Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn: "Trong tình huống này, không ai tin hành động đó là "nựng" con trẻ nữa".
- Vừa là một đại biểu Quốc hội của TP Đà Nẵng, vừa là một công dân của “thành phố đáng sống”, ông suy nghĩ gì về thông tin vụ nguyên Viện phó VKSND Đà Nẵng có những hành vi thiếu chuẩn mực với bé gái trong thang máy tại một chung cư ở TPHCM đang gây bức xúc dư luận những ngày qua?
- Người dân Đà Nẵng chắc chắn không ai đồng ý câu chuyện đó, nếu không nói là chúng tôi đang rất buồn với việc này. Gần đây, Đà Nẵng đã xảy ra rất nhiều việc rồi, anh em đang căng sức ra để xử lý mà giờ lại phát sinh thêm sự việc này nữa, việc không hay ho gì, không ai vui vẻ gì.
Không cần hỏi thì cũng biết tâm trạng mỗi chúng tôi nặng nề như thế nào. Không ai mong muốn và không ai nghĩ lại xảy ra chuyện như thế.
- Như ông nói, việc “đáng tiếc” đã xảy ra. Dù “người trong cuộc” có giải thích rằng việc xô vào ôm ấp bé gái khi một mình đứng cùng cháu trong thang máy khiến cháu bé phát hoảng, bỏ chạy chỉ là hành động “nựng” nhưng dư luận rõ ràng thấy không thuyết phục. Hẳn là ông cũng lăn tăn với giải trình của vị cựu Viện phó VKSND Đà Nẵng?
- Tôi không thể bình luận được gì. Đó là trả lời của người trong cuộc và mỗi một người dân tiếp cận thông tin đều có cách nhìn và đánh giá riêng. Ngay trong dư luận và trên mạng cũng thể hiện rất nhiều cách đánh giá khác nhau.
Nhưng đúng là trong tình huống này, không ai tin hành động đó là "nựng" con trẻ nữa. Chúng ta tin là tin vào kết luận của cơ quan chức năng vì họ có trách nhiệm làm sáng tỏ việc này. Đó là cơ sở để giải quyết, xử lý vụ việc.
- Vậy hướng xem xét tiếp theo đối với vụ việc này có thể thế nào, thưa ông? Lại phạt hành chính 200.000 đồng như vụ người đàn ông “cưỡng hôn” thiếu nữ trong thang máy xảy ra tại Hà Nội ít ngày trước?
- Chúng ta hãy bình tĩnh, bởi để xác định tính chất sự việc đã diễn ra, các cơ quan pháp luật phải làm từng bước. Nếu các cơ quan chức năng không vào cuộc thì chúng ta phê phán là chậm còn trong vụ việc này, ngay lập tức, các cơ quan đã vào cuộc, hãy để cho những người có trách nhiệm làm. Pháp luật quy định họ có trách nhiệm, quyền hạn để đưa ra kết luận cuối cùng.
Dù đến thời điểm hiện tại đã xác định được chủ thể, con người cụ thể rồi nhưng hành vi cụ thể là gì, vi phạm quy định gì, xâm hại khách thể nào… thì phải chờ các cơ quan làm rõ.
Cơ quan chức năng cần xác định lại hành vi đó (ông cựu Phó Viện trưởng VKSND Đà Nẵng ôm, “nựng” bé gái trong thang máy - PV) là gì, khách thể bị xâm hại là đối tượng nào... Khi xác định chính xác những điều đó mới có thể áp dụng pháp luật.
- Người dính “nghi án” là công dân Đà Nẵng, hiện vẫn cư trú tại Đà Nẵng, lại từng đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo tại một cơ quan bảo vệ pháp luật của thành phố. Đà Nẵng nên chăng cần chủ động tham gia xử lý vụ việc, thưa ông?
- Để xác định sự việc đó như thế nào và tính hướng xử lý thì cơ quan điều tra đang làm. Có người đề cập đây là trách nhiệm của Đà Nẵng. Vấn đề này chỉ phát sinh nếu cơ quan điều tra xác định, hành vi của ông L. là tội phạm hình sự. Khi đó, căn cứ quy định về chức năng quyền hạn và thẩm quyền của từng cơ quan, mỗi chủ thể sẽ có hành động phù hợp.
Hiện cơ quan điều tra của Công an Đà Nẵng cũng chỉ là cơ quan phối hợp, còn “chủ công” trong việc này là công an TPHCM. Các cơ quan của chính quyền, đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cũng đang tiếp tục theo dõi diễn biến vụ việc, chúng ta cũng dõi theo để giám sát.
- Rõ ràng là dư luận có cớ để bất bình, sốt ruột vì “chủ thể” của vụ việc này là người đã từng làm trong cơ quan tố tụng, am hiểu về pháp luật mà lại hành động như vậy?
- Nguyên tắc là dù người này là ai thì vẫn tuỳ thuộc vào bản chất sự việc, cơ quan chức năng sẽ xem xét trách nhiệm. Trách nhiệm chứng minh thuộc về cơ quan điều tra, không phụ thuộc vào thái độ của gia đình em bé. Trách nhiệm bảo vệ trẻ em là của toàn xã hội. Nếu gia đình cháu bé không cộng tác, cản trở việc xác minh vụ việc thì coi chừng cũng bị xử lý.
Còn nếu các cơ quan pháp luật kết luận ông ấy sai thì rõ ràng vụ việc này phải được đánh giá ở một góc nhìn khác chứ không phải chỉ như việc với người dân bình thường.
- Xin cảm ơn đại biểu!
“Anh từng giám sát các cơ quan thực thi pháp luật, truy tố những hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi dâm ô, hiếp dâm trẻ em, lại có hành vi như vậy thì cần phải lên án”- vị ĐBQH tỉnh Đồng Tháp gay gắt.
“Tôi cho rằng đây là hành vi, nói là “thú tính” thì hơi quá, nhưng không thể nào chấp nhận được, khi nạn nhân là một trẻ em rất nhỏ như thế. Cần có sự xử lý nghiêm minh để làm gương, để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho trẻ em. Trước đó vừa có vụ sàm sỡ trong thang máy, giờ lại có vụ này, mà tôi cho rằng vụ này tính chất mức độ nghiêm trọng hơn”- ông Hoà chia sẻ.
Ông Hoà cũng đề nghị cơ quan pháp luật phải vào cuộc, truy cho tới tận cội nguồn vấn đề. Đặc biệt, đây là đối tượng am hiểu pháp luật thì càng phải xử lý hết sức nghiêm minh, để phòng ngừa, răn đe những đối tượng khác.
“Tôi nghĩ rằng, cơ quan điều tra, bảo vệ pháp luật phải vào cuộc chứng minh làm rõ, trả lời với công luận. Nếu chứng minh không được cũng phải trả lời với báo chí, với công luận”- vị Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật nói. Ông Hoà cũng bình luận thêm: “Quy định của chúng ta hiện không nghiêm, nên sau vụ phạt 200 ngàn đồng vì "cưỡng hôn" trong thang máy vừa qua, có người nói mang trong người một triệu để được hôn 5-6 lần”.
Trao đổi về những vướng mắc trong việc xử lý những hành vi sàm sỡ, Phó Trưởng đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng cho rằng, việc xử phạt vụ “cưỡng hôn” trong thang máy tại Hà Nội vừa qua chỉ bị phạt 200 ngàn đồng thể hiện điểm “khiếm khuyết” của pháp luật. Pháp luật như vậy không đủ sức răn đe và cần phải sửa.