Sản xuất da giày, túi xách tại Công ty Giày Viễn Thịnh. Ảnh: Nguyễn Huế |
Thu tiếp tục tăng
Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài chính, tổng thu cân đối NSNN thực hiện tháng 7/2016 đạt 102 nghìn tỷ đồng, tăng 26,6% so với tháng 6. Trong đó, số thu nội địa đạt 86 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 34,8%, chủ yếu do tháng 7 là thời hạn các DN thực hiện kê khai nộp các khoản thuế và thu ngân sách phát sinh trong quý II-2016 theo chế độ quy định. Thu từ dầu thô đạt 4 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2%. Ghi nhận của Bộ Tài chính cho thấy, giá dầu tháng 7-2016 đã giảm sau 4 tháng liên tục tăng, chủ yếu do tình trạng dư cung, nhu cầu tiêu thụ giảm do những lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) sau sự kiện nước Anh ra khỏi EU. Giá dầu WTI bình quân (tính đến 20-7) đạt 45,85 USD/thùng, giảm 5,76% so với giá bình quân tháng 6-2016 (48,68 USD/thùng) và hiện đang dao động xung quanh mức 42 USD/ thùng, giảm khoảng 15% so với thời điểm cuối tháng 6-2016.
Số thu ngân sách từ hoạt động XNK đạt khoảng 21,5 nghìn tỷ đồng. Trong tháng 7, kim ngạch NK một số mặt hàng có số thu lớn cho NSNN có chiều hướng giảm như trị giá NK ô tô nguyên chiếc các loại giảm 22,3%, giảm thu ngân sách khoảng 1,2 nghìn tỷ đồng; xăng, dầu các loại giảm 14%, giảm thu ngân sách khoảng 700 tỷ đồng; sắt thép các loại giảm 11,3%, giảm thu ngân sách khoảng 380 tỷ đồng; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng giảm 7,1%... Thực tế này làm giảm số thu ngân sách của lĩnh vực này 14,6% so với tháng 6. Sau khi thực hiện hoàn thuế Giá trị gia tăng theo chế độ 10 nghìn tỷ đồng, thu cân đối ngân sách từ XNK đạt 11,5 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, tính đến hết tháng 7, tổng số thu NSNN đạt 583,6 nghìn tỷ đồng, bằng 57,5% dự toán, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2015.
Con số khả quan này thể hiện sự nỗ lực khá lớn của các đơn vị thực thi trong việc tăng cường công tác quản lý thu NSNN. Cơ quan Thuế đã tích cực tổ chức triển khai các giải pháp thu NSNN năm 2016, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế năm 2016; đẩy mạnh chống thất thu, tập trung xử lý nợ đọng thuế. Tính đến tháng 7-2016, toàn hệ thống Thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 32,5 nghìn DN, qua đó xử lý tăng thu 5,7 nghìn tỷ đồng; tăng gần 20% so cùng kỳ năm 2015; đôn đốc, cưỡng chế thu được 23,5 nghìn tỷ đồng tiền nợ thuế năm 2015 chuyển sang, tăng 18,8% so cùng kỳ năm 2015.
Cơ quan Hải quan đã phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế; đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống thất thu, tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan, kiểm tra xuất xứ hàng hóa (C/O) của những hàng hóa NK thuộc đối tượng được hưởng thuế suất ưu đãi theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Sau 7 tháng, cơ quan Hải quan đã thực hiện trên 3,6 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra sau thông quan; xử lý tăng thu cho ngân sách 941 tỷ đồng; đã thực hiện thu hồi và xử lý được 259 tỷ đồng số nợ thuế của các tờ khai phát sinh trước ngày 31-12-2015; bắt giữ xử lý trên 9,4 nghìn vụ buôn lậu, gian lận thương mại; xử lý tăng thu cho ngân sách 77 tỷ đồng; đã khởi tố 23 vụ, chuyển các cơ quan khác điều tra 42 vụ.
Đóng góp phần nào vào kết quả đó, Thanh tra Bộ Tài chính cũng đã lưu hành 27 kết luận thanh tra, kiểm tra, qua đó, đã kiến nghị xử lý về tài chính 1.853 tỷ đồng. Các đơn vị đã thực hiện kiến nghị xử lý về tài chính là 377,6 tỷ đồng (bao gồm cả số lũy kế năm 2015 chuyển sang).
