Điểm đáng chú ý trong tuần đó là giao dịch của khối ngoại và khối tự doanh công ty chứng khoán. Khối ngoại tuần qua đã bán ròng 39,16 tỷ đồng trên HOSE, chủ yếu tập trung bán ròng các mã cổ phiếu bluechip có vốn hóa lớn. Trong khi đó, khối tự doanh công ty chứng khoán lại mạnh tay mua vào các mã bluechip, với giá trị mua ròng cả tuần là 150,59 tỷ đồng.
Mặc dù động thái gom hàng đón sóng kết quả kinh doanh của nhà đầu tư đã diễn ra từ cuối tháng 6, nhưng phải đến tuần qua, các doanh nghiệp mới lần lượt công bố kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm 2014 do báo cáo phải được kiểm toán tra soát.
Trước thông tin tích cực từ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, kỳ vọng của nhà đầu tư đã giúp thị trường tăng điểm, đặc biệt là đối với các mã bluechip. Tuy nhiên, với nhà đầu tư đã gom hàng trong giai đoạn thị trường sụt giảm, thông tin tốt tung ra cũng là lúc họ xả hàng, kéo thị trường đi xuống. Tuy nhiên, 2 phiên giao dịch ngày 15 và 16/7, lực cầu bắt đáy đã kịp thời giúp VN-Index giữ được mức tăng nhẹ, thanh khoản 2 phiên này cũng đạt trên 2.000 tỷ đồng.
Bên cạnh các thông tin tích cực hỗ trợ thị trường, tin đồn cũng đã giúp thị trường có được phiên giao dịch sôi động cuối tuần qua, với thanh khoản đạt kỷ lục cao nhất tuần với 3.083,48 tỷ đồng. Tin đồn Apple dự định thâu tóm FPT cũng đã giúp cổ phiếu FPT có phiên tăng trần sau 2 phiên giảm điểm trước đó và truyền cảm hứng cho cả thị trường. Tuy nhiên, ông Bùi Quang Ngọc, Tổng Giám đốc FPT mới đây đã khẳng định trên một tờ báo công nghệ rằng đây chỉ là tin vịt.
Tuần qua, VN-Index tăng 13,49 điểm (+2,31%) lên mức 596,26 điểm. Tuy khối lượng khớp lệnh giảm 27%, nhưng lại tăng 5% về giá trị. Tính chung cả tuần, giá trị khớp lệnh trên HOSE đạt 8.159 tỷ đồng, giá trị thỏa thuận đạt 916 tỷ đồng.
Như vậy, ngưỡng kháng cự 592 - 594 đã bị phá trong phiên cuối tuần 18/7. Theo nhận định của Công ty chứng khoán BSC, thị trường nhiều khả năng sẽ tiến tới ngưỡng kháng cự tiếp theo tại 600 điểm. Đây cũng chính là vùng đỉnh của thị trường trước khi xảy ra sự kiện biển Đông.
Diễn biến VN-Index tuần qua |
Trên sàn HOSE, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khá mạnh trong 4 phiên đầu tuần, điển hình là các mã VIC (38 tỷ đồng), GAS (32 tỷ đồng), HAG (23 tỷ đồng), PVD (23 tỷ đồng) và mua ròng mạnh các mã HT1 (19 tỷ đồng), PPC (15 tỷ đồng).
Sự kiện chính thức niêm yết của cổ phiếu CTCP Đầu tư Thế giới Di Động (mã MWG - HOSE) cũng là điểm nhấn của tuần qua. Mặc dù gần sát ngày niêm yết, giá tham chiếu của MWG đã được giảm từ 85.000 đồng/cổ phiếu như kế hoạch ban đầu xuống còn 68.000 đồng/cổ phiếu, nhưng phiên giao dịch đầu tiên (14/7) đã chứng kiến cổ phiếu MWG tăng kịch biên (+19,9%) lên 81.500 đồng/cổ phiếu. Chốt phiên cuối tuần, MWG đứng tại mốc 106.000 đồng/cổ phiếu (+38.000 đồng) với 5 phiên tăng trần, tạo thành một đường chéo thẳng tắp trên đồ thị biểu diễn giá. Tuy nhiên, thanh khoản thấp cùng thông tin việc niêm yết của MWG không phải để huy động vốn mà để các cổ đông hiện hữu thoái vốn khiến nhà đầu tư dè chừng do lo sợ chiêu đẩy giá để cổ đông thoái vốn ở giá cao ngất ngưởng.
