Thành quả đáng ghi nhận nhất của KKTM Chu Lai sau 14 năm thành lập (từ năm 2003) là gì, thưa ông?
Khi Quảng Nam tái lập, thu ngân sách toàn tỉnh chỉ có 130 tỷ đồng, giá trị công nghiệp quá thấp, đầu tư không có gì nhiều. Sau 5 năm quyết liệt đầu tư, thành quả nhìn thấy là Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc ở phía Bắc khá thành công. Tuy nhiên ở phía Nam, nơi có các điều kiện thuận lợi như sân bay, bến cảng, kết nối đường sắt thuận lợi chưa có gì. Vì vậy, lãnh đạo địa phương đã quyết tâm xin Trung ương cho thành lập mô hình đặc khu kinh tế vào năm 1997.
. |
Tới năm 2003, với Quyết định 108/2003/QĐ-TTg, KKTM Chu Lai đã được thành lập. Ban Quản lý KKTM Chu Lai được giao chức năng quản lý nhà nước về kinh tế một số lĩnh vực, còn hành chính thì trực thuộc hệ thống chính quyền các cấp. Mô hình KKTM đã thoát ly được cơ chế hành chính nặng nề lúc bấy giờ, nên phục vụ được nhu cầu nhà đầu tư, tạo điều kiện tập trung trong sắp xếp dân cư, giải phóng mặt bằng, tìm các cơ chế để hình thành hạ tầng ban đầu tại Chu Lai.
Qua 14 năm nỗ lực và thu hút nhà đầu tư, KKTM Chu Lai đã góp phần đưa Quảng Nam vào nhóm 10 địa phương điều tiết ngân sách về Trung ương. Năm 2016, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đạt hơn 20.000 tỷ đồng, riêng từ KKTM Chu Lai đóng góp trên 15.000 tỷ đồng. Số lao động cũng tăng đột biến, lên hơn 8.000 người trong năm 2016, nâng tổng số lao động hiện có lên 20.000 người; giá trị sản xuất công nghiệp cũng tăng gấp 2 lần so với năm 2011.
Kết quả trên đã cho thấy, KKTM Chu Lai, với việc lựa chọn công nghiệp và dịch vụ phù hợp, đã đem đến thành công, phù hợp với thực tế và tạo tiền đề, tạo sức mạnh cho Quảng Nam tiếp tục vươn lên trong tương lai.
Thực tế thu hút đầu tư vào KKTM Chu Lai nổi lên câu chuyện của Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải. Đầu tư của Trường Hải tại Chu Lai đã nhanh chóng được mở rộng với tầm nhìn chiến lược về hội nhập để đứng vững vào thời điểm năm 2018. Từ thực tế này, theo ông, địa phương phải có chiến lược ra sao để thu hút doanh nghiệp đến lập nghiệp ở những vùng đất khó khăn và cùng nhau phát triển?
Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải được thành lập ở Đồng Nai, nhưng khi nghiên cứu thực tế tại KKTM Chu Lai, Trường Hải có ý định đầu tư hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô tại đây. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam khi đó đã đồng hành với Trường Hải trong việc vận động và thuyết phục các cơ quan để doanh nghiệp này được tiến hành đầu tư lắp ráp ô tô tại KKTM Chu Lai. Đây có thể nói là bước đầu tiên khởi nghiệp của Trường Hải tại Chu Lai.
Khi lựa chọn nhà đầu tư, Ban quản lý KKTM Chu Lai cũng đã tìm hiểu, phân tích kỹ về năng lực doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh để đồng hành với nhà đầu tư. Mô hình gắn kết và đồng hành này đã tạo ra cách làm việc giúp cả Trường Hải và KKTM Chu Lai cùng phát triển.
Chúng tôi đồng hành với nhà đầu tư, tìm mọi cơ chế để hỗ trợ tối đa nhà đầu tư, đặc biệt là vào những thời điểm ngành ô tô gặp thăng trầm, khủng hoảng do ảnh hưởng của kinh tế. Ban Quản lý KKTM Chu Lai đã sát cánh với Trường Hải trong quá trình làm việc với các bộ, ngành, cùng đàm phán để đưa ra mô hình chiến lược trong từng giai đoạn nhất định trong bối cảnh hội nhập của Việt Nam.
Việc đầu tư vào logistic của Trường Hải đã đưa Khu kinh tế mở Chu Lai bước sang một chu kỳ phát triển mới. |
Dù tới năm 2018, ngành ô tô của Việt Nam sẽ hội nhập sâu rộng và mạnh mẽ với chính sách thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN, nhưng từ năm 2007, chiến lược hội nhập đã được Trường Hải đặt ra rõ ràng. Chính việc xác định được mô hình chiến lược đúng hướng và cách đầu tư phù hợp của doanh nghiệp, kèm theo sự hỗ trợ của Nhà nước, dù chưa nhiều, nhưng đã giúp doanh nghiệp trụ vững trong lúc khó khăn và có sức bật khi cơ hội đến.
