Đầu tư
Không thể chậm trễ
Hà Quang - 01/07/2015 08:42
Từ hôm nay (1/7/2015), một loạt luật quan trọng như Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam... có hiệu lực. Đây là những luật được kỳ vọng sẽ tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và toàn bộ nền kinh tế.

Đơn cử, khi Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) có hiệu lực, công việc khởi sự kinh doanh sẽ giảm từ 10 thủ tục xuống còn 5 thủ tục, thời gian gia nhập thị trường giảm từ 34 ngày xuống 17 ngày, trong đó thời gian đăng ký kinh doanh còn 3 ngày. Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cũng đổi mới đáng kể việc bảo vệ nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư thiểu số theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Việc ban hành và sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật, đơn giản hóa thủ tục hành chính về thuế còn góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Theo đó, số giờ nộp thuế dự kiến giảm được 380 giờ. Quy trình nộp bảo hiểm xã hội được rút gọn, thời gian nộp bảo hiểm xã hội giảm được 100 giờ…

 

Mặc dù chuyển động tích cực trong những tháng đầu năm, nhưng việc cải cách thể chế vẫn còn khoảng cách nhất định so với yêu cầu thực tế. Cụ thể, đến thời điểm này, dù đã có hiệu lực thi hành nhưng hầu hết các luật còn “nợ” Nghị định quy định chi tiết các điều khoản thi hành – điều kiện thiết yếu để doanh nghiệp, nhà đầu tư chủ động khi ra quyết định đầu tư, kinh doanh.

Sự chậm trễ trong cải cách thể chế của các bộ, ngành được người đứng đầu Chính phủ đề cập tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2015. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ sự không hài lòng khi có nhiều bộ, ngành, địa phương không có chương trình hành động cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ - CP (ban hành tháng 3/2015).

Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, tính đến ngày 19/6/2015, mới chỉ có 12 bộ và cơ quan, 12 UBND các tỉnh, thành phố có kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19. Vẫn còn 13 bộ, cơ quan và 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa có kế hoạch hành động. Đáng lưu ý, có địa phương dù được Ngân hàng Thế giới (WB) lựa chọn để điều tra, đánh giá xếp hạng về môi trường kinh doanh, nhưng đến nay cũng chưa có kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết... Nhiều luật có hiệu lực từ ngày 1/7 vẫn chưa có nghị định quy định chi tiết.

Trong số những điểm còn yếu của nền kinh tế những tháng đầu năm 2015, vấn đề khiến Chính phủ lo lắng nhất là việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều vướng mắc. Theo Thủ tướng, những việc này thuộc về chức năng, nhiệm vụ của bộ máy hành pháp, là việc trong tầm tay của các bộ, ngành, nên sự chậm trễ là điều khó chấp nhận.

Có lẽ, nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong cải cách thể chế nằm ở chính tinh thần trách nhiệm, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức, của bộ máy hành pháp. Thực tế này đòi hỏi người đứng đầu các cơ quan, tổ chức phải quan tâm nhiều hơn công tác đào tạo, nâng cao đội ngũ cán bộ, công chức làm chính sách, đồng thời khẩn trương loại bỏ những lực cản với tiến trình cải cách.

Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách theo hướng thực hiện đầy đủ quy luật của kinh tế thị trường, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người dân; đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành pháp luật, bao gồm các các luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 là yêu cầu khẩn cấp được Thủ tướng Chính phủ đưa ra với lãnh đạo các bộ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2015. Trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng. Đây là yêu cầu bắt buộc nếu muốn nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, đồng thời tạo không gian phát triển mới cho nền kinh tế.

Tin liên quan
Tin khác