"Thúc” giải ngân vốn đầu tư
Bên cạnh những kết quả khả quan về thu NSNN, công tác chi cũng được ngành Tài chính điều hành khá chặt chẽ, nằm trong phạm vi cho phép. Tổng chi NSNN 7 tháng đạt 662,1 nghìn tỷ đồng, bằng 52% dự toán. Trong đó, chi cho đầu tư phát triển đạt 92,2 nghìn tỷ đồng, bằng 36,2% dự toán, tăng 6,9% cùng kỳ năm 2015. NSNN đã thực hiện chi cấp bù chênh lệch lãi suất tín dụng ưu đãi nhà nước cho Ngân hàng Phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 59,1% dự toán; chi cấp bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ phát triển DN nhỏ và vừa đạt 29,7% dự toán. Riêng về thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản, số vốn giải ngân cho các dự án khoảng 91,3 nghìn tỷ đồng, đạt 36,2% dự toán; các bộ, cơ quan Trung ương đạt khoảng 26%, các địa phương đạt khoảng 40,3%. Vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân khoảng 25,8% dự toán, thấp hơn nhiều con số 44% của cùng kỳ năm 2015.
Số chi trả nợ và viện trợ trong 7 tháng qua đạt 91,1 nghìn tỷ đồng, bằng 58,8% dự toán, đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời các khoản nợ đến hạn theo cam kết, không để tác động xấu đến kinh tế vĩ mô. Chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính 473,7 nghìn tỷ đồng, bằng 57,5% dự toán.
Nhằm tăng cường quản lý NSNN, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương về việc quản lý, sử dụng kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia; khẩn trương xây dựng hướng dẫn về nội dung, mức chi áp dụng đối với các chương trình mục tiêu quốc gia,... Các bộ, ngành và địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện các giải pháp quản lý, điều hành chi NSNN đã đề ra theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2016; Chỉ thị số 22/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện các nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2016. Cơ quan Tài chính và Kho bạc Nhà nước đã tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chi NSNN, đảm bảo chặt chẽ, đúng chế độ, không gây phiền hà cho đơn vị.
Triển khai Nghị quyết số 60/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016, Bộ Tài chính đã và đang rà soát, hướng dẫn một số nội dung về kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư và vốn trái phiếu Chính phủ năm 2016; các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai các giải pháp đã đề ra. Bộ Tài chính nhận định: Các giải pháp này sẽ thúc đẩy tiến độ giải ngân khá hơn trong thời gian tới.
Tiết kiệm để giữ bội chi
Với kết quả thu – chi NSNN như vậy, con số bội chi NSNN sau 7 tháng đạt 78,5 nghìn tỷ đồng, bằng 31% dự toán năm. Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, so với mức bội chi được Quốc hội giao năm 2016 là 254 nghìn tỷ đồng thì tiến độ của 7 tháng đang nằm trong dự tính và phạm vi cho phép.
Trong bối cảnh thu NSNN ngày càng khó khăn, nhu cầu chi ngày càng tăng cao, để tránh bội chi vượt “ngưỡng”, Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải cho rằng, thời gian tới, việc cắt giảm chi là hết sức cấp thiết.
Theo Thứ trưởng, nguyên tắc chi tiêu thường xuyên đã được thể hiện ngay trong dự toán ngân sách 2016 theo hướng cắt giảm tất cả các khoản chi thường xuyên. Trong quá trình điều hành, với quyết tâm thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách 2016, cũng như thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu và triển khai thực hiện nhiều biện pháp rà soát, cắt giảm các khoản chi tiêu không thực sự cần thiết như các khoản chi phí về lễ hội, hội nghị, tiếp khách, học tập, khảo sát tại nước ngoài.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng phối hợp với các bộ, ngành địa phương thực hiện rà soát lại xe công; phối hợp với Hà Nội và TP.HCM rà soát lại quỹ nhà, đất của các cơ quan Nhà nước và sẽ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để có chỉ đạo thúc đẩy việc sử dụng có hiệu quả hơn.
Bên cạnh các giải pháp về tiết kiệm chi thường xuyên, các đơn vị hệ thống của ngành Tài chính cũng đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và thực hiện giải pháp thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo tăng trưởng kinh tế, qua đó, thực hiện đầy đủ dự toán Quốc hội đã giao.
Với những giải pháp đó, ngành Tài chính sẽ đảm bảo được việc giữ bội chi trong chỉ tiêu cho phép.