Khan hiếm cát, công trình chậm tiến độ
Trong giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) triển khai đồng loạt công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, nhu cầu sử dụng cát để san lấp, đắp nền cho các dự án giao thông rất lớn.
Hiện nay, chỉ riêng 4 dự án cao tốc trọng điểm đang triển khai trong vùng gồm các cao tốc: Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cao Lãnh - An Hữu và Mỹ An - Cao Lãnh có nhu cầu khoảng 56 triệu m3 cát, chưa kể nhu cầu vật liệu cát để đắp nền cho các dự án khác do địa phương làm chủ đầu tư.
Thi công tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. |
Mặc dù trữ lượng vật liệu cát sông đã được các địa phương xác định và cơ bản bố trí đủ nguồn, tuy nhiên, công suất khai thác và cung ứng chưa đáp ứng nhu cầu vật liệu theo tiến độ triển khai các dự án, vì trường hợp tăng công suất khai thác quá mức sẽ dẫn đến sạt lở bờ sông, ảnh hưởng tới đời sống xã hội trong khu vực.
Nguồn cát cung ứng tại vùng ĐBSCL cho các dự án giao thông không đáp ứng đủ nhu cầu, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm trong vùng.
An Giang, Đồng Tháp là 2 tỉnh nằm đầu nguồn sông Cửu Long, có trữ lượng cát sông lớn nhất trong vùng, nhưng vẫn không thể đáp ứng nhu cầu nguồn cát cho các công trình xây dựng trên địa bàn.
Theo UBND tỉnh An Giang, trên địa bàn tỉnh có 11 khu mỏ mới đang lập các thủ tục để khai thác theo cơ chế đặc thù để cung cấp các dự án cao tốc theo chỉ đạo của Chính phủ, với khối lượng khoảng 16,6 triệu m3; 1 khu nạo vét chỉnh trị dòng chảy sông Vàm Nao với khối lượng được phép nạo vét khoảng 3,4 triệu m3; 5 khu mỏ đang tạm dừng hoạt động và 3 khu vực nạo vét cũng đang tạm dừng để tiến hành đo đạc, khảo sát, tính toán lại trữ lượng... Như vậy, tổng khối lượng cát của tỉnh dự kiến từ nay đến 2025 chỉ khai thác được khoảng 20 triệu m3.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, giai đoạn từ nay đến 2025 tỉnh phải cung cấp cát cho các dự án cao tốc đi qua địa bàn tỉnh và các tỉnh vùng ĐBSCL với tổng khối lượng khoảng 20,8 triệu m3. Hiện tỉnh đã bố trí được khoảng 16,6 triệu m3, vẫn còn thiếu là 4,2 triệu m3.
Về nhu cầu nguồn cát cho các công trình, dự án trong tỉnh, giai đoạn từ nay đến 2025 cần khoảng 7,7 triệu m3. Hiện đã được phân bổ với tổng khối lượng 1,5 triệu m3, khối lượng còn thiếu 6,2 triệu m3.
Về nguồn cát phục vụ công trình dân sinh của tỉnh, nhu cầu xây dựng của người dân, hiện nay người dân mua cát nhập khẩu từ Campuchia.
UBND tỉnh An Giang cho rằng, khó khăn hiện nay là nguồn cát sông ngày càng khan hiếm nhưng chưa có vật liệu để thay thế hoặc chia sẻ để phục vụ san lấp cho các công trình giao thông, cao tốc trọng điểm; chưa có phương pháp xác định chính xác sản lượng từng khu mỏ, để tính toán khối lượng đã khai thác, trữ lượng còn lại của khu mỏ (hiện nay chỉ thực hiện thông qua đo vẽ hiện trạng).
Tại tỉnh Đồng Tháp, năm 2024 tổng nhu cầu sử dụng cát san lấp các công trình đầu tư công của tỉnh là khoảng 10 triệu m3. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, dự kiến đến đầu tháng 9 năm 2024 mới có nguồn cát để cung ứng cho công trình, nhưng cũng chỉ có thể cung ứng tối đa khoảng 3 triệu m3 cát, đáp ứng hơn 30% so với tổng nhu cầu. Do nguồn cung ứng cát san lấp mặt bằng cho các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn nên đã ảnh hướng tiến độ thực hiện của các dự án.
Tiếp tục thí điểm mở rộng việc sử dụng cát biển làm nền đường
Để đảm bảo đáp ứng kịp thời nguồn cát đắp cho các dự án giao thông vùng ĐBSCL, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai Dự án thí điểm sử dụng nguồn cát biển thay thế cát sông, kết quả thí điểm cho thấy cát biển khu vực tỉnh Trà Vinh đáp ứng các yêu kỹ thuật làm nền đường ô tô, có thể sử dụng cát biển/cát nhiễm mặn đắp nền đường ô tô đối với phạm vi nền đường phía dưới (K95) trong điều kiện nhiễm mặn tương tự như khu vực thí điểm.
Để việc thi công không bị gián đoạn do thiếu nguồn cát san lấp, đắp nền đường, nhà thầu thi công hạng mục cầu trên các tuyến cao tốc. |
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai và hoàn thành một phần Dự án "Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL".
Dự án đã đánh giá chất lượng khoáng sản cát biển tại khu B1, tỉnh Sóc Trăng, có diện tích 160,3 km2, phân bổ nằm ngay trên bề mặt đáy biển, đáp ứng yêu cầu làm vật liệu san lấp hạ tầng đô thị theo TCVN 5747:1993; đáp ứng được các chỉ tiêu cơ bản làm vật liệu san lấp nền đường ô tô theo TCVN 9436:2012. Tài nguyên khoáng sản cát biển làm vật liệu san lấp cấp 333 + cấp 222 đạt 680 triệu m3, trong đó cấp tài nguyên 222 là 145 triệu m3.
