Đó là quan điểm của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), tại Hội thảo khoa học Quan điểm, định hướng giải pháp phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo hướng đô thị - công nghiệp – dịch vụ cửa khẩu xanh, bền vững giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài sẽ tạo ra những động lực mới cho sự phát triển của Tây Ninh và cả nước |
Theo ông Vũ Tiến Lộc, phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài là một giải pháp mở rộng không gian phát triển cho vùng TP. HCM và cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Hiện nay, mô hình phát triển siêu đô thị, đại công trường và sự quá tải về hạ tầng kinh tế xã hội tại TP.HCM và các trung tâm công nghiệp phía Nam được bộc lộ rõ ràng trước tác động của đại dịch Covid -19 đã cho thấy chúng ta cần có sự mở rộng về không gian phát triển.
Mặt khác, sự phát triển chậm lại của các đầu tàu kinh tế này cũng cho thấy xu hướng hình thành các siêu đô thị, đại công trường và các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, thâm dụng tài nguyên tại TP. HCM và các tỉnh lân cận đã không còn là mô hình phù hợp.
Mô hình phát triển theo kiểu đàn sếu bay, lan toả được làn sóng phát triển theo kiểu trung tâm – vệ tinh trong một chuỗi liên kết trải rộng trên các địa bàn không gian rộng hơn phải là một định hướng quan trọng cho giai đoạn phát triển mới.
Trong khi đó, Đồng bằng sông Cửu Long đứng trước nguy cơ lớn về biến đổi khí hậu, nước biển dâng thì việc lan toả không gian phát triển công nghiệp về những vùng cao hơn, ít chịu ảnh hưởng của thiên tai là cần thiết.
“Mộc Bài là một sự lựa chọn phù hợp. Mộc Bài có quy mô 21,284 ha, có đủ dư địa để đón nhận dòng dịch chuyển công nghiệp lớn”, ông Lộc nhấn mạnh.
Ông Lộc cho rằng, mặc dù những kết quả đóng góp của khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài trong thời gian qua còn rất khiêm tốn. Tuy nhiên, là cửa khẩu quốc tế đường bộ lớn nhất ở phía Nam, việc phát triển khu kinh tế Mộc Bài sẽ tạo ra những động lực mới cho sự phát triển của Tây Ninh và cả nước.
“Chúng ta xây dựng khu kinh tế Mộc Bài với tầm nhìn phát triển chuỗi công nghiệp – đô thị Mộc Bài – TP. HCM – Cảng Cái Mép – Thị Vải gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á. Đây là chuỗi công nghiệp đô thị huyết mạch gắn trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước là TP.HCM với siêu cảng Cái Mép – Thị Vải và siêu cửa khẩu Mộc Bài kết nối với Campuchia với vùng Mê Công mở rộng, với ASEAN với tuyến đường xuyên Á”, ông Lộc nhấn mạnh.
Theo ông Lộc, đầu tư phát triển khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài không chỉ là cho Mộc Bài, không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là đầu tư cho an ninh quốc phòng của đất nước, một phương thức để gắn kết và hợp tác cùng có lợi và củng cố tình hữu nghị với nước bạn Campuchia.
Ngoài ra, Mộc Bài có lợi thế của người đi sau, có thể tránh được những sai lầm của những trung tâm công nghiệp - đô thị đi trước, tránh được hội chứng siêu đô thị, đại công trường. Do đó, ông Lộc đề nghị xây dựng ở đây mô hình khu công nghiệp – đô thị - dịch vụ và giao lưu quốc tế như một hệ sinh thái.
“Hạ tầng khu công nghiệp theo quan niệm đó không chỉ là nhà xưởng, mà còn phải bao gồm cả các dịch vụ xã hội, các dịch vụ hỗ trợ pháp lý và phát triển kinh doanh để yểm trợ cho hoạt động của các doanh nghiệp và nhà đầu tư”, ông Lộc nói thêm.
Theo ông Lộc, Mộc Bài cũng nên là mô hình của sự gắn kết công - nông nghiệp, gắn nông nghiệp với công nghiệp chế biến theo các chuỗi cung ứng từ các tỉnh thành phố của Việt Nam và từ nước bạn Campuchia. Chuỗi cung ứng của Mộc Bài là chuỗi cung ứng xuyên biên giới.
Ông Lộc cho rằng, trong chiến lược phát triển, bên cạnh việc chủ trương mời gọi các “con sếu đầu đàn” tầm cỡ, các nhà đầu tư có kinh nghiệm phát triển công nghiệp – đô thị - dịch vụ trong nước và quốc tế để đóng vai trò trung tâm của các chuỗi liên kết, thì rất cần có kế hoạch hỗ trợ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao năng lực của khối doanh nghiệp này để có thể tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn, liên kết được các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở địa phương với các doanh nghiệp lớn đến từ trong và ngoài nước.
Sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa ở địa phương cũng chính là một thành tố quan trọng của hệ sinh thái phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư.
Để chỉ đạo thực hiện kế hoạch này, ông Lộc đề nghị thành lập cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và cung ứng các dịch vụ phát triển kinh doanh trong khu kinh tế. Đồng thời thành lập Hội đồng doanh nghiệp Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và Hội đồng tư vấn phát triển khu kinh tế với sự tham gia của các nhà khoa học, doanh nhân. Các thiết chế này theo tôi rất cần thiết cho sự phát triển của khu.
“Với những thể chế đặc thù vượt trội, chúng ta cũng kỳ vọng Mộc Bài sẽ là một không gian khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của đất nước”, ông Lộc nói.
Về hình thức thu hút đầu tư trong phát triển khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, ông Lộc cho rằng, bên cạnh việc huy động đầu tư tư nhân, đầu tư công, phương thức đầu tư theo mô hình đối tác công - tư dưới nhiều hình thức khác nhau nên được nghiên cứu thực hiện và trong cơ chế đặc thù vượt trội có nội dung cho phép thử nghiệm những lĩnh vực và hình thức mới của đối tác công tư.
“Kinh nghiệm của nhiều địa phương đi trước cho thấy, đối tác công - tư có thể mở ra nhiều tiềm năng cho việc giải quyết các nút thắt cơ sở hạ tầng và các công trình phát triển kinh tế xã hội”, Chủ tịch VIAC gợi ý.