Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Phạm Quý Tiêu về tính ưu việt của phương án xây dựng cảng hàng không trung chuyển quốc tế đầu tiên của Việt Nam tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
| ||
Giai đoạn 1, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành có công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm |
Theo ông Tiêu, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (LTIA) là nơi duy nhất tại Việt Nam thỏa mãn các yếu tố về công năng, chi phí đầu tư, sức lan tỏa và khả năng phát triển mở rộng trong tương lai của một cảng trung chuyển hàng không hàng đầu trong khu vực.
Cụ thể, với diện tích trên 1.688 ha trong giai đoạn I có công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, LTIA cách Sân bay quân sự Biên Hòa 32 km, cách Sân bay Tân Sơn Nhất 43 km, có năng lực thiết kế tối đa 100 triệu khách và 5 triệu tấn hàng hóa/năm; đón nhận được loại máy bay A380-800 và tương đương.
“Việc lựa chọn vị trí quy hoạch và xây dựng LTIA đã được ngành hàng không nghiên cứu kỹ lưỡng từ năm 1993, khi Việt Nam triển khai thực hiện Đề án quy hoạch phát triển hệ thống sân bay”, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết.
Theo đề xuất của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – đơn vị lập Báo cáo đầu tư xây dựng công trình, nếu được Quốc hội cho phép đầu tư, LTIA được đưa vào khai thác năm 2022 sẽ đảm nhận 90% chuyến bay quốc tế và 20% chuyến bay quốc nội đi/đến TP.HCM; Sân bay Tân Sơn Nhất về cơ bản được duy trì để phục vụ các đường bay trong nước. Đây là thời điểm mà lượng khách hàng không qua lại khu vực phía Nam đạt 34 triệu lượt khách/năm, trước khi đạt tới con số 45 triệu lượt hành khách vào năm 2030.
“Việc phân chia công năng này vừa giúp Sân bay Tân Sơn Nhất giữ được khả năng hoàn vốn, vừa giải quyết được bài toán giao thông tổng thể cho TP.HCM”, ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam bình luận.
Cần phải nói thêm rằng, ngoài phương án phát triển LTIA, chủ đầu tư đã giao Công ty cổ phần Tư vấn hàng không Nhật Bản (JAC) nghiên cứu thêm hai phương án khác để xem xét, đánh giá gồm: mở rộng, cải tạo Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và mở rộng/cải tạo căn cứ không quân Biên Hòa.
Theo kết quả nghiên cứu của JAC, chi phí xây dựng mới sân bay tại Long Thành giai đoạn I cần đầu tư khoảng 7,817 tỷ USD, trong đó đã bao gồm chi phí thu hồi đất là 730 triệu USD (tái định cư 1.500 hộ dân).
Trong khi đó, nếu mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất, cần tới 9,15 tỷ USD chi phí xây dựng và 16,1 tỷ USD giải phóng mặt bằng.
Đại diện JAC cho biết, để có thể đạt quy mô diện tích tương đương LTIA (5.000 ha), Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ cần lấy thêm khoảng 4.200 ha đất đô thị nữa để xây dựng thêm 1 đường hạ cất cánh, nhà ga và các công trình phụ trợ. Cùng với đó, sẽ có 140.000 hộ dân phải thực hiện tái định cư phục vụ mở rộng sân bay.
Đáng quan ngại là, nếu bám theo phương án mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất, sẽ có thêm khoảng 300.000 dân cư tại TP.HCM chịu ảnh hưởng bởi ô nhiễm tiếng ồn từ các hoạt động cất/hạ cánh.
Theo TS Trần Quang Châu, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học và Công nghệ hàng không, vị trí Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nằm ngay trong trung tâm thành phố là một thực tế hiếm thấy trên thế giới.
“Điều gì sẽ xảy ra khi có máy bay cỡ lớn chở hàng chục tấn xăng dầu hạ hoặc cất cánh không an toàn tại sân bay bị bao vây trong khu vực dày đặc dân? Xét trên mọi khía cạnh, chúng ta không nên lưu luyến với phương án mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất”, ông Châu nói.
Việc biến Sân bay Biên Hòa thành sân bay dân sự cũng không khả thi, dù có chi phí xây dựng tương đương nhưng chi phí giải phóng mặt bằng lên tới 4,6 tỷ USD, bị nhiễm độc dioxin và phải bố trí thêm một căn cứ không quân thay thế. Đó là chưa kể đến việc hệ thống hạ tầng giao thông tiếp cận từ sân bay này về trung tâm TP.HCM (25 km) là tương đối hạn chế.
Trong khi đó, LTIA có hệ thống giao thông tiếp cận thuận lợi hơn. Theo quy hoạch, trong giai đoạn I, LTIA sẽ được kết nối với hệ thống giao thông bên ngoài bằng 3 đường cao tốc: TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Bến Lức - Long Thành và Biên Hòa - Vũng Tàu.
Bên cạnh đó, nếu được triển khai xây dựng, Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ tạo ra được một “thành phố sân bay” hiện đại với khoảng 40.000 nhân viên làm việc và 70.000 người di chuyển xung quanh.
“Bộ GTVT đã trình Hội đồng thẩm định Nhà nước Báo cáo đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Sau khi có kết quả thẩm định, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu trình Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án”, ông Tiêu cho biết.
Anh Minh