Đầu tư
Khánh thành nhà máy Thủy điện Ngòi Phát
Kỳ Thành - 26/12/2014 13:33
 Ngày mai (27/12/2014), tại thôn San Bang, xã Bản Vược, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển điện Miền Bắc 2 và Tổng công ty cổ phần VINACONEX phối hợp với các Sở, Ban, ngành, UBND tỉnh Lào Cai và các nhà thầu sẽ tổ chức Lễ khánh thành Công trình thủy điện Ngòi Phát.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Kiểm tra các công trình thuỷ điện vừa và nhỏ
Bộ Xây dựng phân định trách nhiệm vụ sập hầm Thủy điện Đạ Dâng
Khẩn trương hoàn thành đập Thủy điện Lai Châu

Dự án thủy điện Ngòi Phát có quy mô gồm 3 tổ máy với công suất lắp máy là 72MW. Là một trong số ít dự án thủy điện có quy mô lớn tại tỉnh Lào Cai, nhà máy khi đưa vào hoạt động sẽ bổ sung nguồn điện cho lưới điện quốc gia với điện lượng trung bình hàng năm 314 triệu Kwh, góp phần đáp ứng nhu cầu năng lượng quốc gia và thúc đẩy tiến trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Bên trong nhà máy thủy điện Ngòi Phát

Dự án thủy điện Ngòi Phát được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư tại văn bản số 904/TTg-CN ngày 04/07/2005 do Công ty cổ phần đầu tư và phát triển điện Miền Bắc 2 làm chủ đầu tư.

Năm 2008 đánh dấu bước ngoặt lớn của dự án khi các thủ tục pháp lý để triển khai dự án đã cơ bản hoàn thành và chủ đầu tư đã tiến hành ký các hợp đồng thi công với các nhà thầu và đại diện tổng thầu là Tổng công ty cổ phần VINACONEX.

Các hạng mục chính của dự án được đồng loạt thi công trên tất cả các hạng mục công trình (khu đầu mối, tuyến đường hầm, khu vực nhà máy). Một số mốc quan trọng của dự án đã trải qua tạo tiền đề cho việc đưa 3 bổ máy vào vận hành hiện nay như: (1) Công trình tiến hành chặn dòng thi công đập vào ngày 22/01/2010; (2) Thông hầm toàn tuyến năng lượng vào ngày 25/06/2011.

Quý IV/2011, sau hơn 2,5 năm thi công, Dự án đã cơ bản hoàn thành một số hạng mục chính như: thông toàn bộ tuyến đường hầm dẫn nước dài 8,1 km; hoàn thành toàn bộ hố móng đập, hố móng nhà máy làm tiền đề cho việc triển khai bước tiếp theo là đổ bê tông đập, đổ bê tông áo hầm, đổ bê tông Nhà máy.

Song song với việc thi công tại hiện trường, 2 gói thiết bị lớn của Nhà máy là TB01 (cung cấp, lắp đặt cơ khí thủy công nhà máy) và TB02 (cung cấp, lắp đặt hòa đồng bộ thiết bị cơ điện) đã được Công ty ký với 2 đơn vị là Công ty LILAMA 3 và Công ty Andritz Hyrdo - Ấn Độ. Trong năm 2011, các thiết bị của dự án đã cơ bản chế tạo xong và dần chuyển về Việt Nam và tiến hành lắp đặt.

Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế năm 2011, việc huy động vốn tự có tham gia dự án gặp nhiều khó khăn dẫn đến không đáp ứng các yêu cầu của ngân hàng, dự án đã phải tạm dừng thi công. Tại thời điểm này, dự án đã triển khai được 66% khối lượng các hạng mục thi công với tổng vốn giải ngân cho dự án là hơn 1.000 tỷ đồng.

Năm 2013, đánh giá tầm quan trọng và thiệt hại lớn cho Chủ đầu tư trong việc không hoàn thành sớm được dự án, với sự nỗ lực quyết tâm và trách nhiệm của Tổng Công ty cổ phần VINACONEX với tư cách là cổ đông lớn, cùng với sự ủng hộ của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), dự án đã được tái khởi động vào tháng 6/2013.

Cuối năm 2013, Đại hội đồng cổ đông công ty đã thông qua phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư của Dự án, nâng tổng mức đầu tư từ 1.743 tỷ đồng lên 2.068 tỷ đồng. Trong 1.566 tỷ đồng vốn vay thực hiện Dự án, vốn vay từ Ngân hàng BIDV là 1.129 tỷ đồng và Ngân hàng VDB chi nhánh Lào Cai là 437 tỷ đồng. Vốn tự có tham gia Dự án là 417 tỷ đồng, chiếm 20% tổng vốn đầu tư dự án.

Khởi động lại dự án sau gần 2 năm dừng thi công, Công ty gặp rất nhiều khó khăn như việc huy động thiết bị, nhân lực trở lại hiện trường, dọn dẹp bùn đất, mặt bằng thi công. Đặc biệt, việc vận chuyển toàn bộ thiết bị công nghệ của Nhà máy đang được lưu kho tại Cảng Hải Phòng về công trường đã dẫn đến nhiều thiết bị hỏng hóc cần thay thế, bảo dưỡng trước khi tiến hành lắp đặt. Toàn bộ hơn 8,1 km đường hầm mặc dù đã thông nhưng sau 2 năm dừng thi công, việc khôi phục lại các công trình phụ trợ thi công hầm như cấp điện, cấp nước và thông gió… dẫn đến thời gian chuẩn bị cho việc thi công cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Với sự quyết tâm hoàn thành dự án theo tiến độ chỉ đạo của Chủ đầu tư, toàn thể CBCNV trên công trường đã thi công liên tục 3 ca trong suốt 14 tháng. Chỉ trong vòng hơn 1 năm, tổng khối lượng công việc thực hiện tại Dự án là: đổ bê tông đập và nhà máy đạt hơn 27.000 m3; đổ bê tông nền, tường vòm hầm là 7km; lắp đặt gần 500 tấn thiết bị cơ khí thủy công, 1.500 tấn thiết bị công nghệ; kéo cáp và đấu nối hơn 105.000 mét cáp điện các loại và 1.800 tấn thiết bị đường ống áp lực; thi công hơn 22 km đường dây 110 kV và ngăn lộ 110kV đấu nối dự án vào lưới điện Quốc Gia; thí nghiệm, hiệu chỉnh chạy thử và hòa lưới điện Quốc Gia.

Sau thời gian thi công gấp rút, dự án chính thức tích nước lòng hồ vào ngày 5/6/2014, tích nước đường hầm để chuẩn bị cho việc chạy thử không tải tổ máy số 01. Ngày 25/08/2014 Tổ máy 01 đã chính thức hòa lưới điện Quốc gia. Các Tổ máy 02 và 03 cũng lần lượt hòa lưới điện Quốc gia vào ngày 12/09/2014 và 28/11/2014.

Trong quá trình xây dựng, mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng bằng sự đoàn kết, phát huy sáng kiến, khả năng làm chủ khoa học kỹ thuật của chủ đầu tư và các nhà thầu, sự phối hợp với các chuyên gia trong và ngoài nước, các đơn vị trên công trường đã vượt qua tất cả để hoàn thành công trình.

Tin liên quan
Tin khác