Ngân hàng
Khó đoán chênh lệch giá vàng sau ngày 30/6
Hà Tâm - 26/04/2013 07:23
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, không có cơ sở để hy vọng chênh lệch giá vàng sẽ hạ sau ngày 30/6/2013, nếu cách thức đấu thầu tiếp tục được thực hiện như hiện nay.
TIN LIÊN QUAN
Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lại doãng rộng gấp đôi, thậm chí có lúc lên tới 7 triệu đồng/lượng.

Buôn lậu, tỷ giá đều nóng vì vàng

Cùng với việc giá vàng trong nước và thế giới doãng rộng trên 6 triệu đồng/lượng hơn một tuần qua, tỷ giá USD/VND trên thị trường cũng tăng mạnh, nhiều thời điểm tăng vượt trần.

TS. Nguyễn Thị Hiền, chuyên gia nghiên cứu về giá cả và thị trường cho rằng, chênh lệch giá vàng quá lớn khiến USD bị hút vào việc phục vụ buôn lậu vàng, đây là lý do khiến tỷ giá nóng lên trong mấy ngày gần đây. “Mức giá vàng chênh lệch 6-7 triệu đồng/lượng là quá hấp dẫn với giới buôn lậu”, bà Hiền khẳng định.

Trên thực tế, theo số liệu của Hiệp hội Vàng thế giới, hai năm qua, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 25 tấn vàng nữ trang, trị giá 1,3 tỷ USD. Số vàng này hoàn toàn là vàng nhập lậu. Bên cạnh đó, trong số hơn 150 tấn vàng thỏi nhập vào Việt Nam trong hai năm qua, lượng vàng nhập lậu cũng chiếm tỷ trọng không nhỏ. Điều này cho thấy, buôn lậu vàng vẫn luôn là vấn đề nhức nhối ở Việt Nam, là nguyên nhân khiến tỷ giá lên cơn sốt ở nhiều thời điểm.

Suốt gần 1 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tung ra hơn 11 tấn vàng để bình ổn thị trường, nhưng chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lại doãng rộng gấp đôi, thậm chí có lúc lên tới 7 triệu đồng/lượng.

Chuyên gia kinh tế, TS. Ngô Trí Long nhận định, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ngày càng doãng rộng chứng tỏ NHNN chưa đạt mục tiêu bình ổn thị trường vàng.

“Việc NHNN cho rằng, bình ổn thị trường là bằng cách tăng cung, không bình ổn giá là quan điểm mơ hồ về thị trường vàng. Thực chất, bình ổn thị trường là bình ổn giá; thị trường có bình ổn được hay không phải nhìn qua tiêu chí giá”, ông Long đánh giá và cho rằng, việc NHNN định giá chào thầu cao là nguyên nhân khiến giá vàng trong nước vẫn cao chót vót so với giá thế giới.

Một nguyên nhân nữa khiến giá vàng cao là, hiện nay, nhiều ngân hàng trúng thầu vàng miếng, nhưng lại không bán lẻ cho người dân, mà bán lại cho doanh nghiệp khác, với giá cao hơn để kiếm lời.

Lo giá vàng sau ngày 30/6

Theo NHNN, sau ngày 30/6/2013, chênh lệch giá vàng sẽ bớt nóng, khi các ngân hàng tất toán trạng thái thanh khoản. Thế nhưng, những gì đang diễn ra trên thực tế đem lại nỗi nghi ngờ về diễn biến giá vàng sau ngày 30/6.

TS. Nguyễn Thị Hiền cho rằng, sau thời điểm ngày 30/6, chênh lệch giá vàng chưa chắc đã giảm. Bằng chứng là trước khi đấu thầu vàng, lãnh đạo Công ty Vàng SJC tuyên bố, chỉ sau 1 tuần đấu thầu, chênh lệch giá vàng sẽ hạ, song thực tế đang diễn ra hoàn toàn ngược lại.

“Không có cơ sở để hy vọng chênh lệch giá vàng hạ sau ngày 30/6, nếu cách thức đấu thầu vàng tiếp tục được thực hiện như hiện nay”, TS. Hiền nhận định.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, dự báo về chênh lệch giá vàng giảm nhiệt sau ngày 30/6 chỉ là cảm tính, bởi ngoài phụ thuộc vào giá vàng thế giới, giá vàng trong nước còn phụ thuộc vào tình hình kinh tế vĩ mô. Nếu kinh tế vĩ mô bất ổn, nhu cầu vàng sẽ tăng mạnh, đồng nghĩa với chênh lệch giá vàng tiếp tục doãng rộng.

Để bình ổn thị trường vàng, đồng nghĩa với kéo giá vàng trong nước về sát với giá thế giới, TS. Ngô Trí Long cho rằng, NHNN hoàn toàn có thể làm được việc này bằng cách thức đấu thầu vàng. Tuy nhiên, NHNN cần phải đưa ra giá đấu thầu sát với giá thế giới, đồng thời có biện pháp kiểm soát giá, với số vàng trúng thầu. Nếu doanh nghiệp bán vàng trúng thầu với giá cao, NHNN phải đánh thuế cao với số vàng đó.

Tin liên quan
Tin khác