Tài chính - Chứng khoán
Khối ngoại ngắt chuỗi bán ròng cổ phiếu Hoa Sen 10 phiên liên tiếp
Minh Khôi - 18/09/2024 17:53
Nhà đầu tư ngoại mua ròng cổ phiếu HSG hơn 8 tỷ đồng trong phiên ngày 18/9 sau chuỗi miệt mài xả hàng 10 phiên liên tiếp.

Cổ phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG) chốt phiên giao dịch hôm nay tại 20.100 đồng, tăng nhẹ 0,5% so với tham chiếu. Nhờ dòng tiền khối ngoại tích cực giải ngân, HSG nối chuỗi tăng điểm sang phiên thứ hai liên tiếp.

Cụ thể, trong số 9,28 triệu cổ phiếu HSG được sang tay trong phiên hôm nay, nhà đầu tư nước ngoài giao dịch hơn 432.000 cổ phiếu. Nhóm này giải ngân 8,3 tỷ đồng để mua vào 416.500 cổ phiếu, trong khi khối lượng bán ra 16.000 cổ phiếu, tương ứng gần 320 triệu đồng. Giá trị mua ròng theo đó đạt 8 tỷ đồng, qua đó cắt chuỗi bán ròng kéo dài từ đầu tháng 9/2024.

Trong chuỗi bán ròng này, phiên xả hàng đỉnh điểm là ngày 5/9 khi giá trị bán ròng lên đến hơn 75 tỷ đồng, trong khi dòng tiền khối ngoại giải ngân chưa đến 800 triệu đồng. Phiên 13/9 ghi nhận giải nhân thấp nhất khi nhà đầu tư nước ngoài chỉ rót 52 triệu đồng để gom cổ phiếu HSG. 

Tính chung khối ngoại đã bán ròng cổ phiếu HSG với tổng giá trị ròng lên đến 305 tỷ đồng từ đầu tháng 9 đến nay. 

Thị giá HSG có những phiên tăng giảm đan xen từ khi khối ngoại xả hàng quyết liệt. Cổ phiếu này giảm nhẹ 4% so với phiên đầu chuỗi và mất gần 21% so với vùng đỉnh 2 năm được lập vào tháng 7/2024 (25.350 đồng). Khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất hơn 9,2 triệu cổ phiếu. 

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý III niên độ tài chính 2023 - 2024 (từ 1/4/2024 đến 30/6/2024), Hoa Sen ghi nhận doanh thu thuần đạt 10.840 tỷ đồng, tăng 25,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp giai đoạn này xấp xỉ 1.337 tỷ đồng, tăng 50% so với 892 tỷ đồng ở cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp đạt 12,3%, tăng 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ. 

Sau khi trừ đi các khoản phí, lợi nhuận trước thuế của công tyhơn 287 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 273 tỷ đồng, lần lượt gấp 22,5 lần và 18,3 lần cùng kỳ.

Luỹ kế 9 tháng đầu niên độ (từ 1/10/2023 đến 30/6/2024), Hoa Sen ghi nhận doanh thu thuần đạt 29.163 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp xấp xỉ 3.405 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng giai đoạn năm trước. Tỷ suất sinh lời gần 11,7%. Công ty báo lãi trước thuế 717 tỷ đồng và lãi sau thuế 696 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lần lượt lỗ 352 tỷ đồng và 410 tỷ đồng.  

Niên độ 2023-2024, Hoa Sen đặt kế hoạch kinh doanh với hai kịch bản. Cụ thể, kịch bản 1 có mục tiêu sản lượng tiêu thụ 1.625 nghìn tấn, tăng 13,3% so với cùng kỳ. Doanh thu dự kiến 34.000 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 400 tỷ đồng, tăng hơn 12 lần so với niên độ trước. 

Kịch bản 2 có mục tiêu tổng sản lượng tiêu thụ ước tính 1.730 nghìn tấn, tăng 20,7% so với cùng kỳ. Doanh thu dự kiến đạt 36.000 tỷ đồng, tăng gần 14% và lãi sau thuế dự kiến lên 500 tỷ đồng, tăng hơn 15 lần so với niên độ trước.

Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu niên độ, Hoa Sen đã hoàn thành 87,2% kế hoạch doanh thu theo kịch bản 1 và 82,4% theo kịch bản 2. Lợi nhuận theo đó lần lượt đạt 174% và 139% mục tiêu niên độ.

Theo báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) công bố cách đây nửa tháng, trong ngắn hạn, sản lượng xuất khẩu của Hoa Sen sẽ chịu tác động tiêu cực khi nhu cầu nhập khẩu thép, tôn mạ suy yếu bởi các biện pháp phòng vệ tại thị trường Mỹ và EU được áp dụng. Điều này làm tăng chi phí nhập khẩu thép vào các thị trường trên. 

Trong dài hạn, triển vọng xuất khẩu sẽ ít bị ảnh hưởng nhờ chênh lệch giá HRC tại Mỹ và EU so với Việt Nam duy trì ở mức 10% trở lên. Bên cạnh đó, mức thuế nhập khẩu thép từ Việt Nam thấp hơn Trung Quốc tạo động lực thúc đẩy xuất khẩu tôn mạ.

Nhóm chuyên gia KBSV khuyến nghị nhà đầu tư trung lập với giá mục tiêu 22.600 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức sinh lời 12,4% so với giá hiện tại.

 

Tin liên quan
Tin khác