Diễn đàn Quan hệ đối tác phát triển (VDPF) 2015 đang diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: Đức Thanh |
Với lần thứ 3 được tổ chức, thay thế cho Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG), VDPF đã cho thấy mình một diễn đàn đối thoại chính sách giữa Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển rất hiệu quả và thiết thực.
Tại Diễn đàn năm nay, Chính phủ Việt Nam mong muốn nhận được những ý kến đóng góp nhận xét của các đối tác phát triển về kết quả thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015 và các mục tiêu định hướng cho kế hoạch 5 năm 2016-2020, đặc biệt là các giải pháp đột phá mang tính chiến lược trong thời gian tới.
Mở đầu phiên khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bùi Quang Vinh đưa ra những cái nhìn tổng quan về kinh tế xã hội Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015. Theo Bộ trưởng, kinh tế xã hội giai đoạn này dù có gặp một số khó khăn ở những năm đầu, nhưng với những hành động quyết liệt của Chính phủ, về cơ bản, các mục tiêu tăng trưởng đều đã được hoàn thành.
“Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn đinh, CPI giảm mạnh, tỷ giá hối đoải ổn định, giá trị niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng, lãi suất ngân hàng giảm, các mục tiêu an sinh xã hội đảm bảo, tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 5,88% mỗi năm”, Bộ trưởng cho biết.
Tuy vậy, truớc các đối tác phát triển, Bộ trưởng cũng thẳng thắn khi cho rằng nền kinh tế Việt Nam vẫn còn những hạn chế như chất lượng tăng trưởng thấp, tăng trưởng dựa vào vốn và lao động còn lớn, năng suất lao động có tăng những vân thấp, tái cơ cấu nền kinh tế, 3 đột phá chiến lược mới chỉ đạt kết quả bước đầu, vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Trong thời gian tới, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020 của Việt Nam vẫn sẽ là ưu tiên đảm bảo kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế cao hơn, tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào tăng tăng năng suất lao đông và hiệu quả nâng cao sức cạnh tranh.
Để đạt được các mục tiêu này, Bộ trưởng Vinh đưa ra một số giải pháp chủ yếu, đó là tiếp tục phát triển kinh tế thị trường, tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng tăng trưởng nền kinh tế dựa vào tăng năng suất lao động và đóng góp của khoa học công nghệ làm động lực chính.
Tập trung phát triển doanh nghiệp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mạnh mẽ và thực chất hơn, tạo môi trường thuận lợi và cơ chế ưu đãi cho phát triển doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam, cơ cấu lại nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn có chất lượng, sức canh tranh và hướng tới xuất , chú ý phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế xanh ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực. Tái cơ cấu lại cơ cấu ngân sách nhà nước, thị trường tài chính theo hướng đảm bảo an toàn nợ công, sử dụng tiết kiệm có hiệu quả, huy động nguồn lực ngòai ngân sách, chú ý bảo hiểm xã hội.
Tạo môi trường thuận lợi cho người dân doanh nghiệp tự do sáng tạo, tự do đầu tư kinh doanh. Đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, huy động nguồn lực từ dân và sự tham gia của người dân.
Bộ trưởng hi vọng tại Diễn đàn, các đại biểu, các nhà tài trợ sẽ cùng nhau tập trung thảo luận để trao đổi về những điều làm được, chưa làm được, và nhất là đưa ra được những mục tiêu giải pháp cho giai đoạn tới.