Doanh nghiệp
Khát vọng Liên Hà Thái
Quý Hưng - 12/07/2022 08:31
Hơn một năm từ khi nhận chủ trương đầu tư của Chính phủ và chứng nhận đầu tư (tháng 2/2021), Công ty cổ phần Green i-Park (GiP) cùng tỉnh Thái Bình đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Trung ương và tỉnh Thái Bình thăm Khu công nghiệp Liên Hà Thái thuộc Khu kinh tế Thái Bình

Công ty tăng tốc triển khai mạnh mẽ, toàn diện các mũi tiến công và đã giành được những kết quả ấn tượng với hình ảnh một khu công nghiệp (KCN) 588 ha đang hiện dần lên cùng những nhà máy hàng ngàn công nhân chuẩn bị nhộn nhịp vào ca trên mảnh đất ven biển Thái Bình.

Kỳ tích giải phóng mặt bằng

Khi bắt đầu triển khai Dự án Đầu tư KCN Liên Hà Thái (Green iP-1), GiP nhận thức rất rõ phải ưu tiên hoàn thành tốt giải phóng mặt bằng (GPMB) - khâu tiền đề, quan trọng, nhất định phải có sự chỉ đạo, đồng hành quyết liệt của Đảng, chính quyền các cấp. Theo đó, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình cùng GiP đã tổ chức triển khai với nhiều giải pháp linh hoạt, từ vận động người dân, tuyên truyền, chuyển tải chính sách về GPMB, cũng như hiệu quả kinh tế - xã hội của Khu kinh tế (KKT), tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Có biết bao câu chuyện cảm động về sự đồng thuận của người dân vùng dự án, như việc di chuyển hàng ngàn ngôi mộ của người thân tồn tại tự bao đời để tạo mặt bằng cho KCN. Đó còn là những câu chuyện về sự chỉ đạo, chia vai gánh vác cùng nhà đầu tư giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, những quyết sách sáng tạo để giải quyết các vấn đề tồn tại, tháo gỡ những khó khăn thực tế do cơ chế, chính sách chưa phù hợp của lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành cũng như lãnh đạo địa phương.

Chỉ trong 10 tháng đã cơ bản hoàn thành GPMB gần 540 ha, Dự án KCN Green iP-1 đã khẳng định kỳ tích GPMB một dự án lớn chưa từng có ở Thái Bình.

Dồn lực xây dựng hạ tầng

Cùng với GPMB, GiP đã dốc toàn lực xây dựng hạ tầng. Hàng trăm héc-ta đã được san lấp tạo mặt bằng sạch, sẵn sàng đón các nhà đầu tư vào xây dựng nhà máy. GiP tập trung phương tiện lớn thi công 7/10 tuyến đường giao thông nội khu đồng bộ với hệ thống cấp thoát nước, điện chiếu sáng. Dự án Nhà máy xử lý nước thải giai đoạn I quy mô 5.000 m3 cũng tích cực triển khai và đang lắp đặt thiết bị, chuẩn bị vận hành.

Khu công nghiệp Green iP-1 có vị trí rất thuận lợi, kết nối giao thông với tuyến đường bộ ven biển, Quốc lộ 39, cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh với hệ thống cảng nước sâu Lạch Huyện, Hải Phòng (40 km), sân bay Cát Bi (35 km) và được hưởng những chính sách ưu đãi cao nhất trong KKT Thái Bình.

GiP đã ký kết với Điện lực Thái Bình đầu tư trạm biến áp Trà Linh 110 kV và xuất tuyến 22 kV đến chân hàng rào nhà máy của nhà đầu tư, đáp ứng cao nhất nhu cầu điện cho sản xuất - kinh doanh. Về nước sạch, nhà máy nước hiện tại đã đảm bảo đủ cho sản xuất, sinh hoạt trong giai đoạn đầu. GiP sẽ đầu tư xây dựng thêm một nhà máy cấp nước sạch tại Phân khu Nam.

Đồng thời, GiP cũng đang tập trung tiến hành các bước của Dự án Xây dựng khu nhà ở chuyên gia, nhà ở công nhân trên diện tích 90 ha và tiếp tục đầu tư xây dựng giai đoạn II - Phân khu Nam với diện tích 397 ha, nâng tổng Dự án lên gần 1.000 ha.

Nhà đầu tư Ohsung Vina (Hàn Quốc) đang tập trung hoàn thành xây dựng nhà máy để tháng 7/2022 đi vào hoạt động

Tích cực thu hút đầu tư

Hiện tại, GiP đã thu hút được 5 dự án đến từ các quốc gia, trong đó có 4 dự án đã khởi công, động thổ.

Ngày 24/8/2021, GiP ký hợp đồng với nhà đầu tư Lotes (Đài Loan) thuê 15 ha, tổng vốn đầu tư 120 triệu USD, sản xuất linh kiện điện chân RAM, cable dùng cho máy tính và thiết bị điện tử cung cấp cho các tập đoàn lớn như: Intel, Samsung, Sony… Đến ngày 18/2/2022, Lotes khởi công Dự án. Dự kiến, tháng 1/2023, giai đoạn I của nhà máy sẽ đi vào hoạt động, tạo việc làm cho 1.500 lao động.

Ngày 27/9/2021, GiP ký hợp đồng  cho thuê 20 ha với nhà đầu tư Greenworks (Mỹ), tổng vốn 200 triệu USD, sản xuất thiết bị làm vườn thông minh. Tháng 7/2022, Dự án sẽ xây dựng. Dự kiến, khi đi vào hoạt động, sẽ tạo việc làm cho 5.000 lao động.

