Tài chính - Chứng khoán
Không chia cổ tức, doanh nghiệp toan tính gì?
Kỳ Thành - 16/04/2015 08:35
Ngoài nguồn vốn huy động qua các kênh tài chính, nhiều doanh nghiệp niêm yết còn tận dụng nguồn vốn bằng cách không chia cổ tức cho cổ đông, giữ lại lợi nhuận để toan tính chiến lược đầu tư mới.

Ngày 24/4/2015, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (PTL) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2015. Theo tài liệu họp mới được PTL công bố, đáng chú ý là kế hoạch lợi nhuận 0 đồng năm 2015, đồng nghĩa với việc PTL lờ đi vấn đề chia cổ tức. Đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp, PTL không chia cổ tức cho cổ đông.

Việc không chia cổ tức năm 2014 sẽ giúp FCM tăng vốn mà không phải chịu áp lực lãi suất

 

Khoản cổ tức gần nhất mà PTL chia cho cổ đông là cổ tức năm 2011 (tỷ lệ 4%), nhưng cũng đã nhiều lần bị trì hoãn và chia làm 2 đợt thanh toán, mỗi đợt 2% vào ngày 19/12/2014 và 19/6/2015.

Cũng giống như kế hoạch năm 2015, PTL từng đặt kế hoạch lợi nhuận 0 đồng trong năm 2014, nhưng nhờ ghi nhận vào thu nhập khác khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng của các bên thi công với số tiền 47,2 tỷ đồng, PTL có lãi 2,15 tỷ đồng và giúp cổ phiếu PTL thoát án hủy niêm yết sau 2 năm báo lỗ trước đó.

Năm 2015, PTL lên kế hoạch doanh thu 500 tỷ đồng, tăng 101% so với năm 2014. Tổng giá trị đầu tư năm 2015 theo kế hoạch là 165,85 tỷ đồng, tăng 47% so với thực hiện năm 2014. Năm dự án trọng tâm sẽ được PTL tập trung là Tòa nhà Petroland Tower, Chung cư Petroland quận 2, Chung cư Mỹ Phú, Dự án Khu đô thị mới Dầu khí Vũng Tàu, Dự án Chung cư Thăng Long. Riêng Dự án Sân golf và biệt thự sinh thái Cam Ranh và Dự án Tương Bình Hiệp - Bình Dương, PTL sẽ chuyển nhượng phần vốn góp của mình.

Cổ tức cũng là một chủ đề nóng tại ĐHĐCĐ Công ty cổ phần Khoáng sản Fecon (FCM). Năm 2014, FCM lãi gần 26,88 tỷ đồng, nhưng không trả cổ tức. Năm 2015, FCM đặt mục tiêu doanh thu 600 tỷ đồng (tăng 23,5% so với thực hiện năm 2014), lãi 40 tỷ đồng (tăng 49% so với năm 2014), mức chia cổ tức 5%. Mặc dù các cổ đông đề nghị FCM xem xét phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu để làm vừa lòng các cổ đông, nhưng Ban lãnh đạo FCM vẫn kiên định với quyết định trên.

Theo ông Hà Thế Phương, Chủ tịch HĐQT FCM, việc FCM không chia cổ tức năm 2014 sẽ giúp Công ty tăng vốn mà không phải chịu áp lực lãi suất, tăng tính cạnh tranh của FCM so với các đối thủ cùng ngành. Ông Phương cho biết, năm 2015, FCM dự kiến đầu tư vào việc cải tạo, nâng cấp mua sắm thiết bị máy móc phục vụ sản xuất nhà máy khoảng 150 tỷ đồng, đầu tư mỏ đá khoảng 40 tỷ đồng.

“Tiềm năng về lĩnh vực khai thác khoáng sản năm 2015 của Công ty dự kiến khoảng 90 - 100 tỷ đồng”, ông Hà Thế Lộng, thành viên HĐQT FCM nhận định.

Để thực hiện kế hoạch này, ngoài việc sử dụng lợi nhuận để lại từ việc không chia cổ tức, FCM cũng dự kiến phát hành 20 triệu cổ phần cho đối tác chiến lược để tăng vốn điều lệ lên 610 tỷ đồng. Mặc dù không chia sẻ thông tin về đối tác chiến lược, nhưng ông Lộng bật mí, giống như xu hướng của các công ty hoạt động trong ngành kỹ thuật, FCM sẽ lựa chọn nhà đầu tư chiến lược là đối tác cũng hoạt động trong cùng lĩnh vực đến từ Nhật Bản.

Vấn đề nóng tại ĐHĐCĐ thường niên 2015 Công ty cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm (NTL) cũng là việc không chia cổ tức năm 2014.

Giải thích về việc trên, ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch HĐQT NTL chia sẻ, hầu hết lượng tiền của Công ty đã được dồn vào những dự án bất động sản đang triển khai, do vậy tình hình tài chính của NTL đang khó khăn.

Ông Kha cho biết, kế hoạch kinh doanh năm 2015 của NTL tính toán dựa trên 2 dự án ghi nhận doanh thu trong năm 2015 là Tòa nhà N04-B1 (Dự án Dịch Vọng) và Dự án Nhà ở xã hội X2. Trong đó chủ yếu là dự án N04-B1, dự kiến mang lại gần 120 tỷ đồng lợi nhuận nếu bàn giao thành công.

Năm 2015, NTL đặt mục tiêu doanh thu 350 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ kinh doanh bất động sản là 340 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt 120 tỷ đồng. NTL cũng dự kiến chia cổ tức năm 2015 cho cổ đông với tỷ lệ 10%.  Năm 2015, NTL dự kiến hoàn thành hạ tầng cơ bản Dự án Quốc lộ 32, tiếp tục thu tiền 86 căn của Dự án Bắc Quốc lộ 32...

Dù vấn đề chia cổ tức liên tục làm nóng các ĐHĐCĐ, nhưng hầu hết các đại hội vẫn thông qua kế hoạch không chia cổ tức với tỷ lệ nhất trí cao. Điều này không chỉ bởi các DN này có nhiều cổ đông lớn chi phối, mà còn bởi với những kế hoạch kinh doanh triển vọng cùng nền kinh tế có nhiều dấu hiệu lạc quan, có lẽ các cổ đông cũng kỳ vọng vào những đợt chia cổ tức với tỷ lệ cao trong năm 2015.

Tin liên quan
Tin khác