|
Tiêm vaccine phòng dịch cho đàn gia cầm ở Phú Yên |
11 địa phương có dịch
Ngày 18/2, tại Bộ NN&PTNT, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm. Theo Bộ NN&PTNT, hiện có 24 ổ dịch tại 11 địa phương (Nam Định, Quảng Ngãi, Kon Tum, Long An, Tây Ninh, Đắk Lắk, Cà Mau, Khánh Hòa, Phú Yên, Lào Cai, Bà Rịa - Vũng Tàu), với tổng số gia cầm mắc bệnh, chết là hơn 23.000 con. Đến nay đã có 2 người tại Bình Phước và Đồng Tháp chết vì cúm gia cầm H5N1.
"Chưa đầy 2 tháng đã có 2 người chết vì cúm gia cầm, nếu không khống chế tốt dịch trên đàn gia cầm sẽ có thêm người chết vì dịch này. Hiện nhiều chợ vẫn còn hàng bán gà, vịt sát với hàng hóa khác, nên nguy cơ lây rất cao”. Ông Trần Đắc Phu |
Ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Thú y khuyến cáo người dân không nên tái đàn gia cầm trong thời gian này, cũng như bán gia cầm và nên thực hiện tiêu trùng, khử độc khu vực chăn nuôi. Lãnh đạo các địa phương xuất hiện dịch cho biết, đã triển khai các biện pháp tiêu hủy gia cầm, tiêu độc, khử trùng, kiểm soát vận chuyển và có kế hoạch sẵn sàng chữa trị cho người mắc cúm. Tuy nhiên, hầu hết cũng đề nghị T.Ư hỗ trợ hóa chất tiêu độc, khử trùng và vaccine tiêm phòng cho gia cầm.
Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống cúm gia cầm nhận định, nguy cơ lây lan rộng dịch cúm gia cầm H5N1 được nhận định là rất cao bởi thời tiết đang trong giai đoạn bất lợi và bất thường, làm giảm sức đề kháng của gia cầm, trong khi việc vận chuyển, buôn bán gia cầm qua biên giới phía Bắc chưa được kiểm soát hoàn toàn và việc chăn nuôi thủy cầm tại biên giới với Campuchia diễn biến phức tạp.
Mặt khác, kết quả giám sát tại 147 chợ thuộc 44 tỉnh, thành cho thấy tỷ lệ chợ có phát hiện virus H5N1 trên vịt là gần 6% và 61% chợ có virus này.
Địa phương không được giấu dịch
Tại hội nghị, các ngành chức năng cho biết đều đã triển khai các giải pháp phòng chống dịch cúm gia cầm, tuy nhiên cũng có những băn khoăn về việc thông tin chưa kịp thời hoặc địa phương “ngại” công bố dịch vì sợ ảnh hưởng đến tình hình buôn bán, chăn nuôi gia cầm. “Hiện 11 tỉnh có dịch cúm H5N1 nhưng chỉ có 5 tỉnh công bố dịch, trong đó 2 tỉnh có người chết lại không công bố. Chúng ta đang lo nguy cơ dịch H7N9 xâm nhập nhưng đã có “nội xâm” là H5N1 tương đối dài rồi. Nếu không công bố thì không thể áp dụng biện pháp khẩn cấp và không có cơ sở pháp lý để xử lý hình sự hành vi vận chuyển gia cầm từ vùng có dịch sang vùng khác”, Đại tá Trần Trọng Bình - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường nêu vấn đề.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, tình hình hiện nay là nguy hiểm bởi dịch cúm gia cầm H5N1 đang lan rộng và lại thêm nguy cơ xâm nhập H7N9. “Số liệu dịch gia cầm H5N1 xuất hiện ngày sau cao hơn trước cho thấy dịch lan rộng và đây chưa là thời điểm dịch cúm lên đến đỉnh điểm. Nếu không quyết liệt dịch sẽ lan rộng. Dịch không chỉ lây lan từ biên giới Trung Quốc mà còn qua biên giới Tây Nam. Các địa phương cần công khai thông tin để nhận biết, tránh hoang mang và tham gia chống dịch, không giấu dịch, không bán chạy gia cầm”- Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh. Hiện Bộ NN&PTNT đã ban hành kế hoạch ứng phó khẩn cấp, phát động tháng phòng chống dịch cúm, tiêu độc, khử trùng; Từ năm 2013 đã cấp 4,5 triệu liều vaccine cho địa phương và hiện còn 33,5 triệu liều vaccine dự phòng. Bộ cũng đã đề nghị Chính phủ cho bổ sung thêm 60 triệu liều vaccine kháng virus.
Chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các ngành chức năng Công an, Biên phòng, Hải quan, Công thương và các địa phương thực hiện nghiêm cấm vận chuyển gia cầm qua biên giới để phòng ngừa lây lan dịch cúm H7N9 xâm nhập vào nội địa. “Các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao tính tự giác của người dân, thực hiện tháng tiêu độc, khử trùng ngăn ngừa cúm gia cầm. Địa phương nào thiếu kinh phí chủ động sử dụng ngân sách để giải quyết và có thể đề nghị để T.Ư hỗ trợ”- Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói.
Hồng Xiêm (GTVT)