Ngân hàng - Bảo hiểm
Khách hàng bức xúc với dịch vụ IB@nking của Vietcombank
Tú Ân - 29/01/2014 11:55
Ngày 29/1,  Baodautu.vn nhận được phản ánh của khách hàng Ngô Thị Thu H phản ánh tình trạng khi chuyển tiền liên ngân hàng qua IB@nking nhiều ngày nhưng tiền vẫn không đến tài khoản của TPBank. 5 chiêu tránh phí thẻ ATM
Khách hàng kêu ca nhiều về phí và dịch vụ của Vietcombank.

3 ngày vẫn chưa thấy tiền!

Chị Ngô Thu H cho biết, lúc 13h14 phút ngày 26/1, chị đã đặt lệnh chuyển khoản qua Internet Banking từ tài khoản cá nhân mở tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương (VCB) sang tài khoản cá nhân tại TPBank để nộp trả tiền lãi cho khoản vay tại TPBank.

Sau khi hoàn tất lệnh chuyển khoản thì số tiền trong tài khoản VCB của chị ngay lập tức bị trừ số tiền thực hiện chuyển khoản là 7.550.000 đồng, cộng thêm khoản phí là 11.000 đồng. Và chị cũng nhận được đồng thời thư điện tử của VCB gửi biên lai chuyển tiền xác nhận giao dịch.

Thông thường, chuyển tiền nội mạng (trong cùng một ngân hàng) thì tiền sẽ ngay lập tức được ghi có ở tài khoản người nhận. Nếu khác hệ thống ngân hàng (như trường hợp của chị H), trường hợp giao dịch thực hiện vào buổi sáng thì đến khoảng buổi chiều là tài khoản người nhận sẽ ghi có số tiền đã được chuyển khoản.

Hoặc cũng có trường hợp, chuyển tiền muộn vào cuối giờ giao dịch buổi chiều, thì phải sáng hôm sau, tài khoản nhận tiền mới được ghi có.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là giao dịch của chị H, mặc dù đã được báo thành công ngay sau khi thực hiện vào đầu gờ chiều ngày 26/1, nhưng đến tận cuối giờ chiều ngày 27/1, tài khoản của chị tại TPBank vẫn không hề ghi có!

Trong một trường hợp ngược lại, các khách hàng của TPBank ngày hôm đó chuyển tiền sang Vietcombank thì giao dịch lại rất thuận lợi.

Mang biên lai và thắc mắc đến gặp nhân viên VCB tại Phòng giao dịch Khâm Thiên, chị H được giải thích là số tiền 7.550.000 đồng đã bị trừ cùng lúc trên hệ thống của VCB và hiện đang nằm ở Ngân hàng Nhà nước?!

Câu trả lời này khiến chị H thực sự bức xúc vì đây là số tiền chị chuyển khoản để trả lãi vay, nếu không đến được TPBank đúng ngày cũng đồng nghĩa với việc chị sẽ bị ngân hàng phạt chậm thanh toán (150% lãi suất).

Chị H đã đề nghị nhân viên VCB cho phép hủy lệnh chuyển tiền ngày 26/1, chị sẽ nộp tiền mặt trực vào TPBank hoặc cho chị rút tiền mặt của lệnh đã thực hiện, rồi mang tiền đó đi nộp…

Thế nhưng, các yêu cầu đó của chị H đều được nhân viên và quản lý của VCB Khâm Thiên từ chối với lý do là phải đợi 2-3 hôm nữa mới có kết quả để biết lệnh đó sai ở đâu, vì sao không chuyển được.

Cho đến sáng hôm nay, 29/1, vụ việc vẫn chưa được giải quyết.

Hậu quả của vụ việc này là chị H sẽ phải chịu lãi phạt 150% của TPBank và số tiền phạt này ai sẽ phải chịu vẫn đang bỏ ngỏ. Điều đáng nói là đây không phải là lần đầu tiên khách hàng của Vietcombank gặp tình huống trớ trêu này nhưng rõ ràng việc xử lý của Vietcombank chưa làm cho khách hàng hài lòng và thỏa mãn.


Thu phí cao, dịch vụ chưa cao

Trong khi chất lượng dịch vụ ATM vẫn đang gây phiền lòng đối với không ít khách hàng, thì ngay từ giữa tháng 1 này, Vietcombank thông báo thu 3.300 đồng/giao dịch của khách hàng chuyển tiền nội mạng, thay vì miễn phí như trước.

Được biết, trong năm 2013, Vietcombank cũng là ngân hàng tiên phong trong việc thu phí rút tiền ATM nội mạng.

Vietcombank cũng là ngân hàng “dẫn đầu” về các loại phí thẻ hiện nay: phí rút tiền nội mạng là 1.000 đồng/lần, ngoại mạng là 3.000 đồng/lần; phí vấn tin tài khoản là 500 đồng/lần, phí chuyển tiền ngoại mạng là 5.000 đồng/lần...

Theo ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), hiện mới có khoảng 10 ngân hàng thu phí ATM nội mạng. Song dư luận lo ngại, việc Vietcombank thu phí chuyển tiền nội mạng sẽ mở đường cho làn sóng thu các loại phí ngân hàng trong năm 2014, trước hết là phí rút tiền nội mạng và phí chuyển tiền nội mạng, sau đó là các loại phí khác.

Được biết, tại Vietcombank, lượng giao dịch trung bình mỗi ngày là 260.000 giao dịch, riêng dịp Tết lên tới 700.000 - 800.000 giao dịch. Như vậy, doanh thu từ chi phí thẻ của Vietcombank mỗi năm cũng lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Chưa kể, ngân hàng cũng được lợi rất nhiều từ khoản tiền gửi lãi suất vô cùng thấp mà khách hàng để trong ATM.

Tin liên quan
Tin khác