Doanh nghiệp
Khó khăn chồng chất, nhiều công ty cao su phải tạm ngừng kinh doanh
Nguyễn Ngân - 24/05/2023 08:19
Đơn hàng thiếu, lãi suất cao, tiền thuế chưa hoàn lên tới hàng trăm tỷ đồng là những khó khăn đang đè nặng lên các doanh nghiệp ngành cao su.

Cán cân cung - cầu chênh lệch

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Huỳnh Văn Bảo, Phó chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho biết, các doanh nghiệp sản xuất, thương mại ngành này đang đối mặt với khó khăn từ mọi mặt.

Theo đó, trước ảnh hưởng chung của tình hình kinh tế thế giới, nhu cầu đối với mặt hàng cao su đã co lại, khiến cán cân cung - cầu chênh lệch, không còn ở vị thế cân đối như trước kia. Từ đó, khiến giá thành và đơn hàng sản xuất đều giảm, tạo ra áp lực bởi thị trường chủ yếu của ngành cao su là xuất khẩu, tiêu thụ cao su nội địa chỉ chiếm khoảng 15%.

“Sản lượng cao su trên thế giới hơn 14 triệu tấn/năm và nhu cầu cũng tầm đó. Tuy nhiên, do lạm phát, lãi suất tăng, ảnh hưởng xung đột vũ trang dẫn tới nhu cầu sản xuất, mua hàng đã co lại”, ông Bảo nói.

Điều này cũng dẫn tới khó khăn về nhân sự, lao động tại những công ty sản xuất các sản phẩm từ mủ cao su. Tài chính thu hẹp khiến nhiều doanh nghiệp không thể đưa ra mức lương tốt hơn, trung bình chỉ 5-6 triệu đồng/tháng, mà điều kiện công việc lại khá vất vả, nên nhiều lao động đã xin nghỉ việc, chuyển chỗ làm.

Cạn kiệt dòng vốn

Khó trong kinh doanh, nhưng khó nhất cho doanh nghiệp cao su hiện tại là dòng vốn đang cạn kiệt, khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.

Nhiều doanh nghiệp cao su phản ánh tình trạng “ngâm” tiền hoàn thuế giá trị gia tăng trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây, với số tiền lên tới 200 - 300 tỷ đồng.

Công ty TNHH Thương mại Hòa Thuận là một trong những công ty sản xuất, xuất khẩu cao su lớn nhất Việt Nam từ năm 1990 đến nay. Tuy nhiên, gần đây, Công ty đã phải cắt giảm lao động, tạm ngừng hoạt động.

Bà Đinh Thị Thanh Tâm, Giám đốc Công ty Hòa Thuận cho biết, từ nhiều tháng nay, các đơn hàng của Công ty sụt giảm dần, hiện không thể tiếp tục gồng gánh mà phải tạm ngừng sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể, năm 2022, Công ty bị giảm tới 94% doanh thu, số tiền hoàn thuế giá trị gia tăng cũng bị giam tới gần 50 tỷ đồng, khiến doanh nghiệp chật vật. Tình hình càng trở nên khó khăn hơn, khi sang năm 2023, số tiền hoàn thuế này vẫn “bặt vô âm tín”, đơn hàng, doanh thu cũng chưa có dấu hiệu ấm trở lại.

Trong khi đó, Công ty vẫn phải chịu nhiều chi phí như thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền lãi ngân hàng, tiền chi trả lương cho nhân viên…

“Thuế vẫn phải đóng, nếu không đóng, đóng chậm chúng tôi sẽ bị phạt 0,3%/ngày theo luật. Lãi suất ngân hàng vẫn phải trả và tăng từng ngày, lương của nhân viên cũng không thể quá chậm trễ vì họ cần phải trang trải cuộc sống. Không có vốn lưu động, quay vòng, khiến công ty ngừng hoạt động, đời sống của nhân viên bị ảnh hưởng rất nhiều”, bà Tâm chia sẻ.

Công ty Hòa Thuận đã nhiều lần gửi công văn kêu cứu tới các cơ quan chức năng, song những lời kêu cứu này bị “đá lòng vòng”, tới giờ vẫn chưa có cơ quan nào đưa ra câu trả lời thỏa đáng cũng như các chính sách giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.

Tương tự, ông Tân Quang Huy, Giám đốc điều hành Công ty TNHH MTV Huy và Anh em (Huy Brothers) nêu ý kiến: “Cao su là sản phẩm nguyên liệu, nên dù đơn hàng có giảm, doanh nghiệp vẫn có khả năng duy trì hoạt động, chờ đợi động thái tiếp theo của thị trường. Tuy nhiên, vì không có tiền hoàn thuế, tức tiền vốn hoàn về khiến doanh nghiệp cạn kiệt “ô-xy”, không thể hoạt động”.

Ngoài ra, ông Huy cho biết, doanh nghiệp ngành cao su cũng chịu chung cảnh vay ngân hàng với lãi suất tăng cao, nếu tiếp tục duy trì hoạt động thì vừa phải trả tiền thuế giá trị gia tăng 5%, vừa phải gánh khoản lãi vay ngân hàng hơn 10%. Tình cảnh này khiến nhiều doanh nghiệp như ông phải tạm ngừng mọi hoạt động.

“Doanh nghiệp chúng tôi kinh doanh hiệu quả thì mới có thể thực hiện nghĩa vụ đóng thuế, đồng thời tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động, giúp mạch kinh tế lưu thông, vì vậy rất mong được cơ quan chức năng quan tâm, tạo điều kiện giải quyết các vấn đề tồn đọng để các doanh nghiệp sớm hoạt động bình thường trở lại”, ông Huy nói.

Hòa Thuận và Huy Brothers chỉ là 2 trong số nhiều doanh nghiệp ngành cao su kêu khó. Còn nhiều doanh nghiệp cao su khác đã tạm ngừng hoạt động vì không có tiền vốn, không gánh được áp lực từ lãi suất và thuế giá trị gia tăng như Công ty cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Huỳnh Hải Nam, Công ty cổ phần cao su Việt Phú Thịnh, Công ty TNHH Cơ khí cao su Nam Phát…

“Tương lai bi đát, chưa thấy triển vọng ở đâu”, giám đốc một doanh nghiệp ngành cao su tỏ ra bi quan.

Tin liên quan
Tin khác