Khối ngoại trở lại bán ròng sau 4 phiên mua ròng liên tiếp |
Trừ chỉ số hai sàn Thượng Hải và Thâm Quyến tăng nhờ tâm lý tích cực của nhà đầu tư khi Trung Quốc tuyên bố sẽ đẩy nhanh việc triển khai các biện pháp mới nhằm ổn định nền kinh tế, sắc đỏ chiếm ưu thế trên thị trường chứng khoán châu Á. Chứng khoán Việt Nam cũng không nằm ngoài đà giảm chung. VN-Index giảm 10,9 điểm (-0,84%) xuống 1.288,62 điểm. HNX-Index giảm 3,6 điểm (-1,14%) xuống 311,77 điểm. UPCoM-Index giảm 0,78 điểm (-0,82%) xuống 94,32 điểm.
Không riêng chỉ số chung, số lượng các mã giảm giá phiên 2/6 cũng áp đảo. Toàn sàn có 557 mã giảm, 15 mã giảm sàn; trong khi chỉ có 264 mã tăng và 23 mã tăng kịch biên độ.
Cổ phiếu Vietcombank – tổ chức có quy mô vốn hoá lớn nhất trên sàn là “tội đồ” kéo VN-Index giảm nhiều nhất. VCB giảm 1,86% và góp tới 1,8 điểm giảm. Không riêng VCB, đa phần nhóm ngân hàng đều đóng cửa trong sắc đỏ trừ ACB và SSB lần lượt tăng 1,81% và 0,9%.
Tương tự, ngành thép cũng có phiên giao dịch tiêu cực. HPG giảm 3,5%. Đây đã là phiên giảm thứ 3 liên tiếp của HPG, đưa cổ phiếu này về mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Nhiều cổ phiếu tôn – thép khác cũng giảm sâu như HSG (-4,2%), POM (-1,2%), SMC (-2,5%). Cùng đó, thị trường cũng ghi nhận phiên điều chỉnh của cổ phiếu dầu khí, phân bón sau chuỗi tăng khá dài trước đó.
Các cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến VN-Index lần lượt là VCB, HPG, GAS, VHM, VPB. Ở chiều ngược lại, GVR, NVL, MWG, PNJ đóng góp điểm tăng đáng kể nhưng không đủ để “cân” lại đà giảm của thị trường. Trên sàn HNX, cổ phiếu CEO, L14, KSF, PVS và IDC là đầu tàu kéo chỉ số chung đi xuống.
Điểm sáng của thị trường phiên hôm nay là nhóm bảo hiểm, bán lẻ. MIG tăng kịch biên độ, đa phần cổ phiếu bảo hiểm tăng trên 1%.
Thanh khoản thị trường cải thiện hơn so với phiên hôm qua. Giá trị giao dịch trên ba sàn đạt 19.790 tỷ đồng. Trong đó, riêng giao dịch khớp lệnh đạt 17.847 tỷ đồng, tăng 7,66% so với phiên trước. Tuy nhiên, vẫn chưa có cổ phiếu nào đạt mức thanh khoản nghìn tỷ.
HPG là cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất, cũng là cổ phiếu bị các nhà đầu tư nước ngoài bán nhiều nhất (gần 161 tỷ đồng). Khối ngoại cũng đẩy mạnh bán cổ phiếu VIC (-98,9 tỷ đồng) và GAS (-91 tỷ đồng) trong phiên. Hai cổ phiếu đầu ngành phân bón là DPM và DCM cũng gặp áp lực chốt lời từ các nhà đầu tư nước ngoài với giá trị bán ròng riêng phiên 2/6 lần lượt là 49 tỷ đồng và 38 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, khối ngoại lại gom DGC. Đây cũng là một trong các nguyên nhân giúp DGC tăng 1,65% trong khi cả hai cổ phiếu phân bón đều điều chỉnh.
Khối ngoại bán ròng hơn 550 tỷ đồng trên ba sàn. Trước đó, nhóm nhà đầu tư này liên tục mua ròng trong bốn phiên gần đây.