Tại Trường Hải, nhờ cách tổ chức quản trị trong sản xuất với việc tích hợp nhiều sản phẩm trong 1 doanh nghiệp, tổ chức thị trường trong khu vực tốt, doanh nghiệp đã chiếm thị phần cao, đưa được năng suất lao động nâng lên. Việc tổ chức đào tạo nhân lực có chất lượng, kỹ thuật và kỷ luật bài bản đã thoả mãn được các yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia đang sở hữu những thương hiệu nổi tiếng là Mazda, Peugeot hay Kia, bước đầu đã tạo ra giá thành sản phẩm cạnh tranh và giúp doanh nghiệp đứng vững.
Với sự chủ động của mình, cùng với việc phát triển công nghiệp phụ trợ, tích hợp nhiều sản phẩm trong 1 doanh nghiệp, nhiều sản phẩm trong 1 showroom, Trường Hải đã tổ chức thêm khâu vận chuyển logistic. Chính khâu này, trên cơ sở kết nối tuyến hàng hải quốc tế đến cảng Chu Lai cũng như từ Chu Lai đi miền Trung - Tây Nguyên và cả hai đầu đất nước, đã tạo cho sản phẩm sản xuất tại KKTM Chu Lai đến với thị trường nhanh nhất, rút ngắn thời gian và có giá thành cạnh tranh.
Từ các yếu tố cơ bản mà Trường Hải có được là tổ chức sản xuất - đào tạo lực lượng lao động để tồn tại cùng doanh nghiệp - phát triển logistic phù hợp, cộng với sự đồng hành của tỉnh Quảng Nam, những hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, đã tạo dựng nên Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải ngày nay, với vị thế, vai trò hàng đầu ở trong nước và đang vươn mạnh ra thị trường quốc tế.
Trường Hải đã chủ động tổ chức các tuyến logistic nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh cho mình. Vậy xét trên tổng thể của KKTM Chu Lai, vốn còn rất nhiều dư địa để thu hút các doanh nghiệp, Ban Quản lý KKTM Chu Lai sẽ có những động thái gì để hấp dẫn nhà đầu tư dừng chân tại vùng đất còn khó khăn này?
Với phương châm đồng hành cùng nhà đầu tư, trong các năm qua, Ban Quản lý KKTM Chu Lai đã làm được nhiều việc cùng với Trường Hải. Từ công tác quy hoạch, thủ tục hành chính đến tạo quỹ đất sạch, đầu tư hạ tầng giao thông kết nối như nạo vét luồng tàu ở cảng Kỳ Hà, đã giúp KKTM từ chỗ đón được tàu 3.000 tấn lên đón tàu hơn 20.000 tấn hiện nay và sắp tới là đầu tư thêm để đón tàu 30.000 tấn.
Chu Lai đã từng mơ ước đón được chuyến hàng hải container quốc tế, thì tới năm 2015, Trường Hải đã làm được điều này. Việc đầu tư vào logistic của Trường Hải đã đưa KKTM Chu Lai sang một chu kỳ mới với tâm thế phát triển hướng tới xuất khẩu toàn cầu.
Ban Quản lý KKTM Chu Lai cũng đang tiếp tục chuẩn bị mặt bằng, nhân lực để xúc tiến với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, gắn với thị trường Đông Bắc Á, châu Âu và Bắc Mỹ, nhằm khai thác được triệt để các tuyến hàng hải quốc tế mà Trường Hải tổ chức. Mô hình này cũng đã thành công bước đầu tại Khu công nghiệp Tâm Thanh trong KKTM Chu Lai, khi sản phẩm được sản xuất trong Khu công nghiệp đã được xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Mô hình logistic của Trường Hải càng phát triển sẽ giúp sản xuất công nghiệp phục vụ xuất khẩu của KKTM Chu Lai có cơ hội phát triển tương ứng, cũng như thúc đẩy hình thành thị trường dịch vụ.
KKTM Chu Lai bước đầu có thành công là nhờ sự phát triển của Trường Hải và một số doanh nghiệp hiện có. Tuy nhiên, trong giai đoạn tiếp theo, với mục tiêu phát triển mạnh hơn, vấn đề logistic và hạ tầng sẽ tiếp tục được chú trọng. Ban Quản lý đang tập trung quyết liệt để tổ chức và xúc tiến hình thành Trung tâm logistic về hàng không, bên cạnh hàng hải đang được mở rộng. Nếu phát triển được Trung tâm logistic hàng không, KKTM Chu Lai sẽ là đầu tàu kinh tế của tỉnh, phát triển một cách bền vững và đóng góp lớn vào phát triển kinh tế khu vực.
