị trường nội địa, thưa ông?

Khoảng trống lớn nhất trong du lịch hiện nay là lực lượng nhân sự đã sứt mẻ quá nhiều. Bên cạnh đó, tâm lý lo ngại về sự không an toàn bởi đại dịch cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến quyết định đi du lịch của du khách. Nhưng, nếu không bắt đầu, thì không thể phục hồi, nên các doanh nghiệp du lịch phải quyết tâm cao, tạo điều kiện để mọi người quen với khái niệm “an toàn mới”.

Ông có thể chia sẻ, Hiệp hội Du lịch Việt Nam kỳ vọng gì khi thực hiện Chương trình Phục hồi du lịch nội địa toàn quốc?

Trước tiên, Hiệp hội Du lịch Việt Nam kỳ vọng, Chương trình sẽ giúp thống nhất được các khái niệm mới trong du lịch. Du lịch an toàn là một nội dung bắt buộc và cần phải chuyển tải nội dung này ở tất cả các hoạt động từ nhỏ đến lớn, đối với các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và người làm du lịch.

Bên cạnh đó, chúng tôi kỳ vọng, khi khái niệm du lịch an toàn, các điểm xanh, con đường xanh… được bàn bạc sẽ đưa đến sự thống nhất, đồng thuận và tạo kết nối giữa các địa phương. Từ đó, kết nối liên vùng, liên ngành sẽ thực chất hơn. Đây chính là nhiệm vụ quan trọng mà chương trình này cần phải thực hiện.

Mặt khác, Hiệp hội và các doanh nghiệp cũng hy vọng sẽ tạo được thói quen cho người dân Việt Nam, ngay cả trong lúc khó khăn vẫn có những nơi an toàn để nghỉ ngơi, thư giãn và chuẩn bị cho việc phát triển các ngành kinh tế khác.

Tin liên quan
Tin khác