Top 10 cổ phiếu có tỷ lệ tăng, giảm nhiều nhất trên HOSE |
Trong Top 10 cổ phiếu có tỷ lệ tăng nhiều nhất trên HOSE, LGC có tỷ lệ tăng cao nhất (+29,3%), với giá trị tăng đạt 6.300 đồng/cổ phiếu. Mã này tuần qua tăng điểm cả 5 phiên, trong đó có 3 phiên tăng trần. Tính chung, LGC đã có 7 phiên tăng điểm liên tiếp, đưa giá cổ phiếu LGC từ 19.700 đồng/cổ phiếu (chốt phiên 9/7) lên 27.800 đồng. Tuy nhiên, thanh khoản cổ phiếu LGC rất thấp, có những phiên chỉ có 10 cổ phiếu được khớp lệnh. Theo Nghị quyết HĐQT tổ chức ĐHĐCĐ bất thường 2014 của Điện Lữ Gia, HĐQT sẽ trình Đại hội tổ chức ngày 21/7 kế hoạch phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu. Cuối tuần qua, Điện Lữ Gia đã công bố kết quả kinh doanh quý II với lãi sau thuế tăng đột biến so với cùng kỳ, đạt 5,67 tỷ đồng.
HLA tuần qua cũng có mức tăng khá, đạt 24% với 5 phiên tăng trần, thanh khoản 2 phiên cuối tuần đạt 1,6 - 1,9 triệu đơn vị. Ngày 1/7, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh đã có quyết định số 249/QĐ-SGDHCM về việc đưa cổ phiếu HLA vào diện kiểm soát và ngừng giao dịch kể từ ngày 08/07/2014. Đến ngày 9/7, thông báo số 699/TB-SGDHCM cho phép HLA được giao dịch trở lại dưới dạng chứng khoán bị kiểm soát từ ngày 11/7.
SKG là cổ phiếu mới niêm yết trên HOSE từ 8/7, nhưng trong tuần cũng đã có mức tăng 12,9%. Tuy nhiên, cổ phiếu này tuần qua có 1 phiên giảm, 4 phiên tăng trong đó có 1 phiên tăng trần, hạ nhiệt so với tuần trước đó với 4 phiên tăng trần liên tiếp.
Mặc dù trong nằm trong danh sách trên, nhưng tuần qua, cổ phiếu DRC của Cao su Đà Nẵng cũng có mức tăng khá +10,8%, tương đương giá trị +5.500 đồng/cổ phiếu. Các cổ phiếu cao su gồm DRC, CSM, SRC cũng góp phần hỗ trợ đà tăng cho phiên đầu tuần (14/7) nhờ kết quả kinh doanh khả quan.
Trong các mã giảm giá, DRH tuần qua đã có 3 phiên đứng giá, 2 phiên giảm giá, kéo DRH về mức 4.100 đồng/cổ phiếu. Đầu tháng 7, DRH từng công bố tham vọng phát hành thêm cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Thông tin này đã tạo sóng giúp DRH tăng từ 3.600 lên tới 4.700 đồng/cổ phiếu.
Không có được mức tăng khá như VN-Index, nhưng HNX-Index tuần qua cũng đã tăng 2,52 điểm (+3,21%) lên 81,14 điểm. Cũng giống sàn HOSE, khối lượng khớp lệnh trên HNX giảm 11% nhưng giá trị lại tăng nhẹ 2% so với tuần trước, đạt 2.759 tỷ đồng, khối lượng khớp lệnh đạt 123 tỷ đồng.
Diễn biến HNX-Index tuần qua |
Trong tuần, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh các cổ phiếu PVS (45,2 tỷ đồng), DBC (14,4 tỷ đồng), VND (9,4 tỷ đồng) và bán ròng mạnh KLS (3,3 tỷ đồng), HNM (2,4 tỷ đồng), giá trị mua ròng đạt 87,18 tỷ đồng.
Top 10 cổ phiếu có tỷ lệ tăng, giảm nhiều nhất trên HNX |
Tuần qua, PVE có mức tăng tốt (+28,2%) nhờ 5 phiên tăng điểm, trong đó có 2 phiên tăng trần cuối tuần, thanh khoản tốt với khối lượng khớp lệnh tăng đột biến, trên 500 nghìn đơn vị. Trong tuần, PVE không có thông tin hỗ trợ.