Ông có thể nói rõ hơn về mô hình của Trung tâm logistic đang được triển khai này?
Trung tâm logistic của Trường Hải đã có và đang được tập trung để tăng tuyến, tăng chuyến, mở rộng tuyến từ Chu Lai đi miền Trung - Tây Nguyên, đi các cảng trong nước và đi các thị trường ở khu vực ASEAN và Đông Bắc Á. Trung tâm này được phát triển theo mô hình phát triển chung của KKTM Chu Lai cũng như của Trường Hải. Năm 2016, dung lượng hàng hoá qua cảng Chu Lai tăng đột biến, từ 1,5 triệu tấn/năm lên 3 triệu tấn/năm và dự báo năm 2018 - 2020 sẽ tăng lên trên 5 triệu tấn. Điều này chính là nhờ sự hình thành của logistic.
Hiện Ban Quản lý KKTM Chu Lai đang xúc tiến đầu tư một số dự án với mục tiêu hoàn thành vào năm 2025, giúp tăng lượng hàng qua cảng Chu Lai trên 10 triệu tấn/năm - đạt ngưỡng ban đầu của tuyến hàng hải quốc tế.
Vậy các doanh nghiệp khác đến KKTM Chu Lai sẽ được hưởng lợi gì từ dịch vụ logistic này, thưa ông?
Trước đây, khi chưa có logistic và các tuyến vận tải, hàng hoá từ Chu Lai phải vận chuyển ra Đà Nẵng hay về TP.HCM rồi từ đó mới đi tiếp Singapore hoặc Hồng Kong, sau đó mới từ các nơi này vận chuyển tiếp đi khu vực Đông Bắc Á sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản.
Nhưng hiện giờ, nhờ có logistic mà hàng hoá được đi thẳng từ Chu Lai tới Incheon (Hàn Quốc), Osaka (Nhật Bản) hay các thị trường trong nước, rút tới mức thấp nhất thời gian hàng hoá trên đường đi. Chi phí nhờ vậy cũng chỉ còn thấp, giảm tới 60-70% so với trước đây, với thời gian giảm đi rất nhiều, giúp tiết kiệm chi phí, tạo ra sức cạnh tranh.
Trong quá trình phát triển của Trường Hải tại Chu Lai, câu chuyện tự lo đào tạo nguồn nhân lực đã diễn ra. Tuy nhiên, khi Chu Lai ngày càng phát triển, đòi hỏi nhân lực sẽ phải khác. Tỉnh và Ban Quản lý đã chú ý tới vấn đề này ra sao để đáp ứng được nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư khi dừng chân tại KKTM Chu Lai?
Tại Quảng Nam và miền Trung nói chung, nhân lực tương đối trẻ, nhưng để đào tạo cơ bản, có kỷ luật, kỹ thuật, có trình độ để đáp ứng cho Chu Lai nói riêng và Quảng Nam nói chung là bài toán khó.
Kinh nghiệm hơn 10 năm qua của Trường Hải là tự đào tạo nhân lực để cung cấp cho nhu cầu sản xuất của mình. Điều này đã được chúng tôi rút kinh nghiệm. Theo đó, ngoài tạo mặt bằng sạch và một phần ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp, nên xã hội hoá, có sự tham gia của tư nhân trong công tác đào tạo nhân lực để đúng, đủ, kịp thời và tốt, cung cấp cho các dự án khác, mà lại không lãng phí.
Địa phương cũng kêu gọi các nhà đầu tư vào đầu tư nhà ở cho công nhân và phục vụ người có thu nhập thấp trên quỹ đất sách đã được triển khai thời gian qua.
Giai đoạn đầu, mục tiêu được xác định là phát triển công nghiệp, nên có lựa chọn nhà đầu tư và các sản phẩm đi kèm cạnh tranh được toàn cầu. Tiếp đó, Nhà nước và địa phương hỗ trợ tối đa về cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào, quản lý các chức năng nhà nước…, từ đó mới hình thành ngành công nghiệp.
Từ thực trạng tự nhiên, điều kiện địa lý, đã xác định có đủ điều kiện để phát triển công nghiệp, trong đó có trung chuyển hàng hoá qua Cảng hàng không sân bay Chu Lai hay qua logistic mà Trường Hải đang đầu tư. Tiếp đó là phát triển ngành phụ trợ ô tô, phụ trợ dệt may xuất khẩu, ngành khí - điện thông qua Dự án Khai thác khí mỏ Cá voi Xanh. Từ đó, hình thành các trung tâm trung chuyển hàng hoá bằng hàng không, đường biển; sản xuất ô tô toàn cầu, du lịch toàn cầu; công nghiệp khí và sản phẩm sau khí. Các trung tâm này ra đời sẽ thúc đẩy các ngành dịch vụ ra đời có tính cạnh tranh và phát triển toàn cầu.