Doanh nhân Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Công ty R&F Asia, |
Khởi nghiệp phải nằm trong chiến lược quốc gia
“Khởi nghiệp” hiện đang là một từ khóa “hot”. Theo chị, nên hiểu “khởi nghiệp” thế nào cho đúng?
Theo cách hiểu thông thường, khởi nghiệp là bắt đầu một công việc kinh doanh. Nhưng ngày nay khái niệm khởi nghiệp (start- up ) thường gắn với sự chuyển đổi từ thời đại công nghiệp sang thời đại công nghệ thông tin. Đó là một sự chuyển đổi lớn, giống như bước từ thời đại nông nghiệp sang thời đại công nghiệp trong lịch sử thế giới vậy.
Chị có thể giải thích rõ hơn về quan niệm khởi nghiệp “có công nghệ can thiệp”?
Taxi Uber hay Grab chẳng hạn. Người ta dùng công nghệ kết nối các tài sản (như ô tô) có sẵn trên thị trường, đáp ứng yêu cầu sử dụng dịch vụ mà không phải đầu tư mua sắm. Một ví dụ khác là dịch vụ đặt phòng, thuê phòng/căn hộ/ nhà nghỉ qua app Airbnb. Công nghệ này giúp tập hợp những căn hộ trống trên thế giới để người dùng có thể thuê, trao đổi, mua bán.
Khởi nghiệp tại Việt Nam thì sao?
Phần đông tại Việt Nam hiểu đơn giản startup là doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh, tạo ra công ăn việc làm cho xã hội.
Hiểu như vậy thì sai ở chỗ nào?
Không có gì sai cả. Nhưng như thế là có sự khác biệt với khởi nghiệp ở một số quốc gia khác, như đã nói. Ở nhiều nước, chính phủ hỗ trợ kinh tế tư nhân để tiến đến phát triển kinh tế quốc gia thì khởi nghiệp là một chương trình được lên kế hoạch thực hiện trong chuỗi giá trị giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn. Tùy vào thế mạnh riêng, mỗi quốc gia sẽ chọn những ưu tiên phù hợp.
Thí dụ Malaysia hướng tới mục tiêu tạo ra nhiều việc làm và năm 2020 trở thành nước có thu nhập cao trên thế giới. Muốn thế, họ đi theo hướng phát triển mạnh dịch vụ trước sản xuất và gia tăng giá trị cộng thêm.
Cụ thể là tập trung vào những ngành công nghệ cao; những ngành tạo được giá trị thương hiệu như giáo dục, nhượng quyền… chứ không chạy theo sản xuất gia công. Họ xác định rõ kinh tế dịch vụ là mũi nhọn. Nhà nước sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động hiệu quả và theo sát toàn bộ 5 giai đoạn phát triển của doanh nghiệp (tiền khởi nghiệp, khởi nghiệp, phát triển, trưởng thành, phục hồi). Sau đó họ còn hỗ trợ doanh nghiệp đã có thương hiệu quốc gia trở thành thương hiệu quốc tế. Tóm lại, khởi nghiệp phải là một phần của quốc sách phát triển.
TP.HCM – thành phố khởi nghiệp, nếu…
Theo chị, TP.HCM có thể là thành phố khởi nghiệp được không?
Chắc chắn được. Nhưng đó sẽ không còn là chuyện riêng của thành phố mà phải nằm trong quốc sách của Việt Nam về phát triển kinh tế tư nhân. Đáng tiếc, tôi chưa nhìn thấy rõ rệt kết nối đó. Chúng ta nói về khởi nghiệp nhiều, nhưng còn thiếu chiến lược chung, thiếu con số cụ thể, những chỉ số đánh giá kế hoạch… Mà khởi nghiệp thực sự là một khoa học quản trị, không phải là sự kiện hay phong trào truyền thông.
Thực tế là các doanh nghiệp Việt còn yếu nhiều mặt, từ tư duy, kỹ năng quản trị cho tới marketing, tài chính, nhân lực. Vậy phải bắt đầu từ đâu?
Đúng là chiến lược sinh ra từ nội lực và cơ hội. Có nội lực mới nắm bắt được cơ hội. Nội lực được hình thành, củng cố khi có tri thức và có sự kết nối giữa chính phủ với giới khoa học, doanh nghiệp, giáo dục, thị trường… Tại Singapore, chương trình học làm kinh doanh được đưa vào trường cấp 2, cấp 3, nhằm đào tạo những thế hệ kinh doanh trẻ.
Nếu có con đường, mục tiêu, có cơ quan đầu não đứng ra “dựng cờ” khởi nghiệp thì tôi tin người chuyên nghiệp sẽ xuất hiện. Đất nước mình không thiếu chuyên gia. Chỉ cần ban cố vấn lập ra dự án sẽ tập hợp được các chuyên gia giỏi.
Nếu tôi muốn khởi nghiệp?
Giả sử có một cá nhân muốn khởi nghiệp thì họ cần phải làm gì?
Đầu tiên bạn phải tìm thông tin để trả lời các câu hỏi từ đơn giản đến phức tạp. Chẳng hạn nghề ấy học ở đâu, học với ai, ở đâu chỉ dẫn về hành chính, luật pháp. Vấn đề tài chính tiếp cận thế nào… Chẳng hạn, với một bạn trẻ muốn khởi nghiệp, tôi sẽ nói với bạn ấy rằng, em hãy nhìn truyền thống và hoàn cảnh gia đình, nghề hiện tại… xem mình có thế mạnh nào không.
Thí dụ gia đình em đang bán chả cá thì phải biết những ai đang làm chả cá trên thị trường? Công thức có gì hay? Có xuất khẩu được không? Sao em không nghĩ trên những cái mình có, để làm thành sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới trên thị trường?
Làm chả cá có lẽ không mấy liên quan đến công nghệ…
Có chứ! Bạn có thể đem chả cá tới người tiêu dùng theo những cách được công nghệ hóa. Ngày xưa người ta sản xuất, đóng gói, bán trong siêu thị. Ngày nay bạn có thể mở cả nhà hàng trên mạng.
Chả cá có thể chế biến cho lẩu, xào, chiên… làm thành thực đơn hoàn chỉnh cho một bữa ăn phong phú. Ngày nay người tiêu dùng đòi hỏi nhiều hơn, phong phú hơn và theo “trọn bộ” như thế. Khẩu hiệu là “Go to” – doanh nghiệp phải đến với người tiêu dùng, rút ngắn khoảng cách tương tác giữa sản xuất và tiêu dùng. Muốn làm được thế một cách dễ dàng nhất, phải dùng công nghệ.
Vậy, bạn có khởi nghiệp được không? Hoàn toàn được. Nhưng, trước khi khởi nghiệp hãy lên kế hoạch dựa trên những chỉ số cụ thể.
Xin cảm ơn chị!