Những ngày này trong tủ thuốc của nhiều gia đình xuất hiện nhiều loại vitamin từ riêng lẻ đến các loại vitamin tổng hợp. Cá biệt, có những người ngoài bổ sung vitamin dạng uống còn bổ sung thêm dạng tiêm, truyền nhằm nâng cao sức đề kháng khi giao mùa.
Caption ảnh |
Dù các loại vitamin và khoáng chất, vi chất dinh dưỡng rất cần thiết với sức khoẻ con người. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến cáo, với các đối tượng khác nhau, nhu cầu sử dụng và liều lượng khác nhau, do vậy mỗi người không nên có tâm lý uống càng nhiều càng tốt hay không “bổ ngang cũng bổ dọc”.
Về thói quen lạm dụng vitamin C của người dân, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, trong chế độ ăn hàng ngày có rau xanh và hoa quả đã có thể đủ bổ sung lượng vitamin C cần thiết cho cơ thể. Do đó, nếu muốn bổ sung vitamin C liều cao người dân cần tham khảo ý kiến bác sỹ để sử dụng đúng liều lượng.
“Vitamin C tuy ít tích lũy nhưng dùng liều cao dài ngày có thể tạo sỏi thận oxalat, sỏi thận urat hoặc bệnh gút do thải nhiều urat, giảm độ bền hồng cầu. Liều lượng dùng vitamin C được khuyến cáo từ 0,2 - 0,5g/ngày, không nên uống quá 1g/ngày”, bác sĩ Dũng khuyến cáo.
Vitamin C nếu bị lạm dụng thông qua con đường tiêm tĩnh mạch với liều cao thường xuyên có thể gây ra những tác hại nguy hiểm như sỏi thận, làm toan máu, tiêu chảy hay viêm loét đường tiêu hóa, viêm đường tiết niệu, giảm sức bền hồng cầu, giảm thời gian đông máu.
Cùng với vitamin A C, vitamin D có vai trò rất lớn với sức khoẻ con người song nếu lạm dụng vitamin D bằng cách uống liều cao mà không theo chỉ định của bác sĩ, chuyên gia y dinh dưỡng sẽ gây ra ngộ độc cho cơ thể, làm tăng hàm lượng canxi trong máu, phát sinh hiện tượng buồn nôn, giảm cân, mệt mỏi, suy thận đọng canxi ở thận, dẫn tới tử vong.
Ở trẻ em thừa vitamin D gây chán ăn, mệt mỏi, nôn ói, xương hóa sụn sớm. Người lớn dùng quá liều lâu ngày cũng bị chán ăn, tiêu chảy. Phụ nữ có thai dùng quá thừa vitamin D sẽ bị vôi hóa nhau thai.
Với bệnh tiểu đường, các chuyên gia của Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho rằng, mỗi người cần lưu ý khi sử dụng vitamin B3. Nhu cầu vitamin B3 hàng ngày của người trưởng thành là từ 15 - 18mg. Nhưng với người bệnh đái tháo đường, nếu dùng vitamin B3 hàng ngày gây tăng cường phân giải glycogen nên làm tăng đường huyết, ảnh hưởng đến sức khoẻ bệnh nhân.
Về tác dụng của vitamin A với sức khoẻ con người, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng cho hay, vitamin A có tác dụng trong tạo sắc tố thị giác, tạo da, niêm mạc, tăng sức đề kháng, chống nhiễm khuẩn. Nhưng khi thừa vitamin A do uống dầu cá hay các chế phẩm đa vitamin và khoáng chất, hay gặp ở trẻ nhỏ do bố mẹ ép uống có thể gây phồng thóp, co giật, tăng áp lực nội sọ.
Ngay cả người lớn và trẻ lớn khi dùng quá nhiều vitamin A cũng gây nên khô da, nứt môi, viêm răng lợi, đau khớp, đau xương, rụng lông tóc…; phụ nữ đang mang thai nếu lạm dụng cũng có thể khiến thai nhi gặp khuyết tật khi sinh.
Với những bệnh nhân mắc bệnh vảy nến nếu dùng vitamin A quá liều thì chất retinoids có trong vitamin A sau khi vào cơ thể sẽ lưu lại trong gan sản xuất độc tố trong cơ thể gây ra chứng viêm kết mạc, rụng tóc, lão hóa da.
Còn những người bị loãng xương, nếu uống vitamin A quá liều thì phốt pho trong máu tăng cao, dễ dẫn đến việc mất canxi xương, tăng nguy cơ loãng xương. Một nghiên cứu về bệnh loét dạ dày cho hay nếu khi bệnh nhân uống thuốc điều trị có bổ sung thêm vitamin A thì sẽ làm giảm tác dụng của thuốc điều trị.
Có thể thấy vitamin là những vi chất dinh dưỡng vô cùng quan trọng đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin phải được chỉ định, tư vấn từ bác sỹ trên cơ sở tình hình sức khỏe của mỗi người, không phải ai cũng giống nhau. Tránh bổ sung vitamin tùy tiện vì vitamin là “con dao hai lưỡi”, bổ sung dư thừa đều có thể gây ngộ độc hoặc gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe con người.