Doanh nghiệp
Khẩn trương tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, khai thác hiệu quả các FTA
Thế Hải - 18/04/2023 15:37
Trước sự suy giảm của sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu, thị trường trong nước bão hòa, Bộ trưởng Công thương đề nghị đẩy mạnh tìm kiếm thị trường mới, chức lại sản xuất, khai thác các FTA.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị trực tuyến khối Công thương địa phương.

Những con số không mấy vui về bức tranh sản xuất công nghiệp tại các địa phương trong quý I, chịu nhiều hệ lụy từ suy giảm kinh tế toàn cầu và những hạn chế của nội tại ở trong nước một lần nữa lại được nêu tại Hội nghị trực tuyến khối Công thương địa phương bàn về các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và xuất, nhập khẩu, sáng 18/4.

Sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp ghi nhận việc thiếu đơn hàng từ quý IV/2022, hiện chỉ đảm bảo duy trì 50-60% năng lực sản xuất. Không ít doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất, cho lao động nghỉ luân phiên.

Theo ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công thương địa phương (Bộ Công thương), tình hình suy giảm kinh tế toàn cầu nhanh hơn dự kiến, tổng cầu từ nước ngoài suy giảm mạnh khiến đơn hàng sụt giảm đã ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp quý I giảm so với cùng kỳ.

Cụ thể, quý I/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,8%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 2,4%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,8%; ngành khai khoáng giảm 4,5%.

Có 48 địa phương có IIP quý I/2023 tăng và 15 địa phương có IIP giảm so với cùng kỳ năm trước. Giảm mạnh là Quảng Nam giảm 34,3%; Bắc Ninh giảm 18,8%; Vĩnh Long giảm 16,5%; Sóc Trăng giảm 15,6%; Vĩnh Phúc giảm 8,1%.

Sức tiêu thụ của thị trường đối với mặt hàng thực phẩm như thịt lợn, thịt gà chậm, nhiều bếp ăn công nghiệp giảm do doanh nghiệp ngưng sản xuất, giảm ngày làm việc, người dân giảm chi tiêu do khó khăn… trong khi nguồn cung tăng nên giá các mặt hàng này đều có xu hướng giảm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. 

Thiếu đơn hàng, sản xuất giảm, kim ngạch xuất khẩu cũng giảm hàng chục tỷ USD. Quý I, xuất khẩu đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ (giảm gần 11 tỷ USD). Trong quý I/2023 có 14 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, giảm 2 mặt hàng so với quý I/2022 (có 16 mặt hàng). Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% (cùng kỳ tăng 15,6%).

Suy giảm sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu bắt nguồn từ các nguyên nhân, trong đó, giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao đã tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước, xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử lớn tại Mỹ, EU, Nhật Bản.., khiến nhu cầu nhập khẩu giảm.

Ngoài ra, Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam.

Ở trong nước, dù sức mua trong nước dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng, hoạt động mua hàng trở lại giảm. Thiếu hỗ trợ, liên kết giữa thị trường nội địa và các ngành sản xuất. Sức ép lạm phát, lãi suất cao cũng đã ảnh hưởng đến tiêu dùng các sản phẩm xa xỉ như: ô tô, kể cả sản phẩm thông thường như dệt may, giày dép…

"Các doanh nghiệp còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, đặc biệt là các DN trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ở trong bối cảnh rất khó khăn do thiếu đơn hàng, khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm", ông Trung nêu.

Chỉ ra nguyên nhân chủ quan, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, công nghiệp địa phương tăng trưởng chậm có nguyên nhân từ việc chậm công bố quy hoạch, dẫn đến việc không thể triển khai các dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực Công thương; sự chồng chéo, mẫu thuẫn trong một số quy định của pháp luật hiện hành cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ nhiều dự án; tính chuyên nghiệp trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu của không ít doanh nghiệp, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu chính ngạch.

Bên cạnh đó việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn; ảnh hưởng không nhỏ bởi tình trạng huy động trái phiếu doanh nghiệp không đúng quy định và thị trường bất động sản trầm lắng; hầu hết dự án đầu tư công chậm tiến độ.

Tâm lý e ngại trong thực thi nhiệm vụ của nhiều cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm cũng là nguyên nhân dẫn đến sự kìm hãm tăng trưởng, phát triển; việc làm, thu nhập của người lao động.

Đưa ra các giải pháp để thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ trưởng đề nghị các địa phương: "khi thị trường trong nước gần như đã bão hoà, cần phát triển thị trường ngoài nước, tổ chức lại sản xuất, sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể của thị trường, tiếp tục khai thác các FTA đã ký".

Rà soát, tháo gỡ thực chất những khó khăn, vướng mắc đối với từng doanh nghiệp, từng dự án, nhất là những dự án lớn trên địa bàn và những dự án tạo cú hích về tăng trưởng, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách, giải quyết được việc làm; khẩn trương hoàn thiện các đề án, chiến lược, kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại của mỗi địa phương để kịp thời tích hợp trong quy hoạch tỉnh và quy hoạch ngành quốc gia.

Bộ trưởng nhắc nhở các địa phương chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bất động sản và cắt giảm đầu tư công trên địa bàn để tạo động lực, dư địa để các ngành, các lĩnh vực liên quan phát triển (vật liệu, cơ khí chế tạo, thương mại, dịch vụ).

Trên cơ sở diễn biến tình hình trong nước và thế giới, năm 2023, ngành Công thương dự kiến, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 8-9%; Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước dự kiến giảm khoảng 8-9% so với năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước dự kiến tăng 6% so với năm trước.
Tin liên quan
Tin khác