Ông Đinh Xuân Quế, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An |
Tình hình phát triển kinh tế của huyện Nam Đàn trong nhiệm kỳ vừa qua ra sao, thưa ông?
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ và nhân dân huyện Nam Đàn đã phát huy lợi thế, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đoàn kết, thống nhất lãnh đạo phát triển kinh tế xã hội và đã đạt được những kết quả tương đối toàn diện trên các lĩnh vực.
Cụ thể, kinh tế tăng trưởng với tốc độ khá, bình quân 10,05%/năm, cao hơn bình quân chung toàn tỉnh 2,15%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông - lâm - thuỷ sản từ 46,25% năm 2010 xuống còn 35% năm 2015; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng từ 27,12% năm 2010 lên 36,28% năm 2015; tăng tỷ trọng ngành dịch vụ từ 26,63% năm 2010 lên 28,72% năm 2015. Thu ngân sách đạt khá, tốc độ tăng bình quân 7,75%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm.
Nông nghiệp phát triển khá toàn diện, thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, diện tích cánh đồng thu nhập cao ngày càng tăng; giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2015 đạt 1.790.600 triệu đồng; tổng sản lượng lương thực đạt 91.876 tấn. Chăn nuôi phát triển đa dạng theo hướng trang trại, gia trại và sản xuất hàng hoá; năng suất, chất lượng tổng đàn được nâng cao.
Công nghiệp có bước phát triển đột phá, huyện đã hoàn thành quy hoạch 3 cụm công nghiệp và 1 dự án đầu tư với 92,07 ha đất để xây dựng hạ tầng; tổng số vốn đăng ký thực hiện các dự án là 3.326,42 tỷ đồng và đến nay đã thực hiện khoảng 1.600 tỷ đồng.
Toàn huyện đã đầu tư 1.034 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 227 tỷ đồng. Nhiều hộ dân đã tự nguyện phá dỡ tường rào, hiến 121.000 m2 đất, 28.000 ngày công để xây dựng hạ tầng nông thôn mới. Năm 2014 có 4 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến hết 2015 toàn huyện sẽ có 10 xã đạt chuẩn (vượt 2 xã so với mục tiêu đề ra).
Vậy Nam Đàn xác định nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2015 - 2020 là gì?
Nhiệm kỳ 2015- 2020, Huyện ủy, UBND huyện Nam Đàn xác định phát triển kinh tế gắn với quy hoạch nhanh và bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng gắn với đảm bảo môi trường; phát triển dịch vụ theo hướng tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực; thực hiện tốt công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển bền vững.
Gắn nhiệm vụ phát triển nông nghiệp với thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2020 có trên 70% diện tích đất nông nghiệp đạt giá trị trên 100 triệu đồng/ha/năm.
Phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch các cụm công nghiệp. Phát triển công nghiệp gắn với đảm bảo môi trường, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, tăng nguồn thu ngân sách địa phương.
Phát triển dịch vụ theo hướng tổng hợp, đa dạng, ưu tiên phát triển du lịch. Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên trên địa bàn huyện. Quyết tâm phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện có 20 - 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 1 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2020.
Là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nam Đàn làm gì để xứng đáng với tên tuổi của Người?
Nam Đàn tự hào là quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, do đó trong nhiều năm qua Đảng bộ và nhân dân huyện ra sức thi đua phát triển kinh tế xã hội để xứng đáng với tên tuổi của Người. Trong những năm tới, Đảng bộ huyện xác định nhiệm vụ là: Tiếp tục xây dựng, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết các ngành, lĩnh vực của huyện và các xã, thị trấn, trọng tâm là quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, sử dụng đất, nông nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thị trấn, thị tứ, giao thông, thủy lợi, điện, nước, thương mại, dịch vụ, du lịch, cơ sở hạ tầng văn hóa - thông tin - thể thao đồng bộ, hạ tầng phục vụ du lịch. Trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt, sớm công bố quy hoạch để thu hút đầu tư phát triển.
Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của UBND các cấp. Đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực; thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích nhân dân đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Thực hiện xã hội hoá một số lĩnh vực, tạo môi trường tài chính tin cậy, huy động tốt nhất nguồn vốn nhàn rỗi trong dân để đầu tư phát triển.
Tiếp tục đầu tư mọi nguồn lực, vận động xã hội hóa để phát triển toàn diện sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa. Phát huy tiềm năng, lợi thế các di tích lịch sử trọng điểm trên địa bàn huyện như: quần thể khu Di tích lịch sử văn hóa Kim Liên, quần thể Khu di tích Vua Mai, đình Hoành Sơn, đình Trung Cần, chùa Đại Tuệ, chùa Viên Quang... Huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch.