Việc sửa đổi Bộ luật Dân sự đang được kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII bàn thảo và dự kiến thông qua được kỳ vọng giải quyết những bất cập này nhằm tạo điều kiện cho lộ trình tự do hóa lãi suất trong hoạt động ngân hàng, song vẫn tạo ra được hàng rào chống cho vay nặng lãi trong xã hội. Tuy nhiên, việc Dự thảo Bộ luật Dân sự vẫn sử dụng lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) làm cơ sở xác định trần lãi suất vay cho thấy, bất cập vẫn chưa được giải quyết.
Cụ thể, Khoản 1, Điều 476, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do NHNN công bố đối với loại cho vay tương ứng”. Dự thảo Bộ luật Dân sự tiếp tục lấy cơ sở để xác định trần lãi suất vay là lãi suất cơ bản, cụ thể tại khoản 3, Điều 491 quy định: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do NHNN công bố đối với loại vay tương ứng, trừ trường hợp luật có quy định khác”.
Như vậy, điểm thay đổi của Dự thảo Bộ luật Dân sự so với Bộ luật Dân sự năm 2005 chỉ là trần lãi suất vay trong quan hệ dân sự được nâng từ mức 150% lên 200% lãi suất cơ bản do NHNN công bố.
Trước hết, có thể nói, việc lấy lãi suất cơ bản làm cơ sở để xác định trần lãi suất vay trong quan hệ dân sự là không hợp lý. Lý do là, mục đích của quy định này nhằm xác định một trần lãi suất cho vay trong quan hệ dân sự, song việc xác định mức trần lãi suất cho vay lại thông qua một lãi suất khác (lãi suất cơ bản).
Trong khi đó, lãi suất cơ bản theo khái niệm ban đầu (tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997) và theo thông lệ quốc tế là loại lãi suất có tính cơ sở, nền tảng và thường được ngân hàng trung ương sử dụng để điều hành chính sách tiền tệ. Chính vì mục đích để định hướng chính sách tiền tệ, không mang tính thị trường, nên lấy lãi suất cơ bản làm cơ sở để xác định trần lãi suất vay trong quan hệ dân sự (mục đích để chống cho vay nặng lãi) là không phù hợp cả về tính chất và mục tiêu của hai loại lãi suất này và gây khó khăn cho các đối tượng áp dụng.
Cũng chính vì không có mối liên quan về tính chất và mục tiêu của các loại lãi suất này, nên việc nâng trần lãi suất vay trong quan hệ dân sự từ 150% lên 200% lãi suất cơ bản cũng hoàn toàn không có cơ sở và khó có thể khắc phục được những bất cập của trần lãi suất vay hiện nay.
Trên thực tế, lãi suất cơ bản do NHNN công bố thường ở mức tương đối thấp và chỉ điều chỉnh tăng - giảm với biên độ nhỏ nhằm ổn định lãi suất thị trường và kiểm soát lạm phát. Do đó, quy định trần lãi suất vay bằng 150% hay bằng 200% lãi suất cơ bản có thể vẫn quá thấp, không khả thi đối với các hợp đồng cho vay dân sự nói chung, hợp đồng cho vay của các tổ chức tín dụng nói riêng và có thể dẫn đến rất nhiều hợp đồng cho vay vô hiệu do trần lãi suất vay được quy định không hợp lý.
Một bất cập khác, lãi suất cơ bản do NHNN công bố chỉ có một mức, không có các mức khác nhau để áp dụng cho các thời hạn vay khác nhau, do đó quy định tại khoản 3, Điều 491, Dự thảo Bộ luật Dân sự căn cứ vào lãi suất cơ bản do NHNN công bố “đối với loại cho vay tương ứng” cũng không hợp lý và không thể thực hiện được trên thực tế.
Bên cạnh đó, xét về chức năng, nhiệm vụ thì việc giao NHNN công bố lãi suất cơ bản để xác định trần lãi suất vay đối với các hợp đồng vay dân sự cũng là không phù hợp với chức năng quản lý nhà nước của NHNN (NHNN chỉ quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng).
Thời gian qua, vì lãi suất cơ bản được gắn liền với trần lãi suất vay trong quan hệ dân sự, nên dường như lãi suất này ít có ý nghĩa trong điều hành chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, nhân cơ hội sửa đổi Bộ luật Dân sự lần này, cần trả lại khái niệm lãi suất cơ bản theo ý nghĩa và mục đích ban đầu của nó và theo thông lệ quốc tế. Đồng thời, cần tìm một cơ sở khác để xác định trần lãi suất vay trong quan hệ dân sự với mục đích chống cho vay nặng lãi và khắc phục được những bất cập về trần lãi suất vay hiện nay.
Từ những phân tích nêu trên, để góp phần hoàn thiện quy định về trần lãi suất vay tại Dự thảo Bộ luật Dân sự, có đề xuất cho rằng, nên quy định mức trần lãi suất vay cụ thể ngay tại Bộ luật Dân sự (mức lãi suất cụ thể cần được tính toán để phù hợp với tính chất chống cho vay nặng lãi). Quy định như vậy đã được thể hiện tại Bộ luật Dân sự của một số nước.
Việc quy định cụ thể mức lãi suất có thuận lợi là tạo sự minh bạch, các bên tham gia quan hệ dân sự có thể biết ngay mức trần lãi suất vay để điều chỉnh hành vi của mình. Đồng thời, khi giải quyết tranh chấp, khiếu kiện, các cơ quan chức năng cũng có thể dễ dàng xác định được thỏa thuận lãi suất của các bên có vi phạm pháp luật hay không.
Để khắc phục hạn chế khó thay đổi trong điều kiện thị trường có biến động khi quy định cụ thể mức trần lãi suất vay ngay tại Bộ luật Dân sự, Dự thảo Bộ luật Dân sự cũng cần có các quy định nguyên tắc về trường hợp phải điều chỉnh mức trần lãi suất vay và giao một cơ quan thay đổi mức trần lãi suất vay trong trường hợp đó.