Ngày 12/12/2021, nhà đầu tư Ohsung Vina (Hàn Quốc) ký hợp đồng thuê 6 ha, vốn đầu tư 40 triệu USD, sản xuất linh kiện động cơ dùng cho quạt gió của các thiết bị điện tử, đồ gia dụng, điều hòa, tủ lạnh. Ohsung đang tập trung thi công gấp rút để tháng 7/2022 đi vào hoạt động, tạo việc làm cho 1.500 lao động.

Ngày 6/1/2022, Nam Tài Group (Singapore) ký hợp đồng với GiP để thuê 42 ha, tổng vốn đầu tư 80 triệu USD, đầu tư trung tâm thiết kế thời trang lớn nhất Việt Nam, tạo sản phẩm xuất khẩu cho các thương hiệu lớn trên thế giới, đồng thời xây dựng nhà xưởng cho thuê. Dự án dự kiến khởi công tháng 7/2022, khi hoàn thành xây dựng và cho các doanh nghiệp thuê lại, Nam Tài Group sẽ tạo việc làm cho 6.000 - 8.000 lao động.

Gần đây nhất, ngày 20/5/2022, GiP ký biên bản ghi nhớ với KoreaSMT (Hàn Quốc) cho thuê 3 ha để triển khai dự án sản xuất linh kiện điện tử, các loại bảng mạch in cho sản phẩm, thiết bị và linh kiện điện tử, vốn đầu tư 21 triệu USD. GiP đang hỗ trợ thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư và KoreaSMT dự kiến xây dựng vào tháng 8/2022. Khi đi vào hoạt động, Dự án sẽ thu hút 1.000 lao động.

Tính chung năm 2021, GiP thu hút được 4 dự án, tổng vốn 440 triệu USD, góp phần đưa Thái Bình đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố về thu hút FDI. Đến thời điểm tháng 5/2022, GiP đã thu hút được 461 triệu USD.

Qua trao đổi với lãnh đạo Công ty và qua các kênh thông tin, được biết, GiP đang tích cực đàm phán với các nhà đầu tư lớn, tiềm năng của Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…, bước đầu đã có tín hiệu tốt hứa hẹn có thêm nhiều nhà đầu tư lựa chọn KCN Green iP-1. Đặc biệt, dự kiến trong tháng 7/2022, được sự bảo trợ của Bộ Ngoại giao, tỉnh Thái Bình cùng GiP tổ chức Hội nghị Thu hút các nhà đầu tư Hàn Quốc vào KCN Green iP-1 cũng như vào KKT Thái Bình.

“Đây là KKT rất quan trọng với Thái Bình”

Trong chuyến thăm KKT Thái Bình của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của Trung ương và tỉnh Thái Bình vào ngày 8/5/2022, Thủ tướng cho biết, Trung ương rất quan tâm tới việc phát triển KKT Thái Bình và chuyến công tác, khảo sát này nhằm “lắng nghe hơi thở cuộc sống” để tìm hiểu, khó khăn, vướng mắc, kinh nghiệm, bài học rút ra. Đây là KKT rất quan trọng với Thái Bình, tỉnh đất hẹp người đông, đưa tỉnh phát triển hướng ra biển, khai thác không gian biển. Trước đây, tiền nhân đã khai phá huyện Tiền Hải. Đến nay, KKT Thái Bình mới chủ yếu phát triển trên đất liền, cần phát triển theo hướng khai thác không gian biển.

Thủ tướng nhấn mạnh, phải phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống chính trị, người dân và nhà đầu tư để làm tốt công tác GPMB, an sinh phải đi đầu, hạ tầng phải đồng bộ và muốn phát triển KKT, cần xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh, liên thông, nhất là hạ tầng giao thông, điện, nước và hạ tầng xã hội như nhà ở công nhân...

Thủ tướng yêu cầu tập trung nguồn lực cao nhất, ưu tiên hoàn thành tuyến đường ven biển để kết nối KKT Thái Bình với Cảng Lạch Huyện, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, Cảng Cái Lân, Cửa khẩu Móng Cái, tạo động lực quan trọng, tạo ra lối thoát cho giao lưu hàng hóa, giúp KKT Thái Bình hoạt đông hiệu quả, tạo việc làm, không gian phát triển mới và thu hút đầu tư từ bên ngoài.

Thủ tướng cũng gợi ý các phương án triển khai xây dựng KKT, trong đó đó có mô hình lãnh đạo công - quản trị tư. Thủ tướng yêu cầu Thái Bình phải xác định, người dân phải được hưởng lợi từ KKT chứ không phải bị ảnh hưởng, bảo đảm đời sống của người dân đã nhường mặt bằng cho dự án, nơi ở mới phải tốt hơn nơi cũ, năm sau tốt hơn năm trước.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc triển khai thu hút dự án đầu tư nên theo hướng “từ trên xuống”, lãnh đạo phải vào cuộc chỉ đạo trực tiếp, thay vì chờ đợi cấp dưới trình lên. Thủ tướng yêu cầu Thái Bình triển khai tốt việc xây dựng KKT để rút kinh nghiệm, mở rộng mô hình này.

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Green i-Park Nguyễn Minh Hưng chia sẻ, nhận thức sâu sắc những khó khăn, thuận lợi cũng như trách nhiệm là nhà đầu tư tiên phong số 1 đầu tư vào KKT Thái Bình, giai đoạn tới, Công ty sẽ tập trung thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cùng tỉnh Thái Bình phấn đấu đưa Green iP-1 sớm trở thành KCN xanh, hiện đại, đa ngành, đạt mục tiêu lấp đầy KCN, tối thiểu thu hút FDI đạt 4 tỷ USD, giải quyết việc làm cho 50.000 lao động, đóng góp cho ngân sách 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Đây cũng là khát vọng cháy bỏng của GiP cũng như các nhà đầu tư vào KKT Thái Bình.

Tin liên quan
Tin khác