Tạm chưa bàn tới Chương trình nghị sự với 10 phiên làm việc liên tục về các vấn đề được xác định là nóng nhất trong nền kinh tế, cũng khó nói trước được hiệu ứng tiếp sau của sự kiện lần đầu tiên được Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức này, chỉ riêng việc các doanh nhân xác định mục tiêu ngồi cùng nhau để tìm câu trả lời cho câu hỏi “tại sao doanh nghiệp Việt Nam mãi không lớn” đã mang đến tín hiệu tích cực.
Bởi lẽ, cho dù câu hỏi này đã được đặt ra khá lâu, đã trở thành đề tài của nhiều công trình nghiên cứu, là mục tiêu của những kế hoạch tái cơ cấu các ngành, các lĩnh vực, các địa phương và cả nền kinh tế, nhưng chỉ khi chính các doanh nhân sẵn sàng gạt bỏ những khác biệt để ngồi cùng nhau, thẳng thắn xác định điểm mạnh, điểm yếu của chính mình, thì cơ hội lớn lên của doanh nghiệp Việt Nam mới thực sự được chạm tới.
Số lượng doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam không nhiều, đa phần là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. |
Không thể né tránh rằng, so với chuẩn mực chung của năng lực cạnh tranh doanh nghiệp thế giới, doanh nghiệp Việt Nam dù đã có bước cải thiện khá nhanh, song vẫn đang ở chiếu dưới. Quy mô doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đang tăng lên, hiện chiếm tới 96%. Chỉ chưa đầy 2% là doanh nghiệp quy mô vừa. Thậm chí, quy mô bình quân các doanh nghiệp xét theo tiêu chí lao động đã giảm đi trong những năm qua.
Hệ quả là năng suất lao động thấp nên ngày càng trở nên thâm dụng vốn. Số doanh nghiệp tư nhân lớn không nhiều. Khả năng kết nối với thị trường thế giới, với các chuỗi sản xuất toàn cầu chưa được cải thiện…
Nguyên do của bức tranh nhiều mầu trầm của doanh nghiệp Việt Nam này có vai trò của thể chế chưa thuận cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, chưa thực sự thúc đẩy ý tưởng sáng tạo. Tuy vậy, cũng không thể né tránh một thực trạng: đó là sự phân tán, chia rẽ, thiếu đoàn kết, thiếu phối hợp giữa doanh nghiệp với nhau, giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước… Cũng phải nhắc tới những yếu kém về năng lực quản lý, trong tổ chức, sự lạc hậu về công nghệ, sự nhỏ bé về quy mô tư liệu và nguồn lực sản xuất, yếu kém về thông tin thị trường, trong quan hệ quốc tế, tác phong làm ăn tùy tiện, lỏng lẻo về đạo đức và bất tín trong kinh doanh… rồi cả thói quen chạy chọt, lẩn tránh pháp luật…
Phải nhắc lại chia sẻ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp năm 2016. Sau những cam kết của một Chính phủ kiến tạo để phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh rằng, doanh nghiệp “cũng phải thay đổi để phát triển, cần liêm chính để phát triển. Phải tự cứu mình trước khi trời cứu”…
Chính phủ đã nhìn thẳng vào sự thật rằng, khi đã quyết tâm chọn chuẩn mực cao của khu vực và thế giới để nâng tầm quản trị, để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn cho người dân, cho doanh nghiệp, thì doanh nghiệp không thể đứng ngoài, không thể chấp nhận mãi quan niệm “thể chế nào, doanh nhân ấy”.
Thậm chí, trong bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập và rộng, trong lúc Chính phủ đang phải hoàn thiện cơ chế, chính sách để đáp ứng các chuẩn mực cao của các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, thì việc hình thành một cộng đồng doanh nghiệp đủ mạnh không chỉ là kết quả của quá trình cải cách thể chế, mà còn là động lực thúc đẩy cam kết cải cách của Chính phủ.