Thời sự
Không phải vì thành tích mà tính lại quy mô GDP
Mạnh Bôn - 10/01/2020 08:59
Trước quan điểm của một số chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cố tình đánh giá lại GDP nhằm “làm đẹp” con số, TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định, không có chuyện vì thành tích mà tính lại quy mô GDP.
TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định, không có chuyện vì thành tích mà tính lại quy mô GDP.

Thưa ông, một số ý kiến cho rằng, Việt Nam đánh giá lại quy mô GDP để “làm đẹp” con số. Ông có bình luận gì?

Trước hết, phải khẳng định, trong quá trình biên soạn chỉ tiêu GDP ở bất cứ quốc gia nào, luôn có những vấn đề phát sinh cần phải rà soát, đánh giá lại cả trong ngắn hạn và trong dài hạn.

Đánh giá lại quy mô GDP trên cơ sở phù hợp với lý luận và các khuyến nghị của hệ thống tài khoản quốc gia nhằm khắc phục những bất cập phát sinh trong quá trình biên soạn trước đây, tiếp tục hoàn thiện phương pháp luận theo khuyến nghị của Hệ thống tài khoản quốc gia 2008 của Liên hợp quốc. Vì vậy, trên thế giới, hầu hết các quốc gia có năng lực thống kê tốt đều tiến hành rà soát, đánh giá lại quy mô GDP thường xuyên và định kỳ như Mỹ, Trung Quốc, Canada, Đức, Nga, Italia, Croatia, Indonesia... chứ không riêng gì Việt Nam.

Với Việt Nam, đây không phải là lần đầu tiên đánh giá lại quy mô GDP, mà chúng ta đã từng thực hiện một lần vào năm 2013 (đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2008 - 2012). Việc đánh giá lại lần này ngoài các lý do nêu trên, còn có lý do là để kịp thời cập nhật hệ thống phân ngành kinh tế 2018 của Việt Nam.

Nhưng việc đánh giá lại rơi vào thời điểm được một số thông tin coi là nhạy cảm, thưa ông?

Việc đánh giá lại quy mô GDP lần này không hề có mối liên hệ nào với các sự kiện lớn sắp diễn ra như đại hội đảng các cấp, chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XIII và bầu cử Quốc hội, bầu cử HĐND các cấp, mà muốn đánh giá lại GDP phải hội tụ nhiều yếu tố.

Cụ thể, thông tin thống kê sử dụng để đánh giá lại quy mô GDP chủ yếu dựa vào tổng điều tra và hồ sơ hành chính của các bộ, ngành, địa phương. Trong giai đoạn 2010 - 2017, Tổng cục Thống kê thực hiện tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011 và năm 2016; tổng điều tra cơ sở kinh tế và hành chính sự nghiệp năm 2012 và tổng điều tra kinh tế năm 2017. Công tác chia sẻ dữ liệu giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cụ thể là Tổng cục Thống kê) với các bộ, ngành ngày càng tốt hơn, bên cạnh nguồn thông tin từ các cuộc điều tra, tổng điều tra, Tổng cục Thống kê đã cập nhật được thông tin đầy đủ hơn từ nguồn dữ liệu hành chính của các bộ, ngành.

GDP là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng. Việc đánh giá lại quy mô GDP nhằm phản ánh xác thực quy mô, năng lực của nền kinh tế, nâng cao vị thế kinh tế của đất nước trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, việc đánh giá đúng quy mô và tốc độ tăng chỉ tiêu GDP của toàn bộ nền kinh tế và GRDP của địa phương có ý nghĩa rất quan trọng, đảm bảo tính đầy đủ về quy mô và so sánh quốc tế. Trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025, việc đánh giá lại GDP vào thời điểm này sẽ giúp đưa ra những định hướng đúng cho phát triển đất nước trong 10 năm tới và cụ thể hóa cho giai đoạn 5 năm 2021 - 2025.

Sau khi đánh giá lại, quy mô GDP của Việt Nam tăng 25,4%, vì thế, một số ý kiến suy diễn rằng, đây là cơ sở để Việt Nam gia tăng vay nợ, khiến nợ công tăng mạnh trong thời gian tới?

Đánh giá lại quy mô GDP dẫn tới thay đổi các chỉ tiêu có liên quan tới GDP, đặc biệt các chỉ tiêu mang tính đòn bẩy của nền kinh tế như tỷ lệ thu, chi ngân sách nhà nước so với GDP; bội chi ngân sách nhà nước; nợ công, nợ chính phủ và nợ nước ngoài... Các chỉ tiêu này thu hút sự quan tâm của các chuyên gia kinh tế và các nhà hoạch định chính sách tài khóa - tiền tệ. Sự thay đổi của các chỉ tiêu đòn bẩy cho thấy khả năng mở rộng hoặc thu hẹp dư địa thu ngân sách, điều chỉnh tỷ lệ thuế, chi tiêu và nợ công. Tuy nhiên, khả năng tác động là thấp vì trong thực tế, thu ngân sách nhà nước được quy định bởi các luật thuế do Quốc hội ban hành.

Nợ công so với GDP của Việt Nam ước vào khoảng 61,3% GDP năm 2019 (tính trên quy mô GDP cũ), thấp hơn nhiều so với Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức... nhưng cao hơn các nước trong khu vực ASEAN (trừ Singapore). Song, nợ công so với GDP của Việt Nam có xu hướng giảm trong những năm gần đây và luôn thấp hơn mức trần nợ công Quốc hội cho phép là 65% GDP. Mức độ nợ công của mỗi quốc gia phụ thuộc lớn vào khả năng trả nợ và các văn bản pháp luật quy định liên quan, chứ không đơn giản là quy mô GDP.

Như vậy, có thể khẳng định, không có bất cứ động cơ gì khi xác định lại quy mô GDP, thưa ông?

Tôi xin nhắc lại phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết Tổng cục Thống kê được tổ chức đầu tuần này, đó là phải có số liệu thống kê chính xác mới hoạch định được đường lối, chính sách phát triển trên cơ sở khoa học. Chỉ có số liệu thống kê chính xác thì đường lối, chính sách mới đi vào cuộc sống, nếu không có số liệu chính xác, cập nhật liên tục thì chính sách của Chính phủ sẽ chệch hướng, không thể huy động được nguồn lực từ xã hội.

Thủ tướng nhấn mạnh, đánh giá lại quy mô GDP là thực hiện theo thông lệ quốc tế, các nước họ cũng đánh giá lại GDP vì sau 5 - 10 năm nền kinh tế có sự thay đổi. GDP sau khi đánh giá lại tăng thêm 25,4%, Thủ tướng chỉ ra, đây là những cái chúng ta bỏ sót, thực tế đã có trong nền kinh tế nhưng chưa thống kê được, bây giờ chúng ta cập nhật, đó là doanh nghiệp công an, quân đội, hay một số lĩnh vực chúng ta chưa thống kê hết.

Tin liên quan
Tin khác