Phối cảnh Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên. |
Tăng cường liên kết
Với đa dạng địa hình, có tiềm năng, thế mạnh về nông, lâm, thủy sản, tỉnh Phú Yên đã xác định mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao và sản phẩm an toàn là chiến lược đầu tư lớn, đưa địa phương thành một trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của khu vực Nam Trung bộ.
Tỉnh đã quy hoạch thành công nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, hình thành chuỗi cung ứng liên kết, trong đó đáng chú ý là Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC) Phú Yên được thành lập năm 2013, là một trong 10 khu NNCNC trong quy hoạch tổng thể của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo Ban Quản lý Khu NNCNC Phú Yên, giai đoạn I của dự án có diện tích 460 ha. Từ năm 2016, đơn vị xây dựng dự án đã đầu tư 6 công trình gồm: hệ thống thủy lợi Lỗ Chài 1, đường giao thông trục chính, trụ sở điều hành, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống điện, hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư, với tổng kinh phí 520 tỷ đồng. Đến nay, đã hoàn thiện đưa vào sử dụng 4/6 công trình, đều là những hạng mục cấp thiết, đáp ứng những điều kiện cơ bản để đưa Khu NNCNC vào hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng ban quản lý Khu NNCNC Phú Yên cho biết, các dự án về hạ tầng đang đi vào giai đoạn hoàn thiện, tạo điều kiện để thu hút vốn đầu tư mới, song hành với sự chuyển biến trong hoạt động sản xuất nông nghiệp của địa phương. Thời gian gần đây, đơn vị đang phối hợp với các nhà đầu tư chuyển giao công nghệ cho người dân, góp phần giúp nông dân thay đổi tư duy và cách thức sản xuất, từ đó hình thành những vùng sản xuất NNCNC, tạo ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo, có tính cạnh tranh, đưa sản xuất nông nghiệp của tỉnh lên một tầm mới.
Cùng với sự hoàn thiện về hạ tầng Khu NNCNC, tỉnh Phú Yên đã kêu gọi liên kết với các tỉnh trong khu vực, hợp tác ứng dụng công nghệ cao cho ngành nông nghiệp. Theo đó, Phú Yên đã liên kết với Lâm Đồng, với Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TP.HCM, với các viện, trường đại học và đặc biệt được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt hàng nghiên cứu Dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất một số sản phẩm rau có giá trị tại Khu NNCNC Phú Yên và vùng phụ cận.
Kết quả đã nghiên cứu thành công một số loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương và sẵn sàng chuyển giao, nhân rộng quy trình sản xuất cho doanh nghiệp và nông dân như: dưa Hoàng Kim trong nhà màng; các loại dưa leo, dưa lưới, dưa lê của Nhật Bản; sung Magic; chuối tiêu hồng, chuối Úc, chuối sứ, chuối Nam Mỹ; các loại lan như Hồ Điệp, Dendro, lan gấm; giống dược liệu có cây đẳng sâm.
Hoàn thiện quy trình nuôi cấy và bảo tồn được 4 chủng vi sinh vật phân giải tinh bột (bacillus, xạ khuẩn, vi sinh vật phân giải lân, vi sinh vật cố định đạm) và đã sản xuất được chế phẩm vi sinh bằng chất mang cám gạo và tinh bột sắn, chất mang bột ngô và bột đậu tương, đồng thời sản xuất được chế phẩm sử dụng cả 2 chủng (bacillus và xạ khuẩn).
Hiện công tác liên kết, nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ thử nghiệm tại Khu NNCNC Phú Yên đều cho kết quả thành công ngoài mong đợi. Việc đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ sẽ góp phần quan trọng giúp ngành nông nghiệp Phú Yên phát triển bền vững. Để chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, đơn vị đã có báo cáo đề xuất chủ trương Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên (giai đoạn II).
GS-TS. Đỗ Năng Vịnh, nguyên Phó viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, Phú Yên có vị trí địa lý, chính trị rất quan trọng đối với phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng. Quyết định của Chính phủ phát triển Phú Yên thành một trung tâm về nông nghiệp công nghệ cao, đại diện vùng duyên hải Nam Trung bộ có ý nghĩa chiến lược to lớn, mở đường cho việc xây dựng những tổ hợp kinh tế nông nghiệp hiện đại, hướng biển, hòa nhập và cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế.
Kêu gọi dòng vốn mới
Ban quản lý Khu NNCNC Phú Yên cho biết, đến thời điểm này, đơn vị đã kêu gọi và thu hút đầu tư được 9 dự án, với tổng vốn đăng ký là 670,5 tỷ đồng, tổng diện tích 184,4 ha, trong các lĩnh vực như trồng cây cao lương, dược liệu, hoa, rau củ quả, nấm các loại; nuôi và nhân giống cá Koi Nhật Bản và sản xuất phân hữu cơ vi sinh…
Để chuẩn bị việc lập thủ tục đầu tư các dự án giai đoạn II sẽ khởi công mới trong giai đoạn 2021 - 2025, Ban quản lý Khu NNCNC Phú Yên sẽ tiếp tục kêu gọi xúc tiến đầu tư, hỗ trợ giúp đỡ các nhà đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sớm triển khai thực hiện dự án.
Liên kết, hợp tác giữa các khu, vùng và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các mô hình mẫu và nhân rộng ra các vùng để Khu NNCNC Phú Yên xứng tầm là một trung tâm của khu vực Nam Trung bộ.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, ông Trần Hữu Thế cho biết, ngay từ khi đi vào hoạt động, Khu NNCNC đã tập trung đầu tư về hạ tầng giao thông cũng như hạ tầng kỹ thuật để mời gọi, đón nhận các nhà đầu tư vào khai thác.
“Sự có mặt của những nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực mạnh tại Khu NNCNC Phú Yên được đánh giá sẽ giúp địa phương đổi mới công nghệ, hình thành các chuỗi cung ứng sản phẩm chủ lực, qua đó thúc đẩy việc đào tạo cũng như sử dụng nguồn nhân lực tại địa phương”, ông Thế nhấn mạnh.
Đã thu hút được 9 dự án, với tổng vốn 670,5 tỷ đồng; nghiên cứu thử nghiệm thành công hàng loạt loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương và khu vực Nam Trung bộ và đang được chuyển giao, nhân rộng mô hình.
Khu NNCNC Phú Yên đã liên kết sản xuất với Lâm Đồng, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TP.HCM, các viện, trường đại học và đặc biệt là được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt hàng nghiên cứu Dự án “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất một số sản phẩm rau có giá trị tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên và vùng phụ cận”.