Áp lực từ tăng lãi suất USD
Thị trường tài chính toàn cầu những ngày qua biến động dữ dội. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng bạc xanh so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác có lúc lên gần 95,3 điểm, cao nhất trong 11 tháng qua. Các đồng euro và nhân dân tệ giảm giá nhanh. Chỉ số Dow Jones rớt 400 điểm trong chỉ 1 phiên, xóa sạch đà tăng trong cả năm. Trong khi đó, Chỉ số Shanghai phiên 19/6 rớt gần 4%, Hang Seng bốc hơi hơn 900 điểm. Hơn 1.000 cổ phiếu Trung Quốc giảm sàn 10% vì lời đe dọa áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
. |
Sau gần 1 tuần ổn định, tỷ giá VND/USD có dấu hiệu nhích lên. Ngày 22/6, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng tăng 30 đồng so với hôm trước, với giá bán cao nhất tới 22.940 đồng/USD. Tỷ giá trung tâm ngày 22/6 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 22.620 đồng/USD, giảm nhẹ 2 đồng so với mức công bố hôm 21/6. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng ngày 22/6 là 23.299 đồng/USD và tỷ giá sàn là 21.941 đồng/USD. Đây là phiên giảm đầu tiên của tỷ giá kể từ hôm 8/6.
Trong khi đó, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại sáng 22/6 lại được điều chỉnh tăng mạnh. Tại Ngân hàng Vietcombank và BIDV, USD được niêm yết ở mức 22.860 - 22.930 đồng/USD (mua vào - bán ra), cùng tăng 30 đồng so với hôm trước. Ngân hàng Eximbank đầu giờ sáng 22/6 báo giá USD ở mức 22.870 - 22.940 đồng, cao hơn hôm trước 30 đồng, nhưng sau lại điều chỉnh giảm về 22.830 - 22.920 đồng/USD.
Trên thị trường tự do, giá USD đã vượt mốc 23.000 đồng/USD ở chiều bán từ 2 ngày trước và ngày 22/6 đã lên đến hơn 23.100 đồng, cao hơn 40 đồng so với sáng 21/6. So với cách đây 1 tuần, giá USD đã tăng 100 đồng/USD.
Tỷ giá được kiểm soát ổn định
Chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín nhận định, việc Fed tăng lãi suất đã được dự báo trước, nên dòng vốn ngoại sẽ không có thay đổi. Các nhà đầu tư đã tính toán rất kỹ về tỷ suất sinh lợi khi đầu tư sang thị trường Việt Nam, hay giữ dòng tiền đầu tư tại thị trường trong nước.
Còn theo đánh giá của chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực, thời gian qua, NHNN điều hành cơ chế tỷ giá trung tâm khá phù hợp. Việc NHNN chủ động điều chỉnh tỷ giá trung tâm từ đầu tuần một mặt đón trước khả năng Fed tăng lãi suất, mặt khác để tỷ giá tiếp tục sát hơn so với thị trường.
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), ông Phạm Thanh Hà cho biết, thời gian qua, NHNN điều hành linh hoạt tỷ giá trung tâm kết hợp với điều chỉnh linh hoạt tỷ giá mua ngoại tệ từ tổ chức tín dụng theo sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, trên cơ sở phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác. Nhờ đó, NHNN tiếp tục mua ngoại tệ bổ sung quỹ dự trữ ngoại hối, đồng thời kết hợp hài hòa với việc trung hòa lượng tiền đưa ra trên thị trường mở, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định.
Cũng nhờ các giải pháp điều hành đồng bộ trên, theo đánh giá của các chuyên gia, tỷ giá trung tâm cũng như tỷ giá mua bán tại các ngân hàng thương mại chỉ tăng khá nhẹ, chưa đến 1%, trong khi một số đồng tiền khác chịu mất giá 1-3%.
Thực tế thị trường cho thấy, cơ chế điều hành tỷ giá của NHNN đang phát huy hiệu quả, khi tỷ giá trong nước được duy trì khá ổn định, cho dù USD trên thị trường thế giới biến động khá mạnh. Một yếu tố nữa cũng đang hỗ trợ tích cực cho tỷ giá và thị trường ngoại hối, đó là nguồn cung ngoại tệ rất dồi dào nhờ cán cân thương mại thặng dư khá lớn trong 5 tháng đầu năm, trong khi giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng tăng 9,8% so với cùng kỳ, đạt 6,75 tỷ USD; nguồn kiều hối duy trì đà tăng trưởng ổn định…
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến nghị NHNN tiếp tục theo dõi, bám sát thị trường, nhất là động thái chính sách của Fed để có những giải pháp ứng phó phù hợp, đồng thời kiểm soát chặt cho vay ngoại tệ. Trong một báo cáo mới đây, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) cũng lưu ý, từ nay đến cuối năm 2018, USD có xu hướng tăng giá trở lại. Do vậy, chính sách tỷ giá cần tiếp tục bám sát và có những biện pháp điều hành linh hoạt.