Theo Báo cáo số 190/BC-BTNMT ngày 12/3/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về kết quả Dự án "Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL" thì diện tích khu B1 đủ điều kiện chuyển giao đơn vị khai thác ngay theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chuyển giao kết quả Dự án cho UBND tỉnh Sóc Trăng và Bộ Giao thông vận tải.
Tuy vậy, tại Công văn số 2499/BGTVT-KHCN7MT, ngày 11/3/2024 của Bộ Giao thông vận tải gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thông báo một số kết quả, nội dung chính việc thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường giao thông, Bộ này cho rằng: “Cát biển sử dụng cho đoạn thí điểm có chỉ tiêu cơ lý đáp ứng yêu cầu vật liệu đắp nền đường theo TCVN 9436:2012 “Nền đường - thi công và nghiệm thu”. Báo cáo tổng kết công tác thi công, kiểm định đánh giá chất lượng thi công, quan trắc môi trường cho thấy đủ cơ sở để có thể sử dụng cát biển đắp nền đường ô tô trong các điều kiện tương tự như khu vực thử nghiệm của Dự án thí điểm. Tuy nhiên, do Dự án thí điểm mới chỉ thực hiện với quy mô nhỏ, cấp thiết kế thấp hơn đường cao tốc, chất lượng cát biển mới chỉ được nghiên cứu cho một khu vực (mỏ cát biển tỉnh Trà Vinh), các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn về độ mặn đối với cây trồng vật nuôi chưa đầy đủ. Vì vậy, việc sử dụng đại trà vật liệu cát biển để xây dựng đường ô tô cần được tiếp tục thí điểm mở rộng ở các dự án với cấp quy mô, cấp thiết kế cao hơn, cũng như thí điểm ở các điều kiện tự nhiên, điều kiện môi trường, nguồn vật liệu cát biển khác nhau để có cơ sở đánh giá một cách toàn diện”.
Hoàn thành phương án khai thác cát biển trong tháng 4/2024
Vào ngày 3/4/2024, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 136/TB-VPCP Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về bảo đảm nguồn vật liệu cho Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM và các dự án đường cao tốc khu vực ĐBSCL (tổ chức tại TP.HCM vào ngày 1/4/2024). Theo đó, về sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm có văn bản hướng dẫn, ủy quyền cho UBND các địa phương làm thủ tục lựa chọn nhà đầu tư và cấp phép khai thác cát biển làm vật liệu san lấp.
Trong tháng 4/2024, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan hoàn thành phương án khai thác cát biển làm vật liệu san lấp cho các dự án đường cao tốc, trong đó phải thể hiện rõ địa điểm khai thác, địa chỉ sử dụng...
Bộ Xây dựng sớm công bố giá vật liệu khai thác tại mỏ, làm cơ sở để các đơn vị triển khai thực hiện.
Trong một diễn biến liên quan, vào ngày 4/4/2024, đại diện Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận đã có buổi làm việc với ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh UBND tỉnh Sóc Trăng về thủ tục giao mỏ cát biển thuộc tỉnh Sóc Trăng phục vụ Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025, đoạn cần Thơ - Cà Mau.
Tại buổi làm việc, Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận đã báo cáo tình hình triển khai các thủ tục mở mỏ cát biển. Theo đó, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C (đơn vị đầu mối thay mặt các nhà thầu thi công Dự án để làm việc với địa phương thực hiện các thủ tục cấp quyền khai thác theo quy định) đã có văn bản báo cáo phương án và đã thực hiện khảo sát địa hình, địa chất trên diện tích 100 ha tại khu B1 tỉnh Sóc Trăng với trữ lượng cát ước tính sơ bộ khoảng 3- 3,5 triệu m3. Hiện nhà thầu đang triển khai lập hồ sơ bản đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác khoáng sản trình Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng để lấy ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường về thẩm quyền cấp mỏ.
Về kế hoạch triển khai tiếp theo, Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận cho biết, trên cơ sở số liệu khảo sát, dự kiến Ban sẽ trình Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng các hồ sơ gồm: báo cáo trữ lượng; cam kết bảo vệ môi trường; thiết kế khai thác… Sau khi có văn bản ủy quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhà thầu hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký khai thác khoáng sản trình Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng thẩm định và tham mưu UBND tỉnh quyết định ban hành bản xác nhận khối lượng khai thác. Sau khi được UBND tỉnh giao mỏ cát, nhà thầu lập phương án an toàn giao thông hàng hải trình Cảng vụ hàng hải chấp thuận.
Tại buổi làm việc, đại diện Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận kiến nghị UBND tỉnh Sóc Trăng rút ngắn thời gian thực hiện và triển khai song song các thủ tục cấp mỏ cát biển cho nhà thầu sau khi có văn bản ủy quyền từ Bộ Tài nguyên và Môi trường để hoàn thành thủ tục trong tháng 4 và khai thác vào đầu tháng 5/2024 nhằm tận dụng tối đa thời tiết thuận lợi. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát các thủ tục và hướng dẫn nhà thầu thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định và các loại thuế, phí liên quan khác để đảm bảo đủ điều kiện cho nhà thầu thực hiện khai thác ngay sau khi được cấp quyền.
Trường hợp chưa xây dựng được đơn giá thuế, phí để áp dụng ngay khi cấp quyền khai thác cho nhà thầu, kiến nghị UBND tỉnh Sóc Trăng vận dụng theo đơn giá của tỉnh Trà Vinh hoặc các tỉnh khác có nội dung tương tự.