Không nằm trong danh sách trên, nhưng cổ phiếu PVS của CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí PTSC tuần qua cũng có mức tăng tốt (+15,8%), tương đương giá trị tăng 4.700 đồng/cổ phiếu. Đây là mã tăng tốt và được khối ngoại mạnh tay mua vào trong thời gian qua, nhờ dự báo kết quả kinh doanh quý II rất tích cực và thông tin chia cổ tức 12%.
Nhận định thị trường tuần từ 21/7 đến 25/7:
Xem xét chốt lời tại những cổ phiếu đã có lợi nhuận khá
CTCK BSC
Chúng tôi nhận thấy, mặc dù áp lực chốt lãi mạnh xuất hiện ở một số thời điểm trong các phiên gần đây nhưng đó chưa phải là yếu tố ảnh hưởng đến xu hướng. Những mã có cơ bản tốt nhưng chưa tăng giá nhiều và dòng midcap nhiều khả năng sẽ là tâm điểm cho tuần tới. Nhà đầu tư ưa rủi ro có thể giải ngân vào những mã có thông tin tích cực và chưa tăng quá cao, đồng thời xem xét chốt lời tại những cổ phiếu đã có lợi nhuận khá.
Tranh thủ các phiên thị trường điều chỉnh để mua vào các cổ phiếu cơ bản tốt
CTCK FPTS
Có thể nhận thấy trong ngắn hạn thị trường tăng trưởng khá vững thanh khoản liên tiếp được cải thiện, do vậy chúng tôi nhận định thị trường sẽ tiếp tục xu thế tích lũy và tăng nhẹ. Đối với nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu cơ bản tốt nên tránh lướt sóng để đạt tỷ suất lợi nhuận cao, đối với nhà đầu tư lướt sóng chưa nắm giữ cổ phiếu nên tranh thủ các phiên thị trường điều chỉnh để mua vào các cổ phiếu cơ bản tốt. Nhà đầu tư lướt sóng chịu được rủi ro có thể mua vào các mã cổ phiếu penny đã có thời gian điều chỉnh dài và chưa tăng. Nhà đầu tư dài hạn có thể tiếp tục mua vào các mã cơ bản tốt với kết quả kinh doanh khả quan trong quý II.
Khuyến nghị giải ngân vào những cổ phiếu bluechips đang bị định giá thấp
CTCK MSBS
Theo nhận định của chúng tôi, thị trường chứng khoán phiên giao dịch ngày thứ Hai vẫn sẽ tăng điểm. Chúng tôi cho rằng kịch bản chỉ số VN-Index có thể tăng chạm tới mốc 600 là tương đối chắc chắn. Với diễn biến thị trường hiện tại, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên giải ngân vào những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, bluechip đang bị định giá thấp. Những cố phiếu nên quan tâm trong tuần giao dịch tới: HAG, FCN, PXS, CII…
Nhiều khả năng VN-Index sẽ test lại ngưỡng cản tâm lý 600 và đỉnh 610 trong tuần tới
CTCK SHS
Thông tin về việc Chủ tịch WB Jim Yong Kim đến Việt Nam nhằm củng cố quan hệ đối tác đồng thời trực tiếp ký kết các hiệp định với Việt Nam và cam kết tài trợ cho Việt Nam gần 4 tỷ USD nguồn vốn IDA trong thời gian từ 2014 - 2017, giữ Việt Nam ở vị trí quốc gia được phân bổ nguồn vốn IDA lớn thứ 2 trong kỳ IDA 17 nhiều khả năng sẽ tạo hiệu ứng tâm lý tích cực lên thị trường trong tuần tới trong bối cảnh khoảng trống về việc thiếu các thông tin vĩ mô hỗ trợ vẫn chưa được lấp đầy. Nhiều khả năng trong tuần tới VN-Index sẽ test lại ngưỡng cản tâm lý 600 và đỉnh 610 của năm nay. Do vậy tâm lý chốt lời các cổ phiếu có sức tăng khá trong tuần trước nhiều khả năng sẽ tạo hiệu ứng điều chỉnh trên 2 sàn.
Chúng tôi cho rằng trong thời gian tới động thái của FED về lãi suất và những bất ổn tại Ukraina sẽ có những tác động đến dòng vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Do vậy nhà đầu tư cần tiếp tục theo dõi động thái giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới để đưa ra các quyết định phù hợp.
Kỳ Thành