Đấu thầu qua mạng giúp tiết kiệm chi phí và nâng cao tính minh bạch |
Xác định rõ các vướng mắc khi đấu thầu qua mạng
Sau một thời gian đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, mới đây, Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã phối hợp với các chuyên gia Ngân hàng Thế giới tiến hành buổi hội thảo nhằm hoàn thiện Dự thảo Thông tư quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với gói thầu mua sắm hàng hoá, xây lắp, dịch vụ phi tư vấn.
Hội thảo tập trung vào các nội dung chính: Bảo lãnh dự thầu; Làm rõ hồ sơ mời thầu trên Hệ thống; Định dạng file hồ sơ dự thầu; Áp dụng quy trình đánh giá ngược… nhằm mục tiêu cuối cùng là gia tăng số lượng và sự minh bạch khi các gói thầu được triển khai qua mạng.
Theo ông Phạm Thy Hùng, Giám đốc Trung tâm Đấu thầu qua mạng, Cục Quản lý đấu thầu, vẫn còn những hạn chế như văn bản hướng dẫn đấu thầu qua mạng chưa đầy đủ, chưa có các mẫu áp dụng riêng cho lĩnh vực xây lắp, phí tư vấn. Một số bên mời thầu (BMT), nhà thầy còn có tâm lý ngại thay đổi; Dữ liệu thông tin đấu thầu trên Hệ thống thiếu liên kết, gây khó khăn cho công tác theo dõi, giám sát đấu thầu theo thời gian thực.
Ngoài ra, phần mềm được soạn thảo chỉ tương thích với Hệ điều hành Windows, dung lượng file Hồ sơ dự thầu hạn chế <20Mb; không thực hiện được toàn bộ quá trình lựa chọn nhà thầu qua mạng cũng là điểm trừ khiến công tác đấu thầu qua mạng khiến công tác này vẫn chưa được phổ biến.
Ngoài ra, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (Hệ thống) chưa có kết nối với hệ thống ngân hàng đã khiến, trường hợp nhà thầu từ chối thương thảo hợp đồng, bên mời thầu không tịch thu được số tiền theo giá trị bảo lãnh dự thầu.
Do đó, Tổ biên tập Dự thảo Thông tư dự kiến đưa vào nội dung “trường hợp NT có các hành vi bị cấm trong đấu thầu hoặc từ chối thương thảo hợp đồng mà không nộp BLDT bản gốc thì NT sẽ bị coi là có hành vi gian lận trong đấu thầu và sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 - 5 năm. Chủ đầu tư cần kịp thời gửi thông tin về NT vi phạm để đăng tải trên Hệ thống”.
Ông Nguyễn Sơn, Phó cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu cho rằng, việc lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đối với gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng (E-HSMT) phải căn cứ vào quy mô, tính chất của từng gói thầu cụ thể để đưa ra các yêu cầu phù hợp trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Khi lập E-HSMT đối với gói thầu mua sắm hàng hoá, xây lắp, phi tư vấn, một số nội dung ban hành kèm theo Dự thảo Thông tư này được cố định và đăng tải trên hệ thống (file PDF). Đối với các nội dung khác có thể chỉnh sửa cho phù hợp với quy mô, tính chất của gói thầu. Trường hợp có chỉnh sửa các quy định nêu trong Mẫu hồ sơ thì tổ chức, cá nhân thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải bảo đảm việc chỉnh sửa đó là phù hợp, khoa học, chặt chẽ hơn so với quy định nêu trong Mẫu hồ sơ và không trái với quy định của pháp luật về đấu thầu.
Về vấn đề này, ông Phan Doãn Khánh, Ban Quản lý đấu thầu (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) cho rằng, về lâu dài, nhà thầu phải nộp bảo lãnh dự thầu của những ngân hàng đã có kết nối với Hệ thống. Khi có quy định đó, các ngân hàng sẽ sẵn sàng kết nối với Hệ thống, vì đó cũng là dịch vụ của ngân hàng.
Tiết kiệm và minh bạch
Đấu thầu qua mạng giúp tiết kiệm chi phí và nâng cao tính minh bạch, nhất là với các gói thầu sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Bởi vậy, việc gia tăng số lượng gói thầu điện tử sẽ giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước rất đáng kể.
Theo số liệu được Cục Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, năm 2016, tổng giá trị gói thầu được đấu thầu qua mạng là 3.020 tỷ đồng, giá trị tiết kiệm đạt 271 tỷ đồng. Số lượng các gói thầu có giá gói thầu dưới 5 tỷ đồng chiếm 95% tổng số lượng gói thầu đấu thầu qua mạng. Tỷ lệ đấu thầu qua mạng áp dụng cho các gói chào hàng cạnh tranh là 5,75%, đấu thầu rộng rãi là 4,42%. Số lượng trung bình nhà thầu tham gia một gói thầu điện tử là 2,67%. Mặc dù vậy, số lượng các gói thầu điện tử vẫn thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu theo quy định của lộ trình.
Theo báo cáo của các nước như Hàn Quốc, Singapore, Australia… đấu thầu qua mạng có thể tiết kiệm được từ 3 - 20% giá gói thầu và trung bình là 10%. Tại Việt Nam, theo tính toán của các chuyên gia, đấu thầu qua mạng có thể tiết kiệm được từ 5 - 20% giá trị các gói thầu. Cần phải thấy rằng, theo thống kế chính thức, tổng giá trị các gói thầu thực hiện theo Luật Đấu thầu hàng năm lên tới 20% GDP của Việt Nam.
Đại diện Cục Quản lý đấu thầu cho biết, thực tế dù chưa có thông tư hướng dẫn chi tiết, nhưng ngay trong năm đầu tiên (2016) áp dụng rộng rãi hình thức đấu thầu qua mạng đã tiết kiệm cho ngân sách nhà nước số tiền 271 tỷ đồng.
Một số đơn vị đã áp dụng rộng rãi việc đấu thầu qua mạng tại đơn vị mình là EVN, VNPT, PVN, Vinacomin, UBND TP. Hà Nội, nhưng cũng có nhiều tập đoàn, tổng công ty, UBND tỉnh, thành phố chưa có bất cứ gói thầu nào được đấu thầu qua mạng.
Nhận thức được lợi ích của đấu thầu qua mạng, mới đây UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng trong mua sắm thường xuyên trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, trong giai đoạn 2017 - 2018, Đà Nẵng thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng 100% các gói thầu: mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung; mua sắm trang thiết bị y tế. Đối với các gói thầu mua sắm thường xuyên còn lại (gồm mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ, thuốc, hóa chất và vật tư y tế), thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng tối thiểu 30% số lượng các gói thầu chào hàng cạnh tranh trong năm 2017 và tối thiểu 40% trong năm 2018; 15% số lượng các gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế trong năm 2017 và 30% trong năm 2018.