Thao tác chuyển nguồn thủ công
Theo các nhà đầu tư, mặc dù đang sử dụng hệ thống điện 2 nguồn, nhưng hiện nay, việc chuyển đổi nguồn điện tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng (xã Hòa Liên, huyện Hoà Vang, TP. Đà Nẵng) vẫn đang thực hiện thủ công, dẫn đến tình trạng thường xuyên nháy điện, cúp điện đột ngột, ảnh hưởng đến dây chuyền, máy móc của các đơn vị.
Ông Motoshi Mitobe, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Tokyo Keiki cho biết: “Công ty chúng tôi sử dụng hệ thống máy móc, thiết bị rất đắt tiền và hiện đại. Việc điện bị cúp đột ngột ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình gia công sản phẩm, gây hỏng hóc hệ thống máy móc và hư hỏng sản phẩm. Mặc dù Khu công nghệ cao hiện nay có hệ thống điện 2 nguồn, nhưng lại không có hệ thống chuyển đổi tự động, mà sử dụng chuyển đổi thủ công, làm mất đi ý nghĩa của việc sử dụng hệ thống điện 2 nguồn này”.
. |
Chia sẻ vấn đề trên, ông Niwa Dai, Tổng giám đốc Công ty Niwa Foundry cho biết, nguồn điện tại Khu công nghệ cao chưa thật sự ổn định, với dẫn chứng là từ đầu năm đến nay, hệ thống điện tại Công ty Niwa đã bị cắt 3 lần (lúc 18h15 ngày 15/4, 11h30 ngày 16/8, 0h40 ngày 10/10).
“Chúng tôi rất mong muốn, các cơ sở hạ tầng tại Khu công nghệ cao đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư để đảm bảo hiệu quả hoạt động, cũng như tạo ấn tượng tốt cho những nhà đầu tư đến sau”, ông Niwada góp ý.
Theo ông Ngô Tấn Cư, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Điện lực Đà Nẵng, trong năm 2015, Công ty Điện lực Đà Nẵng đã tiến hành đầu tư lắp đặt một trạm biến áp 110 kV, với tổng vốn đầu tư hơn 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Cư cũng cho biết, việc đảm bảo nguồn điện ổn định tại Khu công nghệ cao đang gặp rất nhiều khó khăn, do nhiều vấn đề nằm ngoài khả năng của Công ty.
“Xã Hoà Liên được ghi nhận là nơi có tần suất sét cao nhất tại Đà Nẵng hiện nay. Sét là nguyên nhân gây ra tình trạng nhấp nháy hệ thống điện, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các đơn vị. Về lâu dài, hệ thống hạ tầng điện tại Khu công nghệ cao sẽ phải tiếp tục được đầu tư”, ông Cư cho biết.
Sẽ tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện
Đối với việc chuyển nguồn thủ công gây nháy điện, cúp điện, đại diện 2 công ty Niwa Foundry, Tokyo Keiki cùng đưa ra đề xuất là phải đầu tư hệ thống chuyển nguồn tự động tại trạm biến áp 110 kV trong Khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Liên quan vấn đề này, ông Ngô Tấn Cư giải thích, việc xây dựng hệ thống chuyển nguồn tự động tại trạm biến áp 110 kV là rất tốn kém và phải có lộ trình. “Ở Việt Nam hiện chưa có trạm biến áp tự động chuyển nguồn nào ở cấp 110 kV. Mặc dù Hòa Liên là nơi sau cùng của Đà Nẵng làm khu công nghiệp, nhưng là khu công nghệ cao, nên chúng tôi ưu tiên đầu tư hiện đại hơn các khu công nghiệp khác. Tuy nhiên, để được như Nhật Bản thì chưa thể. Chúng tôi cũng là doanh nghiệp, nên cũng có những hạn chế, khó khăn riêng”, ông Cư chia sẻ.
Đại diện Điện lực Đà Nẵng cho biết thêm, thời gian tới, Công ty sẽ tăng cường nhân lực, lắp đặt các thiết bị nhằm giảm thời gian thao tác chuyển nguồn bằng thủ công.
“Năm 2017, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống đường điện mạch vòng 3 nguồn và cho thiết kế lắp một trạm hòa điện tự động không người vào giữa năm. Khi đó, việc cúp, nháy điện sẽ không còn nữa”, ông Cư cho biết.
Theo ông Ngô Tấn Cư, trước mắt, Điện lực Đà Nẵng sẽ đầu tư thiết bị tủ tự động chuyển nguồn (giá khoảng gần 1 tỷ đồng/tủ) dành cho một số khách hàng là nhà đầu tư tại Khu công nghê cao. Tuy vậy, do chi phí rất lớn, nên về lâu dài, việc đầu tư thiết bị này phải được xã hội hóa.
Ông Phùng Tấn Viết, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao Đà Nẵng cho biết: “Thao tác chuyển nguồn tại Ban quản lý vẫn đang thực hiện thủ công. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang cố gắng giảm thiểu việc này để giảm tổn thất cho các đơn vị. Hiện tại, chúng tôi chưa đủ điều kiện để lắp một trạm chuyển nguồn tự động ngay ở trạm biến áp 110 kV, nhưng sau này, vấn đề đó sẽ nghiên cứu. Chúng tôi cam kết, đến giữa năm 2017, việc hạ nguồn tại các đơn vị sẽ được thực hiện tự động, khi đó điện mạch vòng 3 nguồn sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn”.