Ảnh minh họa của Duy Linh. |
Cho vay đặc biệt không có tài sản đảm bảo, theo Chính phủ, không thể tránh khỏi bất lợi song vẫn cần thiết để hạn chế các tổn thất nghiêm trọng hơn về mặt kinh tế, chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Chính phủ giải thích như trên tại văn bản tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi (dự thảo).
Theo nghị trình Kỳ họp thứ năm của Quốc hội, dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ được trình vào sáng 5/6.
Một trong nội dung đáng chú ý của lần sửa đổi này là Dự thảo cho phép sử dụng cho vay đặc biệt ngay từ bước can thiệp sớm, đồng thời mở rộng thêm một số khái niệm như cho vay không có tài sản bảo đảm, chỉ định cho vay đặc biệt; ấn định lãi suất cho vay đặc biệt là 0%/năm và cơ chế hỗ trợ cho tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay đặc biệt.
Thẩm tra sơ bộ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ việc cho vay đặc biệt không có tài sản bảo đảm ảnh hưởng thế nào đến khả năng thu hồi khoản vay đặc biệt.
Nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc việc bổ sung quy định khoản vay đặc biệt không có tài sản bảo đảm do về nguyên tắc các tổ chức tín dụng phải bảo đảm khả năng thanh toán, nếu không có bảo đảm sẽ không có tính cảnh báo, răn đe các ngân hàng thực hiện nghiêm túc điều kiện đảm bảo khả năng thanh toán do biết có thể được vay đặc biệt dẫn đến hệ lụy rủi ro cho người cho vay và khách hàng; đồng thời, đề nghị làm rõ trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước và các bên liên quan trong trường hợp không thu hồi được khoản vay đặc biệt.
Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ cơ sở, sự cần thiết, đánh giá tác động kỹ lưỡng đối với việc sửa đổi quy định về lãi suất cho vay đặc biệt từ “đến mức 0%” thành “là 0%” như quy định tại dự thảo (tránh việc ấn định cùng một mức lãi suất ưu đãi tối đa cho từng TCTD có thực trạng và vấn đề xử lý khác nhau); làm rõ cơ sở đề xuất biện pháp chỉ định cho vay đặc biệt, sự cần thiết của việc hỗ trợ các TCTD cho vay đặc biệt cũng như được chỉ định cho vay đặc biệt; đánh giá tác động của việc cho vay đặc biệt đối với chính các TCTD được chỉ định này.
Trong trường hợp chỉ định một số TCTD cho vay đặc biệt thì cần làm rõ căn cứ Ngân hàng Nhà nước lựa chọn TCTD để chỉ định cho vay đặc biệt cũng như căn cứ phân bổ số tiền cho vay đặc biệt đối với mỗi TCTD cho vay đặc biệt. Việc chỉ định TCTD cho vay đặc biệt với lãi suất 0% như quy định tại Điều này có mâu thuẫn với quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh của TCTD quy định dự thảo không?
Thực tế đã phải cho vay đặc biệt không có tài sản đảm bảo
Tại văn bản giải trình, Chính phủ cho rằng, Ngân hàng nhà nước với nhiệm vụ bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các TCTD, cần thiết cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản đối với TCTD có nguy cơ/mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống.
Trên thực tế, có trường hợp TCTD có đủ tài sản bảo đảm (TSBĐ) cho khoản vay đặc biệt, nhưng cũng đã có trường hợp/giai đoạn cấp bách, tài sản của TCTD rất hạn chế, không đáp ứng yêu cầu TSBĐ khoản vay đặc biệt theo quy định, NHNN đã phải cho vay đặc biệt không có TSBĐ.
Đối với trường hợp thực tế gần đây, TCTD bị rút tiền hàng loạt và không đủ TSBĐ, nếu Ngân hàng nhà nước không cho vay đặc biệt để chi trả cho người gửi tiền thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền, tình trạng rút tiền lan truyền cả hệ thống, dẫn đến nguy cơ mất an toàn hệ thống TCTD, kéo theo sự bất ổn của kinh tế, chính trị, xã hội.
Việc cho vay đặc biệt không có TSBĐ, theo Chính phủ, không thể tránh khỏi bất lợi về khả năng thu hồi khoản vay, tuy nhiên, trong điều kiện nguồn lực của Bảo hiểm tiền gửi và NSNN còn hạn chế, việc cho phép TCTD phá sản là không dễ dàng (cần cân nhắc đến hệ lụy đối với sự ổn định chính trị, xã hội, an ninh, chính trị) thì biện pháp cho vay đặc biệt, kể cả khi phải cho vay không có TSBĐ vẫn cần thiết để hạn chế các tổn thất nghiêm trọng hơn về mặt kinh tế, chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, khoản cho vay đặc biệt chỉ áp dụng đối với một số trường hợp và có quy định về ưu tiên hoàn trả khoản vay đặc biệt .
Quy định rõ lãi suất 0% tạo sự rõ ràng, minh bạch
Hồi âm băn khoăn của cơ quan thẩm tra về lãi suất cho vay 0%, Chính phủ giải thích biện pháp cho vay đặc biệt không chỉ hỗ trợ riêng TCTD vay đặc biệt mà nhằm đáp ứng tốt hơn quyền lợi cho người dân, tổ chức gửi tiền, bảo đảm an toàn hệ thống TCTD, ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, lợi ích của biện pháp cho vay đặc biệt lãi suất 0% cần được xét trên tổng thể, dài hạn về mặt kinh tế, xã hội.
Việc quy định rõ mức lãi suất 0% áp dụng chung đối với khoản cho vay đặc biệt tạo sự rõ ràng, minh bạch trong thực hiện vì thực tế các TCTD phải vay đặc biệt đều gặp các khó khăn như nêu trên, không có cơ sở để phân định từng mức lãi suất đối với từng trường hợp.
Về tác động , theo báo cáo, khi cho vay đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đưa tiền ra lưu thông (không sử dụng nguồn NSNN), tương tự như thực hiện các biện pháp, công cụ tái cấp vốn, nghiệp vụ thị trường mở…, tác động đến thanh khoản, tiền tệ, lạm phát tùy theo diễn biến tiền tệ, thị trường. Cho vay đặc biệt là biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn hệ thống TCTD, ngăn chặn đổ vỡ hàng loạt, góp phần bảo đảm hệ thống thanh toán thông suốt, duy trì ổn định trật tự và an toàn xã hội, qua đó, thị trường tiền tệ, môi trường hoạt động ngân hàng, kinh doanh cũng được ổn định để thực thi chính sách tiền tệ, tài khóa và chính sách kinh tế vĩ mô khác một cách hiệu lực, hiệu quả.
Khi xảy ra trường hợp TCTD có nguy cơ hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, dù do nguyên nhân chủ quan hay khách quan, Chính phủ cần có biện pháp ngăn chặn tình trạng đổ vỡ, mất an toàn hệ thống (đây là thực tế chung các nước, không chỉ có Việt Nam). Trong đó, cho vay đặc biệt là một trong các biện pháp cần thiết được xem xét thực hiện, báo cáo nêu.
Chính phủ cũng cho rằng, đối với việc chỉ định cho vay đặc biệt thì không thể tránh các vướng mắc như ý kiến của Ủy ban Kinh tế. Tuy nhiên biện pháp chỉ định chỉ áp dụng khi đảm bảo an toàn hệ thống, đảm bảo an ninh trật tự xã hội. Đảm bảo an toàn hoạt động cũng chính là đảm bảo an toàn chi chính TCTD đó và các TCTD cũng có trách nhiệm chung trong quá trình đảm bảo an toàn hoạt động TCTD.