Nguồn thu chính của các ngân hàng vẫn tới từ lãi thuần, song thời gian gần đây, mảng dịch vụ đã đóng góp tích cực vào cơ cấu lợi nhuận |
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank (VCB) cho hay, ước tính 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng đạt hơn 11.000 tỷ đồng, hoàn thành 54% kế hoạch cả năm. Năm 2019, VCB đặt mục tiêu lợi nhuận 20.000 tỷ đồng (tăng khoảng 9% so với mức thực hiện năm 2018 - 18.300 tỷ đồng). Theo ông Thành, VCB có cơ sở để hoàn thành mục tiêu này, thậm chí có thể đạt cả tỷ USD, tức khoảng 23.000 tỷ đồng).
VCB là ngân hàng đạt con số lợi nhuận cao nhất trong hệ thống. Sáu tháng đầu năm, dư nợ VCB tăng trưởng hơn 6% và mục tiêu cả năm nay là 15%.
Với HDBank, ngân hàng có tốc độ tăng trưởng rất nhanh trong vài năm gần đây, dù chưa tiết lộ con số lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm, nhưng chỉ riêng quý I/2019, nhà băng trên đã vượt 1.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Đánh giá về triển vọng kinh doanh năm 2019 của HDBank, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) dự báo, lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng trưởng 27%, đạt 5.098 tỷ đồng trước thuế (không bao gồm các ảnh hưởng của thương vụ M&A PGBank vào HDBank).
Năm 2018, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của HDBank đạt 4.004 tỷ đồng, tăng trưởng 65,7% so với năm 2017, nhờ cả ngân hàng mẹ và công ty tài chính trực thuộc HD Saison đều cho lợi nhuận tốt, lần lượt là 3.250 tỷ đồng (tăng trưởng 59,29%) và 898 tỷ đồng (tăng trưởng 72,73%). HD Saison đóng góp 22% tổng lợi nhuận trước thuế cho HDBank.
TPBank cũng vừa thông báo kết quả hoạt động khả quan trong 6 tháng đầu năm nay. Theo đó, Ngân hàng đạt lợi nhuận 1.620 tỷ đồng, tăng 596 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước và đạt 50,6% kế hoạch cả năm.
Tại Nam A Bank, lợi nhuận trước thuế 5 tháng đầu năm đạt 426 tỷ đồng, hoàn thành 53% kế hoạch năm 2019. Tổng tài sản tại thời điểm cuối tháng 5 đạt gần 80.000 tỷ đồng, tương đương 93% kế hoạch năm. Huy động vốn từ tổ chức kinh tế và cá nhân đạt gần 64.000 tỷ đồng, hoàn thành gần 90% kế hoạch. Dư nợ cho vay hơn 55.000 tỷ đồng, hoàn thành 92% kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục được kiểm soát ở mức 1,85%.
Vừa qua, Nam A Bank tiếp nhận thông tin về việc cơ quan điều tra quyết định khởi tố vụ án liên quan đến tranh chấp tài sản thừa kế của gia đình ông Nguyễn Chấn (96 tuổi) và ông Nguyễn Quốc Toàn (Chủ tịch HĐQT Nam A Bank, con ruột ông Nguyễn Chấn).
Nam A Bank khẳng định tranh chấp này diễn ra từ nhiều năm nay trong nội bộ gia đình ông Nguyễn Chấn sau khi bà Tư Hường (cổ đông sáng lập Nam A Bank, vợ ông Nguyễn Chấn) mất. Đây là những tranh chấp dân sự về cổ phiếu Nam A Bank, không liên quan đến hoạt động của Ngân hàng - một doanh nghiệp đại chúng hoạt động công khai và tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành. Ông Nguyễn Quốc Toàn - người liên quan trực tiếp, đã ủy quyền cho Phó chủ tịch thường trực là ông Trần Ngô Phúc Vũ chịu trách nhiệm xử lý mọi công việc thay thế.
Ông Toàn cũng sẽ từ nhiệm Chủ tịch HĐQT để tập trung xử lý các tranh chấp nội bộ gia đình, tránh ảnh hưởng đến hoạt động của Nam A Bank và quyền lợi của khách hàng. Nếu đà tăng trưởng của các tháng đầu năm được duy trì, qua 6 tháng đầu năm, chắc chắn lợi nhuận vượt con số 500 tỷ đồng. Mục tiêu lợi nhuận năm nay của Nam A Bank là 800 tỷ đồng trước thuế.
Sacombank, VIB, Techcombank, MB, OCB cũng cho hay, tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm nay khả quan, song chưa tiết lộ con số lợi nhuận cụ thể.
Thực tế cho thấy, quý đầu năm, các nhà băng vẫn “lãi đậm” trong bối cảnh tín dụng còn tăng chậm do mùa vụ, song nhờ nguồn thu từ dịch vụ tăng mạnh. Nguồn thu chính của các ngân hàng vẫn tới từ lãi thuần, song thời gian gần đây, mảng dịch vụ đã đóng góp tích cực vào cơ cấu lợi nhuận của các nhà băng.
Chẳng hạn, VIB đạt 810 tỷ đồng trong quý đầu năm nay trên kế hoạch cả năm là 3.400 tỷ đồng. Kết quả này một phần là nhờ sự tăng trưởng đột biến ở mảng dịch vụ của VIB. Lãi từ hoạt động dịch vụ của VIB tăng vọt 168%, đạt 348 tỷ đồng trong quý đầu năm nay chủ yếu đến từ khoản thu phí hoa hồng bảo hiểm, đạt 209 tỷ đồng, tăng gấp 10,5 lần so với cùng kỳ. Ngoài ra, thu từ dịch vụ thanh toán cũng tăng trưởng khá đến 27%, đạt 99 tỷ đồng...
Bên cạnh đó, các nhà băng kỳ vọng lợi nhuận năm nay sẽ được đóng góp từ việc hoàn nhập dự phòng khi nợ xấu đã phần nào xử lý, tất toán hết trái phiếu VAMC.
Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho hay, trong năm nay, Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu và sẽ đóng góp khoảng 600 tỷ đồng thu nhập bất thường (khoản hoàn nhập dự phòng rủi ro) vào mục tiêu lợi nhuận trước thuế 7.279 tỷ đồng.
Trước đó, trong 6.388 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế của ACB năm 2018, cũng có khoảng 600 tỷ đồng là thu nhập bất thường từ việc xử lý các tài sản liên quan đến khoản nợ của “bầu” Kiên. Kết thúc quý I năm nay, ACB đạt 1.670 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.