Các đại biểu cắt băng khai mạc Lễ hội Ẩm thực và Du lịch làng nghề Hà Nội năm 2022. |
Lễ hội Ẩm thực và Du lịch làng nghề Hà Nội năm 2022, diễn ra từ ngày 19 – 23/5, tại phố Lê Quang Đạo (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) là sự kiện hưởng ứng Chương trình năm du lịch quốc gia 2022 và SEA Games 31.
Không gian triển lãm được chia thành các khu vực: Giới thiệu văn hóa ẩm thực Hà Thành như bánh cuốn, bánh tôm, café, bánh cốm, bánh tẻ Phú Nhi, trà sen Hồ Tây…; khu gian hàng làng nghề tiêu biểu như lụa Vạn Phúc, gốm sứ Bát Tràng, gỗ mỹ nghệ Sơn Đồng, sơn mài Hạ Thái, mây tre đan Phú Vinh, lược sừng Thụy Ứng, tò he Xuân La…
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Giám đốc HPA Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, Lễ hội là cơ hội để ngành du lịch, dịch vụ Thủ đô quảng bá hình ảnh, điểm đến, giới thiệu những giá trị văn hóa ẩm thực, sản phẩm làng nghề truyền thống tới Nhân dân và du khách trong và ngoài nước tham dự SEA Games 31.
Việc HPA tổ chức Lễ hội Ẩm thực và Du lịch làng nghề Hà Nội năm 2022 đã hỗ trợ các làng nghề, đầu bếp nâng cao vị thế của ẩm thực, làng nghề trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn. Qua đó quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội - điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn nói chung và các giá trị ẩm thực, làng nghề đặc sắc nói riêng.
Bên cạnh các gian hàng ẩm thực, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề, tại lễ hội còn có nhiều hoạt động, sự kiện hấp dẫn như: Hoạt động giới thiệu công đoạn sản xuất một số sản phẩm làng nghề, khu dành cho khách trải nghiệm thực hành một số công đoạn sản xuất sản phẩm làng nghề; hoạt động trình diễn thời trang áo dài từ sản phẩm lụa tơ tằm Vạn Phúc và các trang sức từ sừng, khảm trai…; triển lãm ảnh làng nghề Hà Nội;
Ban tổ chức cũng bố trí khu trò chơi với các trò chơi dân gian cho cả gia đình, trẻ em với các trò chơi như kéo co, đi cà kheo, đánh đu, ô ăn quan, nhảy dây, bịt mắt bắt dê, đi cầu tre…; kết hợp có trò chơi e-sports với môn thi tại Sea Games để du khách trải nghiệm…
Đặc biệt, tại khu trưng bày, các làng nghề đều bố trí thuyết minh viên giới thiệu về văn hóa truyền thống, quy trình sản xuất sản phẩm.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Hà Thị Vinh cho biết, Hà Nội có tiềm năng phát triển du lịch với 1.350 làng nghề và làng có nghề. Nhằm hỗ trợ ngành du lịch xây dựng tour thu hút khách một số làng nghề như gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái, mây tre đan Phú Vinh... đã đầu tư cơ sở vật chất, kết nối với doanh nghiệp đưa du khách đến với làng nghề.
''Du khách khi tham gia tour làng nghề không chỉ có cơ hội tìm hiểu văn hóa truyền thống mà còn trải nghiệm một số công đoạn sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ'', bà Hà Thị Vinh cho hay.
Lễ hội Ẩm thực và Du lịch làng nghề Hà Nội năm 2022 sẽ kéo dài đến hết ngày 23/5.