Đầu tư
Khơi dậy tiềm năng phát triển Tam giác CLV
Hoàng Mai - 11/04/2013 06:10
Với mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 10,5 - 11%/năm và thu nhập bình quân đầu người 1.300 USD/năm trong giai đoạn từ nay tới năm 2015, Khu vực Tam giác phát triển Camphuchia - Lào - Việt Nam (CLV) đang vươn dậy mạnh mẽ.
TIN LIÊN QUAN

Sự hợp tác hiệu quả giữa các nước và từng địa phương sẽ giúp Khu vực Tam giác phát triển CLV vươn lên mạnh mẽ.

(baodautu.vn) Trong tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao CLV lần thứ 7 được tổ chức trung tuần tháng Ba vừa qua tại Lào, Thủ tướng Chính phủ ba nước đặc biệt nhấn mạnh ưu tiên hợp tác nhằm đa dạng hóa nguồn lực để phát triển hạ tầng; đào tạo nhân lực, hoàn thiện cơ chế đặc thù để khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt hướng tới ngành công nghiệp chiến lược cao su cho Khu vực Tam giác phát triển CLV.

Đây là những định hướng tiền đề nhằm khơi dậy những tiềm năng của khu vực cao nguyên rộng lớn, với vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh và môi trường sinh thái của ba nước.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ba nước, Khu vực Tam giác phát triển CLV được thành lập từ năm 2004 với 13 tỉnh, bao gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắc, Đắk Nông và Bình Phước ở Việt Nam; Ratanakiri, Stung Treng, Mondulkiri và Kratie thuộc miền đông Campuchia; Attapư, Salavan, Xekong và Champasak thuộc miền nam Lào. Khu vực này có tổng diện tích tự nhiên là 143.900 km2 và tổng dân số năm 2012 là 7 triệu người.

Xét về hoạt động đầu tư trực tiếp, Việt Nam đã có 25 dự án đầu tư nằm trong Khu vực Tam giác phát triển thuộc Campuchia, với tổng vốn đầu tư ước 1,4 tỷ USD, chiếm 22% số dự án và 61% tổng vốn đầu tư trực tiếp từ Việt Nam sang Campuchia. 50 dự án đầu tư của Việt Nam vào Khu vực Tam giác phát triển thuộc Lào với tổng vốn đầu tư là 1,65 tỷ USD, chiếm 22,9% tổng số dự án và 47,5% tổng vốn đầu tư Việt Nam tại Lào. Hiện Lào mới có 5 dự án, với tổng vốn đầu tư 77,2 triệu USD và Campuchia với 2 dự án, có tổng vốn đăng ký 18,2 triệu USD đầu tư trực tiếp vào 5 tỉnh thuộc Khu vực Tam giác phát triển của Việt Nam.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian qua, mặc dù những kết quả về đầu tư vào Khu vực Tam giác phát triển là đáng khích lệ, nhưng con số đó chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa ba nước. Nguyên nhân chủ yếu là do còn tồn tại những rào cản thúc đẩy hoạt động đầu tư ở khu vực này, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư chưa thực sự hấp dẫn.

Trong giai đoạn tới, để đạt được những mục tiêu đề ra, các cơ quan hữu quan của ba nước đã thống nhất chủ động và tích cực thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại, nhằm quảng bá về tiềm năng của Khu vực Tam giác phát triển CLV cũng như thực hiện các chính sách ưu tiên mà Chính phủ ba nước dành cho khu vực; vận động các đối tác phát triển cung cấp nguồn vốn ODA và hỗ trợ kỹ thuật cho các dự án ưu tiên; đồng thời tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực, đặc biệt là ngành công nghiệp trồng và chế biến cao su.

Theo Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao CLV lần thứ 7, phát triển cây cao su được định hướng như một ngành công nghiệp mũi nhọn, đặc thù cho Khu vực Tam giác phát triển, mở ra cơ hội thu hút các nhà đầu tư của ba nước và quốc tế xây dựng khu vực Tam giác phát triển thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu cao su cho thị trường toàn cầu. Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp cao su cho Khu vực Tam giác phát triển CLV sẽ được tiến hành nghiên cứu chi tiết và xây dựng cụ thể để trình lên Thủ tướng Chính phủ ba nước thông qua tại Hội nghị Cấp cao CLV lần thứ 8.

Tính đến nay, tổng diện tích cây cao su trong Khu vực Tam giác phát triển ước gần 350.000 ha, trong đó, các tỉnh trong Khu vực Tam giác phát triển của Việt Nam có khoảng 150.000 ha, các tỉnh thuộc Lào có khoảng 34.000ha và các tỉnh thuộc Campuchia có khoảng 150.000ha.

“Chúng tôi kêu gọi các đối tác phát triển tích cực hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ cùng Chính phủ các nước CLV trong nỗ lực phát triển kinh tế xã hội của Khu vực Tam giác phát triển CLV. Đối thoại công - tư sẽ được tổ chức để xử lý những khó khăn và đáp ứng các yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp khi đầu tư, làm ăn tại Khu vực Tam giác phát triển”, Tuyên bố chung nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác