Ngân hàng - Bảo hiểm
Không ngại dịch Covid-19: Nhiều ngân hàng lên lịch đại hội cổ đông 2020
Thùy Vinh - 19/02/2020 20:05
Ngay từ đầu tháng 2/2020, các ngân hàng đã lần lượt thông báo về việc chốt danh sách tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2020. Thời gian chốt danh sách cổ đông tham dự đại hội chủ yếu rơi vào tháng 2 và tháng 3. Thời gian tiến hành đại hội cũng rải đều từ tháng 3 và tháng 4/2020.

Sẽ tiến hành trong tháng 3-4/2020

Tính đến nay, đã có 6 ngân hàng chốt danh sách cổ đông để tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 gồm: BIDV, Kienlongbank, Sacombank, Eximbank, ACB, Vietcombank

Cụ thể, BIDV dự kiến tiến hành đại hội cổ đông vào ngày 7/3 tới tại Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV, 773 đường Hồng Hà, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngày đăng ký tham dự đại hội cổ đông cuối cùng theo lịch công bố của BIDV là ngày 17/2.

Vietcombank sẽ tiến hành đại hội cổ đông vào ngày 24/4/2020. Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông tham dự đại hội là 18/3/2020.

Tương tự, Sacombank Ngày 24/4, tại Trung tâm Hội nghị White Palace số 194 Hoàng Văn Thụ, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP HCM. Ngày đăng kí cuối cùng để chốt danh sách cổ đông là 28/2.

Cũng trong tháng 4, ACB dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 vào ngày 7/4/2020 tại khách sạn Sheraton Sài Gòn, 88 Đồng Khởi, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự họp đại hội cổ đông là 6/3.

Ngày 22/4 tới, Eximbank dự kiến tổ chức đại hội cổ đông tại quận Phú Nhuận, TP HCM. Ngày đăng kí cuối cùng để thực hiện quyền tham dự họp là 6/3.

Tuy nhiên, trước khi tiến hành đại hội cổ đông thường niên, Eximbank dự kiến sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường năm 2019 vào ngày 5/3/2020 nhằm bầu bổ sung một thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) vào nhiệm kỳ 2015-2020.

HĐQT Eximbank đã gửi thông báo cho cổ đông về việc ứng cử, đề cử nhân sự dự kiến được bầu bổ sung làm thành viên HĐQT vào ngày 21/12/2019. Ngân hàng nhận hồ sơ của cổ đông, nhóm cổ đông về việc ứng cử, đề cử từ ngày 30/12/2019 đến ngày 13/1/2020.

Ngày 18/2/2020, Eximbank trình hồ sơ cho Ngân hàng Nhà nước xem xét chấp thuận danh sách dự kiến nhân sự được bầu bổ sung làm thành viên HĐQT ngân hàng trước khi tiến hành bầu tại ĐHĐCĐ bất thường.

Cũng trong tháng 3/2020, Kienlongbank dự định tổ chức đại hội tại Thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Ngày chốt danh sách cổ đông tham gia đại hội là 5/3.

Mục tiêu lợi nhuận tham vọng

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2020, Vietcombank cho biết tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2020 dự kiến tăng 15% tương đương khoảng 26.565 tỷ đồng. Tổng tài sản và huy động vốn tăng 12%, tín dụng tăng 14%, nợ xấu dưới 0,8%.

Kế hoạch kinh doanh năm 2020 của BIDV dự kiến trình đại hội, ngân hàng đặt mục tiêu huy động vốn phù hợp với sử dụng vốn, tăng trưởng khoảng 14,5%. Tín dụng tăng trưởng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước khoảng 13%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất kế hoạch 12.600 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát thấp hơn 1,6%...

Kết thúc năm 2019, lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2019 của Sacombank đạt 3.217 tỷ đồng, vượt 21,4% so với kế hoạch đã cam kết tại đại hội đồng cổ đông; tổng tài sản đạt gần 453.600 tỷ đồng, huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt hơn 410.330 tỷ đồng, cho vay khách hàng đạt hơn 296.000 tỷ đồng.

Trong đó, thu dịch vụ có đóng góp đáng kể vào tổng thu nhập thuần năm 2019 của Sacombank, chiếm tỷ trọng 23%, đạt 3.323 tỷ đồng (tăng 23,9% so với năm trước). Tuy nhiên, ngân hàng chưa tiết lộ mục tiêu lợi nhuận 2020

Tại ĐHCĐ thường niên năm 2020, ACB dự kiến trình cổ đông chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 8.700 tỷ đồng, tăng 15% và chia cổ tức tỷ lệ 25% trong năm 2020. ACB dự kiến chia tức 2019 tỷ lệ 30%, trong đó 20% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền.

Năm 2019, ACB lãi trước thuế hợp nhất 7.516 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2018, vượt hơn 3% so với mục tiêu đưa ra cho cả năm. Tổng thu nhập ngân hàng mẹ tăng 15%, trong đó thu nhập lãi thuần ngân hàng mẹ tăng 17% và thu nhập phí thuần tăng 39%.Tăng trưởng tín dụng ACB năm 2019 ở mức 16,8%.

ACB cũng đã tất toán trái phiếu VAMC trước năm 2017 và từng bước xử lý. Trước khi mua nợ xấu VAMC về, ACB đã xử lý một số nợ xấu và tiếp tục xử lý sau đó.

Eximbank đặt kế hoạch tổng tài sản đạt 190.000 tỷ đồng, huy động vốn đạt 161.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng dự kiến đạt 127.345 tỷ đồng. Cùng với đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 1,8%, lợi nhuận trước thuế và trước trích lập dự phòng tất toán trái phiếu VAMC là 2.400 tỷ đồng.

Còn tại Kienlongbank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2020 là 750 tỷ đồng và sẽ trình Đại hội đồng cổ đông xem xét thông qua trong kỳ họp thường niên năm 2020, tạo nền tảng vững chắc để Kienlongbank tiếp tục phát triển an toàn và hiệu quả trong thời gian sắp tới.

Về kết quả kinh doanh năm 2019, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Kienlongbank đạt 86 tỷ đồng, giảm 204 tỷ đồng, tương đương giảm 70,38% so với năm 2018.

Theo giải thích của Ban lãnh đạo Kienlongbank, nguyên nhân chủ yếu làm cho lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2019 giảm trong khi tất cả các chỉ tiêu khác đều tăng trưởng cao là do trong tháng 12/2019, Kienlongbank hạch toán giảm các khoản lãi phải thu đã ghi nhận trong các năm trước theo Phương án xử lý nợ được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt đối với các khoản cho vay của nhóm khách hàng có tài sản bảo đảm là cổ phiếu của Sacombank.

Kienlongbank đã đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm của năm 2020, trong đó có kế hoạch xử lý các khoản vay có tài sản bảo đảm là cổ phiếu của Sacombank.Kienlongbank tiếp tục chào bán 176.373.887 cổ phần STB của Sacombank để thu hồi nợ, với giá khởi điểm là 21.600 đồng/cổ phần.

Thời gian bán cổ phần là từ 17/2 - 24/2, nhà đầu tư phải mua tối thiểu là 100.000 cổ phần và tối đa là không hạn chế song phải đáp ứng quy định về giới hạn cổ phần tại Luật Tổ chức tín dụng.

Kienlongbank kỳ vọng việc xử lý số cổ phiếu nói trên trong năm 2020 sẽ giúp ngân hàng hồi phục trở lại với lợi nhuận cả năm dự kiến là 750 tỷ đồng, gấp hơn 8 lần năm 2019.

Tin liên quan
Tin khác