Việc chú trọng đầu tư vào hạ tầng KCN, KKT giúp Nghệ An trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư FDI. Trong ảnh: VSIP Nghệ An |
Chiến lược đúng đắn
Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cho biết, tính từ đầu năm 2023 đến nay, Ban đã chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 23 dự án (trong đó có 17 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký 26.656 tỷ đồng; điều chỉnh tăng vốn 6.024 tỷ đồng cho 11 dự án.
Tính chung, trong năm 2023, tổng số vốn các dự án FDI được cấp mới và điều chỉnh tăng thêm đạt hơn 1,603 tỷ USD. Đây thực sự là con số ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế đang còn nhiều khó khăn, nhiều địa phương khác trong khu vực miền Trung cả năm 2023 không thu hút được dự án FDI nào.
Cũng nhờ những kết quả nổi bật nói trên, Nghệ An đã vươn lên vị trí thứ 8/63 địa phương trên cả nước và đứng đầu 14 tỉnh miền Trung về thu hút vốn FDI.
Ông Lê Tiến Trị, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cho biết, nhận diện các lợi thế tiềm năng nổi bật của Nghệ An khi so sánh với những địa phương khác trong khu vực, tỉnh đã đưa ra định hướng tập trung thu hút đầu tư các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN.
Định hướng này kết hợp với các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ đầu tư đã mang lại kết quả tốt khi từ năm 2015 đến nay, Nghệ An thu hút được 3 nhà đầu tư lĩnh vực hạ tầng KCN là Hoàng Thịnh Đạt, VSIP và WHA.
“Hiện các KCN Hoàng Mai I, WHA giai đoạn I và VSIP giai đoạn I thu hút được khá nhiều nhà đầu tư thứ cấp và đạt tỷ lệ lấp đầy cao (trên 90%). Trong đó, KCN WHA và VSIP đang trong quá trình thực hiện mở rộng giai đoạn II. Riêng KCN Hoàng Mai II đã được Thủ tướng Chính phủ cấp chủ trương đầu tư”, ông Trị thông tin.
Với việc các dự án hạ tầng công nghiệp được đầu tư đồng bộ, hiện đại, kết hợp với chiến lược “5 sẵn sàng” (về mặt bằng; về cơ sở hạ tầng; nguồn nhân lực; cơ chế chính sách, thủ tục hành chính; sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ), làn sóng thu hút đầu tư mới đã xuất hiện và tăng mạnh trong thời gian qua tại Nghệ An.
Tăng cường đầu tư hạ tầng hỗ trợ
Theo báo cáo của Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, từ đầu năm 2019 đến nay, Nghệ An đã thu hút được hơn 2 tỷ USD vốn FDI tại các KCN nằm trong KKT tỉnh. Trong đó có nhiều dự án đầu tư lớn thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử và công nghệ như: Goertek Vina (500 triệu USD), Runergy PV Technology (440 triệu USD), Everwin (200 triệu USD), JuTeng (200 triệu USD), Luxshare ICT (275 triệu USD), Mery&Luxshare (40 triệu USD)…
Riêng năm 2023, Nghệ An đã thu hút dòng vốn FDI hơn 1,6 tỷ USD, trong đó có nhiều dự án quy mô lớn, điển hình như Dự án Sản xuất thanh silic đơn tinh thể và đĩa bán dẫn tại KCN Hoàng Mai I (cấp giấy chứng nhận đầu tư trong tháng 6/2023). Dự án do Công ty TNHH Công nghệ Runergy PV Technology (Thái Lan) làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 293 triệu USD. Hiện Runergy PV Technology đã điều chỉnh và nâng tổng mức đầu tư dự án lên 440 triệu USD.
Lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cho hay, đây là dự án khởi đầu trong chuỗi kế hoạch đầu tư tại Việt Nam của doanh nghiệp này, các dự án tiếp theo có thể nâng tổng số vốn đầu tư của doanh nghiệp tại Việt Nam lên 1,2 - 1,4 tỷ USD.
Trước đó, trong tháng 5/2023, Nghệ An cũng cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử (100 triệu USD) cho Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải (Foxconn).
Còn trong năm 2022, Nghệ An trao giấy chứng nhận đăng ký (điều chỉnh) Dự án Nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện tại KCN WHA cho Tập đoàn Goertek. Sau hơn 1 năm triển khai giai đoạn I, trong năm 2023, Tập đoàn này đã quyết định tăng vốn đầu tư dự án từ 100 triệu USD lên 500 triệu USD, trở thành dự án FDI lớn nhất Nghệ An hiện nay.
Khi được Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư, hầu như các nhà đầu tư FDI đã hoàn thành rất nhanh hồ sơ, thủ tục để khởi công, triển khai xây dựng và đưa dự án vào hoạt động.
Để hỗ trợ việc thu hút nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào các KCN thuộc Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, tỉnh Nghệ An tiếp tục các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cũng như tăng cường đầu tư hạ tầng thiết yếu.
Ông Lê Tiến Trị cho biết, tính đến giữa quý IV/2023, tổng vốn đầu tư đã giải ngân cho công tác đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu trong Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đạt 273,6/531 tỷ đồng.
Hiện có 2 dự án thi công các tuyến đường trong khu kinh tế gồm: Đường vào phân khu CN30 - KCN Nam Cấm; Hệ thống thoát nước KCN VSIP - Thọ Lộc; Di dời đường điện KCN VSIP - Thọ Lộc đã được tỉnh Nghệ An phê duyệt chủ trương đầu tư và đang lựa chọn nhà thầu.
Ngoài ra, 2 dự án khác là Di dời đường điện KCN VSIP - Thọ Lộc đang được sở, ban, ngành liên quan hoàn thiện các thủ tục trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư; Dự án Tuyến số 2, đường giao thông Khu A - KCN Nam Cấm đang phối hợp với Sở KH&ĐT trình UBND tỉnh xem xét trình HĐND tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Bên cạnh đó, Ban cũng đang đẩy nhanh tiến độ thi công 6 dự án khác, gồm: Đường N5-1, Đường N2, Kênh thoát nước dọc N5, Đường N3 vào KCN Hoàng Mai 1, Kênh thoát nước WHA-2.
Không chỉ tập trung đầu tư các dự án hạ tầng thiết yếu, công tác đồng hành hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai cũng được lãnh đạo tỉnh Nghệ An và Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An chú trọng với công thức “5 sẵn sàng” cùng phương châm “thành công của nhà đầu tư cũng là thành công của tỉnh”.
Đánh giá về điều này, đại diện Công ty TNHH VSIP Nghệ An cho hay: “Trong những năm qua, lãnh đạo tỉnh Nghệ An và Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đã tập trung đẩy mạnh quy hoạch phát triển không gian khu kinh tế, khu công nghiệp, huy động nguồn vốn phát triển kết cấu hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn. Lãnh đạo tỉnh Nghệ An nói chung và Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An nói riêng luôn hỗ trợ tận tình về mọi mặt, nhằm tạo môi trường hoạt động tốt nhất cho chúng tôi”.